Nguồn tin: Báo Cà Mau, 08/04/2020
Ngày cập nhật:
10/4/2020
Đối với vùng nuôi tôm hiện nay, loại hình nuôi tôm quảng canh truyền thống đã lỗi thời, bởi thức ăn tự nhiên cạn kiệt, môi trường ô nhiễm. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện chuyển sang nuôi thâm canh hay siêu thâm canh. Hơn nữa, tỷ lệ rủi ro của các loại hình nuôi này khá cao. Chính vì vậy, nuôi quảng canh cải tiến là lựa chọn phù hợp, nhất là quảng canh cải tiến 2 giai đoạn.
Trên địa bàn huyện Phú Tân (tỉnh Cà Mau) hiện có hơn 20.100 ha đất nuôi tôm quảng canh cải tiến, trong đó có gần 7.900 ha áp dụng loại hình nuôi quảng canh cải tiến 2 giai đoạn, chiếm hơn 40%.
Phải qua giai đoạn ươm dưỡng
Ông Phạm Văn Hữu, ấp Tân Điền A, xã Phú Tân, chia sẻ: "Nuôi tôm bây giờ không ai thả dày. Thả mật độ dày không có thức ăn, tôm dễ chết, hay sinh bệnh cũng chết. Chưa nói, thả tôm nhỏ xíu xuống vuông thế nào cũng làm mồi cho cá. Thế nên, nuôi tôm quảng canh cải tiến quan trọng là phải ươm dưỡng cho tôm khoẻ mạnh, cứng cáp. Chí ít khi mua về phải ươm dưỡng từ 20 ngày trở lên mới thả ra vuông. Khi ấy tôm mạnh, phù hợp điều kiện, độ mặn trong vuông, có khả năng chạy trốn các loại cá. Còn thả thưa chủ yếu để tôm có đủ thức ăn".
Trong tổng diện tích vuông nuôi, ông Hữu dành khoảng 2.000 m2 làm nơi ươm dưỡng tôm giống khi mới bắt về. Thực ra đây là đầm nuôi tôm công nghiệp trước đây, do thua lỗ nên ông Hữu chuyển sang nuôi quảng canh cải tiến và sử dụng luôn đầm này để làm ao ươm dưỡng tôm giống. Ông Hữu chia sẻ: "Với diện tích 4 ha này, tôi thả 20.000 con giống sau khi đã thuần hoá khoẻ mạnh. Lợi thế của việc làm này là tôm khoẻ mạnh, đủ thức ăn, bởi vậy tôm đạt đầu con rất cao và mau lớn. 2 vụ rồi (mỗi vụ 1 năm), thu hoạch lúc nào cũng tầm 15-20 con/kg, có khi chỉ 10 con/kg. Lúc trước giá bán cao lắm, lúc này do ảnh hưởng dịch bệnh, giá tôm xuống thấp nên thu nhập không nhiều. Nhưng chỉ là nhất thời, bởi chất lượng tôm tốt, con to thì giá cao. Mỗi năm cầm chắc 700 kg/ha".
Theo Kỹ sư Ngô Văn Lương, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Phú Tân, ươm tôm là giai đoạn quan trọng, nhất thiết phải thực hiện. Bởi nó giúp người dân giảm chi phí hao hụt, tôm khoẻ, phù hợp điều kiện nhiệt độ, độ mặn…, khi thả xuống sẽ đạt đầu con và lớn nhanh hơn.
Trong quá trình nuôi, ông Hữu áp dụng các biện pháp tạo thức ăn tự nhiên và cải thiện môi trường ổn định cho tôm phát triển từ các loại men vi sinh, chế phẩm sinh học.
Ông Phạm Hoàng Phương, ấp Đất Sét, xã Phú Thuận thu hoạch tôm.
Tái tạo nguồn thức ăn tự nhiên
Ông Ngô Văn Tiền, ấp Gò Công Đông, xã Nguyễn Việt Khái cũng áp dụng hiệu quả loại hình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn trên đất rừng - tôm. Ông chọn giống tốt, thuần dưỡng cho khoẻ mạnh mới thả xuống vuông nuôi sau khi đã diệt tạp, xử lý môi trường bằng vôi, men vi sinh, phân bón để tạo thức ăn tự nhiên.
Ông Tiền nhận định: “Trước đây nguồn nước không ô nhiễm, đất còn màu mỡ, còn thức ăn tự nhiên, tôm thả đại xuống, thậm chí thả dày cũng trúng. Gần đây thức ăn cạn kiệt, nguồn nước lại ô nhiễm, nên phải sử dụng phân bón, men vi sinh… mới có năng suất. Như gia đình tôi, với 4 ha, thực hiện theo quy trình cải tạo, tạo màu nước…, mỗi tháng thu nhập sau khi trừ chi phí từ 10 triệu đồng trở lên.
Ông Phạm Hoàng Phương, ấp Đất Sét, xã Phú Thuận, thực hiện loại hình này từ 4 năm nay. Theo ông Phương, tạo thức ăn cho tôm nuôi là một trong những yếu tố quan trọng. Còn việc ươm dưỡng, có thể sử dụng tôm ươm hầm đất tại nhà hoặc mua. Tuy nhiên, phải đảm bảo tôm to và thả thưa. Mấy năm qua, mỗi vụ kéo dài 1 năm, ông Phương thu hoạch mỗi héc-ta gần 1.000 kg.
Đối với việc cải tạo ao đầm, tái tạo nguồn thức ăn tự nhiên, ổn định môi trường nước cho tôm nuôi được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Bởi hiện nay, môi trường nuôi bị ô nhiễm, thức ăn tự nhiên cạn kiệt nên nhất thiết phải tái tạo nguồn thức ăn và xử lý nguồn nước đảm bảo. Để thực hiện khâu này, nông dân chủ yếu sử dụng các loại men vi sinh, chế phẩm sinh học để gây màu nước, tạo thảm thực vật, nuôi rong, diệt rong để làm cơ sở sinh thức ăn cho tôm. Theo ông Phạm Văn Hữu, nhất thiết phải cắt vụ, thuốc cá, diệt tạp, đất phơi khô. Sau mưa lấy nước làm cho nó trong. Sau đó sử dụng vôi, u-rê, men vi sinh để cho rong lên. Sau đó, diệt rong từ từ cho có thức ăn tự nhiên cho tôm.
Theo Kỹ sư Ngô Văn Lương, với việc dùng các loại men vi sinh, chế phẩm sinh học thân thiện môi trường, tạo màu nước, tái tạo nguồn thức ăn cho tôm góp phần hướng tới yếu tố bền vững.
Sản xuất bền vững ít nhất phải đảm bảo các yếu tố như năng suất khá, hiệu quả, ổn định và không ảnh hưởng đến tương lai. Loại hình nuôi này đang được ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân thực hiện trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay./.
Quốc Hiệp
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.