Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 02/04/2020
Ngày cập nhật:
5/4/2020
Bên cạnh cây lúa thì con tôm được xem là kinh tế mũi nhọn của tỉnh Sóc Trăng. Trong năm 2020, ngành nông nghiệp triển khai kế hoạch thả nuôi tôm diện tích là 50.500ha, sản lượng cả năm ước 167.000 tấn (tôm sú 35.000 tấn; tôm thẻ 132.000 tấn). Để đạt được kế hoạch đề ra về diện tích thả nuôi cũng như sản lượng tôm đến cuối năm, ngành nông nghiệp đã đưa ra các giải pháp trong mùa vụ tôm mới 2020.
Trên địa bàn tỉnh diện tích thả nuôi tôm hàng năm là 57.500ha, trong đó tôm thẻ chân trắng là 38.400ha và tôm sú là 19.100ha, năng suất tôm thẻ chân trắng 4,4 tấn/ha, tôm sú thâm canh 4 tấn/ha, bán thâm canh 2,2 tấn/ha, quảng canh cải tiến 0,7 tấn/ha, tổng sản lượng cả năm đạt 150.350 tấn. Trong năm 2020, ngành nông nghiệp triển khai kế hoạch thả nuôi tôm diện tích là 50.500ha, sản lượng cả năm ước 167.000 tấn (tôm sú 35.000 tấn; tôm thẻ 132.000 tấn). Theo ngành nông nghiệp, lịch mùa vụ thả nuôi tôm nước lợ bắt đầu đối với tôm thẻ chân trắng từ ngày 20-1-2020 đến 30-9-2020 và tôm sú ngày 1-4-2020 đến 30-8-2020. Riêng lịch tại mô hình tôm - lúa, việc bố trí thả nuôi tôm và thu hoạch kết thúc trước tháng 9 để chuẩn bị cho vụ lúa. Với khung lịch thời vụ của ngành nông nghiệp đưa ra, nhiều hộ nuôi tôm rất đồng tình bởi áp dụng theo đúng lịch mùa vụ nuôi tôm 2019 và các khuyến cáo trong suốt mùa vụ, hộ nuôi tôm đều thắng lớn.
Một số hộ đã thả tôm nuôi theo lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ năm 2020. Ảnh: Thúy Liễu
Gắn bó với con tôm nuôi nước lợ hơn 10 năm, ông Nguyễn Văn Nam, xã Trung Bình (Trần Đề) bộc bạch: “Trước đây, hộ dân nuôi tôm chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân rồi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, nên việc nuôi tôm gặp trở ngại bởi khi dịch bệnh cứ tự điều trị cho con tôm nuôi chưa đúng cách, đúng liều lượng, năng suất tôm không cao, kèm theo đó chỉ áp dụng nuôi theo truyền thống. Nhưng vài năm trở lại đây, đặc biệt là trong năm 2019 vừa qua, việc nuôi tôm tại hộ rất khả quan nhờ tuân thủ đúng lịch thời vụ, được ngành chuyên môn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo nhằm hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm nên hộ nuôi nâng cao nhận thức, tiếp thu kiến thức áp dụng cho con tôm nuôi nước lợ, nhờ đó tôm ít dịch bệnh, tăng năng suất, chất lượng khi áp dụng nuôi tôm theo hướng công nghệ cao. Tôi nhận thấy, lịch thời vụ thả nuôi tôm ngành chuyên môn khuyến cáo đến hộ dân rất phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương…”.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quách Thị Thanh Bình cho biết: “Để đảm bảo mùa vụ nuôi tôm năm 2020, đơn vị đã bố trí 2 hệ thống quan trắc tự động trên tuyến sông đầu nguồn phục vụ cho vùng nuôi tôm của 2 huyện là Cù Lao Dung và Trần Đề nhằm cung cấp thông tin đến các địa phương chỉ đạo vùng nuôi và phổ biến đến tận người dân nhanh chóng, kịp thời và phòng bệnh một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình hiệu quả và xây dựng mô hình trình diễn tiết kiệm chi phí; đổi mới công tác tuyên truyền bằng hình thức tọa đàm, đối thoại trực tiếp, online với chủ đề theo từng giai đoạn và những khó khăn, thách thức xảy ra trong thực tế. Bên cạnh đó, nhân rộng mô hình có hiệu quả về ứng dụng chế phẩm hữu cơ trong nuôi tôm nước lợ, nuôi tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn bằng ao nuôi lót bạt, cải tiến quy trình kỹ thuật nuôi tôm sú hai giai đoạn, nuôi tôm mật độ thưa kết hợp ứng dụng biện pháp sinh học… tùy vào điều kiện của từng hộ nuôi mà áp dụng mô hình phù hợp có hiệu quả nhất…”.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Ngọc Nhã thông tin thêm: “Mục tiêu chung của tỉnh là đến năm 2025 phát triển con tôm nuôi nước lợ theo hướng sạch, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng tôm nuôi đem về nguồn thu nhập tốt cho hộ dân và nền kinh tế tỉnh nhà. Chính vì vậy, hàng năm ngành nông nghiệp rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo việc nuôi tôm tại các địa phương trong tỉnh. Theo lịch mùa vụ thả nuôi tôm nước lợ 2020, tính đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh đã thả nuôi hơn 6.154ha/2.401 triệu con giống, đạt 11% so với kế hoạch, tiến độ thả nuôi như trên đã đúng lịch ngành triển khai. Để con tôm nuôi nước lợ đạt năng suất, chất lượng, ngành nông nghiệp thực hiện một số giải pháp trọng tâm là quản lý vùng nuôi theo Luật Thủy sản bằng việc cấp mã số nhận diện ao nuôi đối tượng chủ lực theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, ngày 8-3-2019 của Chính phủ; cập nhật diện tích thả nuôi, diện tích thiệt hại đối với từng giai đoạn tôm nuôi để có biện pháp hỗ trợ hộ nuôi; khuyến cáo hộ nuôi mua giống phải qua kiểm dịch; quan trắc môi trường nước, dịch bệnh phục vụ vùng nuôi thủy sản trọng điểm; phân công cán bộ chuyên môn giám sát vùng nuôi và hướng dẫn hộ nuôi xử lý các ổ dịch nhanh nhằm hạn chế lây lan diện rộng; mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hộ nuôi nhận diện phòng chống dịch bệnh trên con tôm nuôi…”.
Với những giải pháp ngành nông nghiệp và các đơn vị chuyên môn triển khai cho mùa vụ nuôi tôm năm 2020 cùng với ý thức của người dân, tin rằng Sóc Trăng sẽ tiếp tục thu về những thành công hơn so với năm trước (nhiều hộ nuôi tôm đã chuyển đổi nuôi tôm truyền thống sang nuôi tôm hiện đại nên trong mùa vụ nuôi tôm liên tục năng suất tăng cao, nhất là đối với con tôm thẻ chân trắng).
Thúy Liễu
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.