Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 06/01/2020
Ngày cập nhật:
10/1/2020
Năm 2019, nông nghiệp tiếp tục phát triển, là một “trụ cột” quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Song, để phát huy thế mạnh này, việc tập trung thực hiện tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu là vấn đề cần được quan tâm trong năm 2020.
Thu hoạch tôm công nghệ cao ở huyện Hòa Bình.
Nuôi trồng và khai thác thủy sản phát triển
Năm 2019, UBND tỉnh Bạc Liêu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các địa phương thực hiện tốt tái cơ cấu sản xuất, đưa nông nghiệp trở thành “trụ đỡ” của nền kinh tế, trong đó tập trung phát triển mạnh nghề nuôi trồng và khai thác, đánh bắt thủy sản.
Thông qua thực hiện tái cơ cấu sản xuất, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và áp dụng VietGAP được doanh nghiệp, nông dân mạnh dạn đầu tư đưa vào sản xuất, góp phần đưa tổng sản lượng tôm đạt 142.600 tấn, đứng thứ 2 khu vực ĐBSCL. Đặc biệt, sự phát triển của các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao đã trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Điển hình là các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh theo quy trình khép kín trong nhà lưới, nhà kín; mô hình nuôi thủy sản sạch tại các vùng sinh thái đặc trưng tôm - lúa (ở tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A); tôm - rừng (ở vùng phía Nam Quốc lộ 1A); mô hình liên kết sản xuất; nuôi trồng thủy sản có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC hoặc Organic)...
Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình nuôi tôm trong năm qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ảnh hưởng thời tiết, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường…, các mô hình nuôi tôm công nghệ cao vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, tốc độ lan tỏa còn chậm. Nguyên nhân là do vốn đầu tư cao nên nhiều doanh nghiệp, nông dân chưa có điều kiện phát triển. Cụ thể trong năm 2019, toàn tỉnh chỉ có 12 công ty, đơn vị nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh, 317 hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn với tổng diện tích hơn 1.248ha.
Riêng hoạt động khai thác và đánh bắt thủy sản năm qua tiếp tục được duy trì và phát triển. Toàn tỉnh có 1.050 phương tiện đánh bắt thủy sản, tổng sản lượng khai thác đạt 117.000 tấn.
Vận chuyển thủy sản sau chuyến biển ở cảng cá Gành Hào, huyện Đông Hải.Ảnh: K.T
Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững
Nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 139 để thực hiện. Theo đó, năm 2020, Bạc Liêu sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa - tôm và phát triển kinh tế biển.
Trong sự ưu tiên hàng đầu, Bạc Liêu sẽ đẩy mạnh tiến độ và hoàn thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu (xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1) đưa vào hoạt động ổn định trong năm 2020, tạo sự lan tỏa để sớm đưa tỉnh trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước vào năm 2025; mở rộng không gian kinh tế ra biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh vùng biển và ven biển của tỉnh, từng bước đưa Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về phát triển kinh tế biển.
Bên cạnh đó, Bạc Liêu cũng hướng đến phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng; thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh phát triển nuôi tôm. Phấn đấu tổng sản lượng thủy sản năm 2020 đạt 395.000 tấn (trong đó, tôm 180.000 tấn, cá và thủy sản khác 215.000 tấn); năm 2025 đạt 470.000 tấn (trong đó, tôm 260.000 tấn, cá và thủy sản khác 210.000 tấn). Tăng cường đầu tư xây dựng các khu sản xuất giống thủy sản và vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao (quy mô diện tích 1.000ha vào năm 2020 và 2.070ha vào năm 2025) gắn kết chặt chẽ với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tập trung phát triển các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nhuyễn thể); mở rộng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh; xác định mô hình siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao là điểm nhấn; nhân rộng mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn trong dân. Đồng thời phát triển ổn định, bền vững mô hình nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm sạch kết hợp với trồng và bảo vệ rừng. Xây dựng chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh theo khuyến nghị của Tổ chức Thú y Thế giới và yêu cầu của Úc để có thể xuất khẩu tôm đông lạnh nguyên con sang Úc; xây dựng thương hiệu sản phẩm thủy sản Bạc Liêu (tôm, hải sản…).
Đặc biệt là tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng (thủy lợi, giao thông, hệ thống lưới điện, chợ thủy sản đầu mối) phục vụ sản xuất con giống, kênh thoát nước đảm bảo môi trường sinh thái các vùng nuôi thủy sản, các khu trang trại hiện đại, khu chế biến, dịch vụ. Đầu tư hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, nhất là các vùng nuôi siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh và vùng sản xuất giống thủy sản tập trung; ứng dụng rộng rãi nuôi trồng thủy sản có chứng nhận (ASC, MSC, CoC, GlobalGAP, BMP…) vào các vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, sản lượng, chất lượng. Đầu tư xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao gắn kết chặt chẽ với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường nước nuôi tôm công nghệ cao và tạo điều kiện thuận lợi cho hộ dân tiếp cận vay vốn lãi suất ưu đãi. Tập trung đầu tư các công trình thuộc chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2018 - 2020 và kế hoạch hành động phát triển ngành tôm đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Hiện đại hóa công tác nghề cá trên biển, phát triển sản xuất trên biển theo mô hình kinh tế tập thể (tổ, đội khai thác hải sản) kết hợp với các mô hình dịch vụ trên biển; nâng cao hiệu quả nghề khai thác hải sản, tập trung phát triển mạnh đội tàu có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, có khả năng đánh bắt xa bờ, dài ngày trên biển gắn với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng - an ninh. Phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, xây dựng một số doanh nghiệp tham gia khai thác xa bờ và hợp tác khai thác viễn dương, hỗ trợ giúp đỡ nhau và các tàu hoạt động trên biển. Tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển thủy sản, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân tăng sản lượng khai thác thủy sản, vừa tham gia thực hiện bảo vệ chủ quyền biển, đảo và biên giới quốc gia. Xây dựng kế hoạch để triển khai có hiệu quả chương trình khai thác hải sản trong chiến lược phát triển kinh tế biển…
Kim Trung
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.