• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bắc Ninh: Hiện đại hóa công nghệ nuôi thủy sản

Nguồn tin: Báo Bắc Ninh, 05/01/2020
Ngày cập nhật: 8/1/2020

Trong 5 năm trở lại đây, mặc dù diện tích nuôi thủy sản của tỉnh Bắc Ninh giảm xuống còn 5.150 ha, nhưng sản lượng đều ổn định và có sự tăng trưởng nhẹ, đến cuối năm 2019 đạt 38.300 tấn (tăng bình quân 0,86%/năm), giá trị sản xuất thủy sản theo giá cố định năm 2010 ước đạt 1.167 tỷ đồng. Để có được kết quả trên, các hộ nuôi thủy sản tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế từng vùng, từng địa phương.

Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, bám sát định hướng và mục tiêu kế hoạch số 147/KH-UBND năm 2017 của UBND tỉnh về “Chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành thuỷ sản giai đoạn 2017-2020”, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan thử nghiệm các đề tài, nhiệm vụ khoa học, phổ biến cho nông dân tiến bộ mới về giống, phương thức sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Hiệu quả nhất là phong trào chuyển từ nuôi cá manh mún sang nuôi thâm canh trong ao đất có sử dụng hệ thống quạt nước, chế phẩm sinh học xử lý môi trường. Nhiều loài cá năng suất cao, thị trường thuận lợi như: Cá chép lai, cá rô phi đơn tính, cá chim trắng, cá nheo mỹ (lăng đen)… được đưa vào sản xuất mật độ lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở những vùng có ruộng trũng chuyển đổi tại Gia Bình, Lương Tài, Quế Võ. Đến nay, diện tích nuôi cá thâm canh toàn tỉnh đạt 1.875ha, chiếm khoảng 30% diện tích nuôi trồng thủy sản. Để phục vụ nuôi cá thâm canh, công tác sản xuất giống đóng vai trò quan trọng. Thông qua chính sách hỗ trợ 50% kinh phí mở rộng, thay thế đàn cá bố mẹ, các cơ sở cá giống tích cực thay thế công nghệ sản xuất giống truyền thống sang áp dụng công nghệ đẻ vuốt và ấp trứng bằng bình vây; xử lý cá rô phi đơn tính bằng hóc môn; lưu giữ cá giống qua đông bằng hệ thống nâng nhiệt; che phủ nilon để chống rét cho một số đối tượng cá chịu rét kém như: cá chim trắng, cá rô phi, cá quả... Qua đó, cung cấp và giải quyết được một lượng cá giống cỡ lớn vào đầu vụ nuôi, giúp người nuôi trồng thuỷ sản có điều kiện tăng vụ.

Gia đình ông Lương Duy Tùng, thôn Lương Xá, Phú Lương, Lương Tài xây dựng mô hình nuôi cá sông trong ao

Ngoài ra, sau những thử nghiệm hiệu quả, hình thức nuôi cá lồng trên sông cũng được nông dân hưởng ứng và phát triển mạnh. Đến nay, có 91 hộ nuôi cá lồng với 1.990 lồng nuôi cá, năng suất bình quân cho 1 lồng 108m3 đạt 4,5-5,0 tấn/lồng/lứa nuôi, cho lãi 40-60 triệu đồng/vụ. Gần đây, những tiến bộ mới như áp dụng công nghệ sinh học Bioloc trong nuôi cá rô phi thâm canh, siêu thâm canh trong ao đất, nuôi cá sông trong ao IPA cũng đang được các hộ quan tâm triển khai thực hiện do có nhiều ưu điểm như cá ít bệnh tật, chất lượng và năng suất nuôi bảo đảm. Ông Lương Duy Tùng, thôn Lương Xá (Phú Lương, Lương Tài) cho biết: “Cách đây 3 năm, sau khi tham gia một buổi tập huấn về sản xuất thủy sản, gia đình tôi đầu tư hơn 100 triệu xây dựng vùng nuôi cá sông trong ao có diện tích 80 m2 với hệ thống máng nuôi gồm thiết bị thổi khí nén, đảo nước tạo oxy, hệ thống thu gom chất thải. Nếu chạy hết công suất, mô hình này có thể cho năng suất cá đạt 13-15 tấn/sông/vụ và cho phép người nuôi thu hoạch dần, giảm chi phí nhân công đánh bắt, thích hợp với thói quen sử dụng sản phẩm tươi sống của người tiêu dùng”.

Thực tiễn sản xuất cho thấy việc ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thuỷ sản vẫn còn những hạn chế. Các dịch vụ nghề cá chưa phát triển, trong khi đầu tư cho sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất thuỷ sản công nghệ cao nói riêng có nhiều rủi ro, hiệu quả thấp khiến các doanh nghiệp, người dân còn dè dặt. Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng phức tạp khiến nguy cơ cá bị dịch bệnh tăng. Việc chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa đòi hỏi phải có thời gian để cán bộ quản lý và người dân biết, học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm. Đối với nghề nuôi cá lồng trên sông còn hạn chế về quy hoạch, liên kết sản xuất... vì vậy phát triển chưa thực sự ổn định, bền vững...

Chi cục Thủy sản tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện quy vùng nuôi thủy sản tập trung để có điều kiện ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hỗ trợ các hộ tiếp cận chính sách ưu đãi của tỉnh về vốn, đất đai, thị trường. Ưu tiên phát triển nuôi trồng thuỷ sản gắn kết chặt chẽ với tiêu thụ sản phẩm, chế biến, góp phần bảo đảm sự ổn định trên thị trường về số lượng, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Song Giang

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang