• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nông dân Cần Giờ thoát nghèo nhờ nuôi cá bớp

Nguồn tin: VOV, 10/03/2020
Ngày cập nhật: 14/3/2020

Nhờ mô hình nuôi cá bớp trên sông ở Cần Giờ, TPHCM, người dân địa phương thoát nghèo, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vụ.

Mỗi ngày, với nghề cào nghêu, bắt ốc, anh Nguyễn Trung Tiến (30 tuổi, ngụ tại ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ) thu được 100 ngàn đồng. Số tiền ít ỏi đó không đủ để anh trang trải cuộc sống của gia đình. Cách đây 5 năm, anh Tiến quyết định thế chấp nhà cửa, đất đai để vay gần 500 triệu đồng và mạnh dạn chuyển sang nghề nuôi cá bớp.

Nuôi cá bớp giúp cuộc sống Võ Thanh Sơn khấm khá hơn, thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng/vụ.

Đầu tư nhà bè, phao lưới cùng với hơn 1.000 con giống là một quyết định mạo hiểm bởi nghề nuôi cá bớp lồng bè còn khá mới mẻ đối với người dân địa phương. Vừa nuôi trồng vừa học hỏi và được sự giúp đỡ kiến thức của những người đi trước, sau gần 1 năm, qua 2 mùa vụ thu hoạch gối đầu, anh Tiến không chỉ trả được tiền vay ngân hàng mà còn có lãi hơn 100 triệu đồng.

Ông trời không phụ người siêng năng, liên tục 5 năm duy trì nghề nuôi cá bớp trên phao bè, sau khi trừ hết chi phí, trung bình mỗi năm gia đình anh thu lãi hơn 300 triệu đồng.

Anh Tiến chia sẻ: “So với xưa thì giờ thu nhập 600.000 – 700.000 đồng/ngày, khỏe hơn nhiều so với đi làm lao động thuê. Tôi chỉ nuôi từ 1.000 – 2.000 con thôi. Cố gắng vượt khó, làm ăn cũng từ từ phát triển tốt lên. Cuộc sống giờ cũng đỡ, khang trang hơn rất nhiều so với lúc đi mò cua, bắt ốc”.

Hiện nay, nghề nuôi cá bớp ở Cần Giờ ngày một phát triển, giúp nhiều gia đình đổi đời. Anh Võ Thanh Sơn (32 tuổi), người quê Gò Công, tỉnh Tiền Giang cùng vợ sang xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ làm nghề phụ hồ, xây nhà cho người dân trên đảo.

Cách đây 3 năm, vợ chồng anh may mắn được chủ nhà cảm thương, hướng dẫn và giúp vốn để khởi nghiệp bằng nghề nuôi cá bớp lồng bè. Theo anh Sơn, công việc này không đòi hỏi tay nghề cao, nhưng bù lại cần vốn lớn, mỗi mùa vụ với khoảng 2.000 con giống, cộng thêm chi phí thức ăn, công sức thời gian chăm nuôi đầu tư khoảng từ 1 tỷ đến 1,2 tỷ đồng/vụ. Trung bình thu nhập được 2 vụ cá/năm thu lợi nhuận từ 300 - 400 triệu đồng/vụ.

Tuy nhiên, thời gian gần đây có nhiều người dân từ đất liền và một số vùng lân cận đổ ra đây tập trung đầu tư nuôi trồng thủy hải sản khiến việc nuôi cá bớp ít nhiều bị ảnh hưởng.

“Hiện giờ các dòng sông, rạch đang chăn nuôi nhiều loại quá, khiến dòng sông ngày càng hẹp. Các hộ dân mở rộng nuôi hàu quá nhiều nên bắt đầu thiếu diện tích mặt nước sạch để nuôi cá bớp. Chúng tôi rất mong quy hoạch vùng nuôi thì mới duy trì được hiệu quả nghề nuôi cá”, anh Sơn nói.

Nghề nuôi cá bớp giúp đổi đời dân nghèo ở Thạnh An, huyện Cần Giờ, TPHCM.

Được biết, nuôi cá bớp lồng bè tại Cần Giờ hiện nay còn mang tính tự phát, thêm vào đó pháp lý vùng nuôi cũng chưa được rõ ràng. Để tháo gỡ những khó khăn, giúp nông dân thuận lợi trong đầu tư nuôi trồng, UBND huyện Cần Giờ đã phối hợp với một số sở, ngành trình UBND thành phố điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, trong đó có quy hoạch vùng nuôi trồng thủy hải sản ở 12 tuyến sông với diện tích 2.674ha mặt nước, bãi bồi.

Huyện Cần Giờ cũng nghiên cứu phương án cho thuê đất bãi bồi ven sông, ven biển sau khi quy hoạch sử dụng đất được thành phố phê duyệt. Đồng thời có phương án hỗ trợ khuyến nông, khuyến ngư giúp bà con nâng cao chất lượng nghề nuôi cá bớp trên lồng bè.

Ông Hồ Ngọc Thiện, Trưởng phòng Kinh tế, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ cho biết thêm: “Khi pháp lý về sử dụng đất của bà con ổn định, thì địa phương sẽ có biện pháp, chính sách cụ thể để hỗ trợ cho bà con. Huyện cũng đang nghiên cứu đề xuất khai thác du lịch trên lồng bè ngoài việc nuôi trồng, qua đó cũng sẽ tạo thêm thu nhập cho bà con”.

Đến thời điểm này, trên toàn địa bàn huyện Cần Giờ đang có khoảng 20 hộ dân nuôi cá bớp với trên 460 lồng bè. Sản lượng hàng năm ước đạt 100 đến 120 tấn, tương đương với khoảng 16 - 17 tỷ đồng/năm. Thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn là một trong những nhiệm vụ được chính quyền huyện Cần Giờ đặc biệt quan tâm trong thời gian qua.

Cùng với nghề nuôi tôm, nuôi hàu..., nghề nuôi cá bớp lồng bè đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, bước đầu giúp nhiều nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu, từ đó có những đóng góp thiết thực giúp kinh tế - xã hội Cần Giờ khởi sắc, phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới./.

Vinh Quang/VOV-TPHCM

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang