Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 18/03/2020
Ngày cập nhật:
21/3/2020
Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến nhiều thị trường trên thế giới giảm nhập khẩu cá tra, từ đó kéo theo giá cá rớt liên tục và khó tiêu thụ. Người nuôi cá tra ở ĐBSCL tiếp tục rơi vào cảnh khó...
Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL khá chậm do ảnh hưởng xuất khẩu khó khăn. Ảnh: H.TÂN
Giá rớt và khó tiêu thụ
Là hộ nuôi cá tra đã nhiều năm, nhưng chưa bao giờ ông Nguyễn Văn Tấn, ở xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, rơi vào cảnh lận đận như hiện nay. Ông kể, trước Tết Nguyên đán 2020, gia đình ông còn nợ các đại lý thức ăn hơn 2,7 tỉ đồng. Nguyên nhân là do cách nay khoảng 7 năm ông tham gia sản xuất cá tra theo chuỗi giá trị do tỉnh An Giang vận động. Tuy nhiên, chuỗi này duy trì không lâu thì đổ vỡ đẩy hàng loạt hộ nuôi vào cảnh nợ nần... Sau đó, ông Tấn chạy đôn chạy đáo tìm vay vốn để nuôi cá trở lại, nhưng năm 2019 vừa qua tiếp tục lỗ. Vụ cá đầu năm 2020 này, ông Tấn cũng vừa bán hơn 260 tấn cá tra cho nhà máy thu mua với giá 18.300 đồng/kg, tính ra thua lỗ hơn 1,3 tỉ đồng. “Tham gia chuỗi liên kết bị đổ vỡ và bị ngân hàng giữ tài sản chưa giao lại. Gần đây phải đi hỏi nợ bên ngoài để tái đầu tư thì lỗ liên tục trong năm qua, nay mới đầu năm 2020 cũng lỗ. Tình hình này kéo dài sẽ khiến người nuôi kiệt sức…”, ông Tấn than.
Giá cá tra sụt giảm và khó tiêu thụ khiến người nuôi thua lỗ. Ảnh: H.THU
Cũng đang gặp khó khăn gấp bội vì “đeo cá tra” nhiều năm nay, ông Lê Quang Vinh, nuôi 2ha mặt nước ở xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành (An Giang), thở dài: “Thông thường cá tra khoảng 0,8-1kg/con là thu hoạch bán cho các nhà máy chế biến xuất khẩu. Thế nhưng, 2ha cá của gia đình tôi nuôi kéo dài hơn 10 tháng nay, khiến cá quá lứa tới 1,8kg/con mà kêu bán mãi chẳng được. Chạy khắp nơi mới có nhà máy vừa chịu mua với giá 17.700 đồng/kg, nhưng áp dụng mua nợ (mua thiếu) đến 3 tháng mới thanh toán tiền. Tính ra lỗ bình quân 5.000-6.500 đồng/kg. Dù mức lỗ rất nặng tới vài tỉ đồng nhưng không bán không được, bởi cá đã quá lớn, càng neo thì không thể lo nỗi chi phí thức ăn mỗi ngày tới hàng chục triệu đồng…”.
Ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc HTX Nuôi thủy sản Đại Thắng, xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, cho hay: HTX có 8,5ha nuôi cá tra. Các thành viên trong HTX cũng vừa bán dứt điểm các ao cá quá lứa với giá 18.500 đồng/kg, tính ra lỗ vốn hơn 3.000 đồng/kg. Hiện tại, trong HTX cũng có gần 10 ao cá đã thu hoạch xong nhưng không thả lại mà chờ giá lên mới tính tiếp. Khi giá cá tăng thì thương lái tìm tận hầm để thu mua, nhưng khi giá cá giảm thì tìm thương lái mãi cũng không thấy. Đặc biệt, khi đến thì chê cá đủ thứ từ thịt vàng, cá chưa tới lứa hay quá cỡ, chưa kể là mua thiếu vài tháng mới trả tiền. Tình trạng này làm cho người nuôi cá tra càng lo lắng, không mặn mà đầu tư cho vụ thả nuôi mới.
Ông Trần Phùng Hoàng Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, cho biết mỗi năm toàn tỉnh thả nuôi khoảng 1.500ha cá tra, sản lượng 440.000 tấn; trong đó các doanh nghiệp nuôi chiếm 63%. Từ đầu năm 2020 đến nay, các huyện nuôi gần 930ha cá tra, thế nhưng giá cá quá thấp gây bất lợi cho người nuôi.
Tại thành phố Cần Thơ, Đồng Tháp… nhiều hộ nuôi cá như ngồi trên lửa khi chứng kiến giá cá ảm đạm. Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc HTX Sản xuất, dịch vụ thủy sản Châu Thành (Đồng Tháp), lo lắng: “Hiện tại, nếu là cá đẹp, doanh nghiệp chỉ mua khoảng 18.500-19.000 đồng/kg trở lại, trong khi giá thành nuôi không dưới 22.000 đồng/kg; nhưng việc tiêu thụ khó khăn và rất chậm. Đáng lo hơn là đa phần nhà máy mua cá lúc này áp dụng không trả tiền mặt, mà nợ vài tháng. Như vậy, người nuôi thiệt trăm bề…”.
Cùng với giá giảm và khó tiêu thụ thì nhiều hộ nuôi cá tra ở Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang… còn đối mặt với xâm nhập mặn tấn công gây bất lợi cho cá tra. Ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch HĐQT Công ty thủy sản Gò Đàng (Tiền Giang), chia sẻ: “Mặn năm nay về sớm, kéo dài và duy trì mức cao. Nhiều con sông ở Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang có độ mặn từ 4-25‰ khiến cá tra bị tuột nhớt, bỏ ăn, nổ mắt… chết khá nhiều. Người nuôi dù biết nhưng rất khó phòng tránh, do các ao nuôi cá tra cần phải thay nước ngọt mỗi ngày để tránh ô nhiễm; trong khi ngoài sông toàn là nước mặn. Vì vậy, khi bơm vào là cá bị ảnh hưởng…”. UBND tỉnh Bến Tre cho hay, nước mặn tấn công làm 22ha nuôi cá tra ở xã Thạnh Phú Đông (huyện Giồng Trôm) bị thiệt hại 3-4%; ngoài ra, còn có 214ha cá tra ở huyện Mỏ Cày Nam và Giồng Trôm bị ảnh hưởng...
Ông Phạm Hùng Minh, Phó Giám đốc HTX Nuôi thủy sản Đại Thắng, cho biết gia đình ông cũng đã bán xong đợt cá vừa rồi và hiện còn một hầm cá có trọng lượng từ 0,3-0,4kg/con, nhưng với tình hình giá hiện nay đã phải cho ăn cầm chừng. Hiện tại, trong HTX cũng còn một số thành viên có cá nhưng chưa đến cỡ bán và đành phải cắt cử cho ăn vì giá cá nguyên liệu quá thấp. Trong khi lúc giá cá đỉnh điểm lên hơn 30.000 đồng/kg cá thương phẩm thì giá thức ăn lên mức 12.700 đồng/kg, còn hiện tại giá cá tra chỉ còn hơn 18.000 đồng/kg nhưng giá thức ăn cũng chừng ấy thì người nuôi chỉ có lỗ vốn. Trong khi để nuôi được 1kg cá thương phẩm phải tiêu tốn 1,5kg thức ăn, chưa kể tiền mua con giống, thuốc và các chi phí khác. Nếu giá cá ở mức này mà giá thức ăn không giảm thì người nuôi khó cầm cự nỗi.
Tập trung gỡ khó
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết: “Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước đạt hơn 2 tỉ USD, giảm 11,4% so với cùng kỳ; nguyên nhân là diện tích nuôi ở ĐBSCL tăng, nhưng thị trường xuất khẩu khó khăn dẫn đến giá trị giảm. Từ đầu năm 2020 đến nay, xuất khẩu cá tra đối mặt với thách thức mới khi dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nước trên thế giới.
Ông Quốc phân tích thêm, từ khi xảy ra dịch bệnh đến nay, có một số doanh nghiệp không thể đưa cá tra xuất sang Trung Quốc được, do việc tiêu thụ trì trệ, vận chuyển gặp nhiều trở ngại; chưa kể việc thu hồi tiền đã xuất khẩu trước đó cũng bị chậm. Gần đây, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều nước châu Âu, châu Á… đã làm tăng thêm cái khó cho đầu ra cá tra trong thời gian tới và nếu chúng ta không nhanh chóng có giải pháp hợp lý, hiệu quả thì mục tiêu xuất khẩu cá tra khoảng 2,2 tỉ USD của năm 2020 sẽ khó đạt.
Ông Nguyễn Duy Nhứt, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt (An Giang), cho rằng: “Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đang bị giảm sản lượng 30- 40%; từ đó khiến việc tồn kho rất nhiều, tốn kém thêm chi phí bảo quản, chôn dòng vốn hoạt động, kinh doanh không hiệu quả… Khó khăn tứ phía đang vây các doanh nghiệp cá tra”. Khó là vậy, nhưng theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, một điểm cần lưu ý là kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ tháng 1-2020 đạt hơn 18,1 triệu USD, dù giảm 55% so cùng kỳ nhưng lại chiếm tỷ lệ 17,8% về tổng giá trị, cao nhất so với các thị trường khác. Nguyên nhân do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ vừa công bố chính thức công nhận hệ thống quản lý và giám sát cá tra của Việt Nam tương đương với Hoa Kỳ, tạo điều kiện thuận lợi hơn để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ trong thời gian tới. Song, không thể trông chờ quá nhiều vào Hoa Kỳ, mà chúng ta cần cấp bách thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nỗ lực duy trì các thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới trong điều kiện cho phép, kể cả gia tăng ở thị trường nội địa.
“Cùng với giải pháp thị trường thì ngành chức năng cần triển khai ngay việc xem xét giảm thuế, miễn thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra; đơn giản các thủ tục hành chính, không áp dụng kiểm tra hoạt động thời điểm này; nhất là kéo giãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội… Các ngân hàng nghiên cứu giảm nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất để chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp xuất khẩu…”, ông Nguyễn Duy Nhứt, kiến nghị.
Tại Hậu Giang, diện tích nuôi cá tra hiện tại là 28,7ha, tập trung chủ yếu ở thành phố Ngã Bảy, huyện Phụng Hiệp. 2 tháng qua, người nuôi cá tra đã thu hoạch 620 tấn bán cho thương lái đều dưới giá thành sản xuất. Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết trong năm 2020 ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương sẽ phát triển đồng bộ, toàn diện các vùng, khu vực nuôi thủy sản phù hợp, các vùng nuôi thâm canh ứng dụng kỹ thuật tiên tiến hiện đại, nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, tiếp tục áp dụng các quy trình nuôi tiêu chuẩn vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu thị trường. Tổ chức lại sản xuất cá tra theo hướng hình thành các tổ chức liên kết sản xuất, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia chuỗi sản xuất. Tăng cường công tác quản lý các nguồn thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi thủy sản, góp phần giảm giá thành sản xuất, bảo vệ môi trường; quản lý tài nguyên nước, môi trường; quản lý, kiểm soát chất lượng con giống, thức ăn, chế phẩm, hóa phẩm và các vật tư khác, duy trì ổn định vùng nguyên liệu xuất khẩu…
H.TÂN - H.THU
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.