Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 13/03/2020
Ngày cập nhật:
15/3/2020
Đánh bắt, nuôi trồng thủy sản là một trong những mũi nhọn kinh tế của huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế). Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát huy tiềm năng, thế mạnh này được địa phương triển khai thực hiện.
Tàu cá ngư dân Phú Vang cập cảng
Được mùa
Với các xã, thị trấn ven biển, vùng đầm phá, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản là tiềm năng, thế mạnh của huyện Phú Vang.
Năm 2019, tổng sản lượng đánh bắt trên toàn huyện là 29.405 tấn/29.050 tấn, đạt 101,2% kế hoạch năm. Tổng số tàu thuyền trên địa bàn có 1.365 chiếc, chạm trần so với hạn mức phân bổ. Diện tích nuôi trồng thủy sản ổn định với 2.552 ha. Tổng sản lượng nuôi trồng thu hoạch đạt 3.450,6 tấn /3.050 tấn, đạt 113,1% kế hoạch năm.
Theo ông Nguyễn Văn Tân, Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Phú Vang, cuộc sống của người dân trên địa bàn huyện nhờ biển, nhờ đầm phá, ngày càng ổn định, khá giả. Chỉ tiêu năm 2020 của huyện về tổng sản lượng đánh bắt là 33.000 tấn; nuôi trồng 3.500 tấn.
Ông Nguyễn Văn Tân cho hay, so với cùng kỳ năm ngoái, năm nay sản lượng khai thác biển tăng hơn, vì được mùa, nhất là ngư dân bãi ngang (đánh bắt gần bờ). Ngư dân Trần Văn Hà (xã Vinh Thanh) cho biết, từ đầu năm đến nay có nhiều chuyến đánh bắt xa bờ, đi chỉ 7 ngày, nhưng lãi ròng tầm 20 triệu đồng.
Trong 10 tuần đầu năm 2020, tổng sản lượng khai thác thủy sản toàn huyện đạt gần 2.065 nghìn tấn (trong đó khai thác biển đạt 1.985 tấn).
Hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng được ngư dân trên địa bàn huyện khẩn trương cải tạo ao hồ, tiến hành thả nuôi vụ 2020. Đến nay, đã thả nuôi trên diện tích hơn 1.600 ha (trong đó hơn 1.566 ha cá nước lợ) với khoảng gần 89 vạn giống tôm, cua, cá các loại (nước lợ và nước ngọt).
Tăng hiệu quả khai thác
Theo ngư dân trên địa bàn huyện, hiện khó khăn nhất đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản là thiếu giống cá đối mộc. Đây là giống cá cho sản lượng cao, thu nhập ổn định, giống được nhập từ Trung Quốc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của COVID-19, giao thương với Trung Quốc hạn chế nên dù đã vào vụ mới, nhưng không có cá đối mộc giống để thả nuôi.
Ngư dân Trần Anh (thị trấn Thuận An) và nhiều ngư dân khác cho biết, họ tự tháo gỡ bằng cách sẽ thả thay thế bằng giống cá khác, không để tình trạng bỏ không, lãng phí diện tích hồ nuôi.
Theo ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã đôn đốc UBND các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo thực hiện công tác đăng ký nuôi thủy sản lồng bè và đối tượng thủy sản nuôi chủ lực cho ngư dân; kiến nghị Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi & Thú y tăng cường kiểm tra, kiểm dịch giống thủy sản ở các cơ sở sản xuất ương dưỡng giống trên địa bàn tỉnh, giống nhập ngoại tỉnh để đảm bảo chất lượng giống cho ngư dân đưa vào sản xuất. Tiếp tục tăng cường tuyên truyền vận động ngư dân chuyển diện tích bị ô nhiễm, nuôi tôm thường thua lỗ, sang nuôi xen ghép nhiều đối tượng, ổn định sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế.
Đối với khai thác biển, hiện vẫn còn không ít khó khăn như ngư dân chưa mạnh dạn đầu tư nghề mới, trang thiết bị mới, chủ yếu vẫn là nghề truyền thống, phương tiện thiết bị đa số đã lạc hậu, sản phẩm khai thác chủ yếu tiêu thụ nội địa. Lao động nghề cá trên địa bàn huyện thiếu, nên khó khăn cho các chủ tàu trong việc huy động thường xuyên thuyền viên tham gia đánh bắt trên biển...
UBND huyện chỉ đạo củng cố phát triển các nghiệp đoàn, liên đoàn, chi hội nghề cá, tổ đội sản xuất trên biển để hỗ trợ và giúp đỡ nhau trong sản xuất. Đồng thời, vận động ngư dân mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hỗ trợ nghề cá hiện đại như máy dò cá ngang, dò chụp (thay vì máy dò đứng) để năng suất, sản lượng, hiệu quả đánh bắt cao hơn. Khai thác biển có hiệu quả cao hơn, đồng nghĩa sẽ thu hút lao động.
Ông Nguyễn Văn Chính cho biết: UBND huyện và các xã, thị trấn đang tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn ngư dân sắp xếp hợp lý các phương tiện khai thác thủy sản, chuyển đổi một số nghề khai thác cạn kiệt (như lưới kéo đáy, rê đáy), giảm tỷ trọng đội tàu khai thác cá nổi nhỏ (như lưới vây, chụp mực), phát triển đội tàu khai thác cá nổi lớn xa bờ (như lưới rê, câu vàng, lưới vây cá ngừ...).
Chỉ đạo, hướng dẫn bà con ngư dân thường xuyên cải tiến ngư cụ, mạnh dạn đầu tư thêm nghề mới, nhân rộng mô hình đánh bắt có hiệu quả như nghề đánh bắt cá lạc, rê cá chim, rê hổn hợp, rê chuồn, rê mực khơi, bẩy ghẹ ốc hương...; đảm bảo các tàu được trang bị 2 nghề chính nhằm hoạt động đánh bắt quanh năm (vụ Bắc và Nam). Ưu tiên phát triển các nghề khai thác sản phẩm có giá trị xuất khẩu như rê bùng nhùng, rê mực nang, câu mực, chụp mực, rê tôm, giã tôm, rê cá chim, rê mực khơi,... để tăng hiệu quả khai thác.
Tạo điều kiện phát triển dịch vụ
UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, hồ sơ vay vốn cho các cơ sở tư nhân làm dịch vụ cung cấp thực phẩm, nước đá, xăng dầu, sửa chữa cơ khí, thu mua sản phẩm trên địa bàn huyện phát triển; chỉ đạo và vận động các tàu cá đã được UBND tỉnh phê duyệt tham gia đánh bắt vùng biển xa, tích cực đánh bắt để mở rộng ngư trường. Năm 2019, Phú Vang có 178 tàu được UBND tỉnh phê duyệt vào danh sách các tàu cá tham gia hoạt động thủy sản trên các vùng biển xa; được hỗ trợ bao gồm: Hỗ trợ nhiên liệu 620 chuyến biển với tổng kinh phí 53 tỷ 850 triệu đồng; hỗ trợ bảo hiểm cho 110 tàu với kinh phí 1 tỷ 451 triệu đồng; hỗ trợ máy thông tin 280 triệu đồng cho 10 tàu.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh- Thùy Linh
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.