Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 06/03/2020
Ngày cập nhật:
9/3/2020
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển mạnh các mô hình nuôi trồng thủy sản, huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) đã và đang tập trung phát huy thế mạnh này. Đồng thời, gắn với nâng chất cho các mô hình là liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Nông dân xã Long Điền Tây (huyện Đông Hải) trúng mùa tôm.
NÂNG CHẤT MÔ HÌNH SINH THÁI
Một trong những mô hình được nông dân huyện Đông Hải phát triển mạnh và chiếm diện tích sản xuất lớn nhất hiện nay là mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp (QCCTKH) với hơn 35.398ha.
Lợi thế của mô hình nuôi tôm sinh thái này là ngoài con tôm sú chủ lực, còn nuôi ghép với các loại thủy sản khác (cá, cua). Do vậy, trên cùng một đơn vị diện tích, nông dân có thể thu hoạch nhiều loại thủy sản mang lại giá trị kinh tế cao, nhất là nuôi cua biển.
Thời gian qua, mô hình trên đã được tập trung nâng chất theo hướng tăng cường đầu tư khoa học - công nghệ vào sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm sạch theo chuỗi giá trị, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu.
Đó là mô hình QCCTKH ít thay nước, sử dụng chế phẩm vi sinh và đến nay đã nhân rộng ở hầu hết các xã, với tổng diện tích hơn 2.610ha/1.171 hộ.
Với việc đầu tư thay đổi hình thức nuôi trồng truyền thống bằng áp dụng các chế phẩm vi sinh, năng suất bình quân của mô hình đạt từ 550 - 650kg/ha/năm (tôm, cua), lợi nhuận khoảng 70 - 85 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với mô hình nuôi tôm QCCTKH truyền thống. Cá biệt, có hộ lợi nhuận trên 90 triệu đồng/ha, điển hình như hộ ông Huỳnh Văn Thum, Lê Văn Điền, Tạ Văn Lỳ, hộ bà Ong Thị Thu (xã An Phúc). Đặc biệt, mô hình đã gắn kết được với các công ty, doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào quá trình đầu tư và bao tiêu sản phẩm, thực hiện sản xuất theo chuỗi liên kết “4 nhà”.
Qua áp dụng thực tế cho thấy, mô hình này đang từng bước phát triển và lan tỏa rộng khắp, bởi tính ổn định, bền vững, dịch bệnh thấp, chi phí đầu tư vừa phải, kỹ thuật nuôi đơn giản, có thể thả nuôi kết hợp nhiều đối tượng, thu hoạch nhiều sản phẩm, được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường bên ngoài.
Tuy nhiên, cái khó của việc áp dụng mô hình này là cần diện tích vùng nuôi lớn, trong khi đó, bờ bao giữ nước không tốt, cải tạo vuông nuôi chưa triệt để. Mặt khác, thời tiết thay đổi bất thường ảnh hưởng môi trường ao nuôi; đa phần hộ nuôi thả con giống chưa qua kiểm dịch nên tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh; một số hộ dân sử dụng chế phẩm vi sinh còn chưa hiệu quả, chưa đúng theo quy trình hướng dẫn…
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao ở huyện Đông Hải. Ảnh: L.D
PHÁT TRIỂN TÔM CÔNG NGHỆ CAO
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành tôm công nghiệp của cả nước, cùng với phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái, huyện Đông Hải còn khuyến khích doanh nghiệp, nông dân tập trung phát triển các mô hình nuôi tôm công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao.
Đến nay, diện tích của mô hình nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh (TC-BTC) của huyện đạt hơn 1.660ha. Với thời gian nuôi từ 5 - 6 tháng, mật độ thả 15 - 20 con/m2, tôm nuôi từ mô hình này đạt tỷ lệ sống 75%. Đồng thời, cho năng suất thu hoạch từ 3 - 4 tấn/ha/vụ, cỡ tôm thu hoạch 30 - 40 con/kg và cho tổng thu 600 - 800 triệu đồng/ha, lợi nhuận từ 300 - 400 triệu đồng/ha. Qua đánh giá, mô hình có 50% diện tích nuôi có lãi, 25% diện tích nuôi hòa vốn và lãi thấp, 25% diện tích nuôi bị lỗ. Khó khăn của việc áp dụng mô hình này là cần vốn đầu tư lớn, nhưng phần lớn nông dân chưa tiếp cận được vốn vay từ các ngân hàng.
Cùng với mô hình nuôi tôm sú TC-BTC, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng TC-BTC cũng đang được phát triển mạnh với tổng diện tích thả nuôi 2.396ha. Với thời gian nuôi từ 3 - 3,5 tháng, mật độ thả 60 - 80 con/m2, tỷ lệ sống 80% và cho năng suất từ 7 - 10 tấn/ha. Với cỡ thu hoạch đạt 40 con/kg, mô hình cho tổng thu từ 1,2 - 1,250 tỷ đồng/ha và lợi nhuận đạt từ 420 - 450 triệu đồng/ha. Qua đánh giá mô hình, có 60% diện tích nuôi có lãi, 25% diện tích nuôi hòa vốn và 15% diện tích nuôi bị lỗ.
Riêng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao gắn với nhiều công ty như: Mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao theo quy trình của Công ty CP, Tập đoàn Việt - Úc, Công ty Nam Mỹ, Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh… cho hiệu quả khá, tỷ lệ hộ nuôi thành công cao. Qua đánh giá mô hình, tỷ lệ thành công cao và đạt trên 80% diện tích nuôi có lãi, khoảng 20% diện tích nuôi lãi thấp và hòa vốn. Đây là mô hình nuôi tiên tiến được đầu tư rất bài bản, khâu quản lý rất nghiêm ngặt; khu nuôi được thiết kế có cả hệ thống ao lắng lọc, ao chứa và xử lý nước thải, chất thải, có lắp đặt hệ thống biogas. Hệ thống ao ương, ao nuôi được lắp quạt và oxy đáy; ao ương, ao nuôi, ao lắng được trải bạt hoàn toàn và được che lưới ở phía trên để giảm sự phát triển của tảo; tôm được ương từ 25 - 30 ngày đầu, mật độ ương từ 2.000 - 5.000 post/m2, sau đó chuyển tôm xuống ao nuôi và san thưa ra nhiều giai đoạn. Trong quá trình nuôi, các yếu tố môi trường được kiểm soát chặt chẽ, thời gian nuôi từ 90 - 120 ngày; cỡ thu hoạch 30 - 40 con/kg, năng suất từ 20 - 25 tấn/ha; lợi nhuận từ 700 - 900 triệu đồng/ha/năm. Điển hình như các hộ ông Ngô Văn Trung, Nguyễn Hùng Anh (xã Long Điền Tây); Cao Văn An (xã Điền Hải); Tạ Phước Guôl, Tạ Hoàng Nhiệm (xã Long Điền Đông)... áp dụng mô hình trên và đạt năng suất, tỷ lệ thành công cao.
Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp ở huyện Đông Hải.
Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình này, ngoài cần vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng, thì còn gặp nhiều khó khăn trong quản lý chất thải, nước thải. Đó là tình trạng nông dân vẫn trực tiếp xả thải ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước. Mô hình nuôi tôm TC-BTC nằm xen kẽ với các mô hình nuôi khác nên khó quản lý. Sự gắn kết giữa các hộ nuôi tôm chưa chặt chẽ, việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi còn nhiều hạn chế, chưa mang tính cộng đồng trong sản xuất cũng như sử dụng chung, sản phẩm đầu vào, đầu ra chưa liên kết chặt chẽ. Giá vật tư đầu vào tăng trong khi giá tôm thẻ nguyên liệu biến động, có lúc giảm mạnh gây khó khăn cho hộ nuôi…
Một trong những mục tiêu mang tính chiến lược từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 của huyện Đông Hải vẫn là tập trung phát triển thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản. Qua đó, góp phần xây dựng và đưa Đông Hải trở thành địa phương phát triển mạnh về kinh tế biển.
TÚ ANH
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.