Nguồn tin: Báo Tây Ninh, 13/04/2020
Ngày cập nhật:
15/4/2020
Thời điểm trước Tết Nguyên đán Canh Tý, cá được thương lái mua tại ao nuôi ở mức 45.000 đồng/kg, nhưng từ đầu tháng 2 tới nay đã giảm dần xuống còn 28.000 đồng/kg, người nuôi cá đang lỗ từ 5.000 đồng đến 6.000 đồng/kg sau khi thu hoạch.
Một hộ dân nuôi cá lóc tại xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lượng người mua giảm, giá cá lóc đen tại Tây Ninh đang lao dốc. Thời điểm trước Tết Nguyên đán Canh Tý, cá được thương lái mua tại ao nuôi ở mức 45.000 đồng/kg, nhưng từ đầu tháng 2 tới nay đã giảm dần xuống còn 28.000 đồng/kg, người nuôi cá đang lỗ từ 5.000 đồng đến 6.000 đồng/kg sau khi thu hoạch.
Những năm qua, tuy giá cá lóc thương phẩm trên thị trường không ổn định nhưng thấp nhất cũng ở mức 32.000 đồng/kg, người nuôi không lỗ và có lãi ít. Tuy nhiên, với giá như hiện nay, nhiều người nuôi cá lóc đen tại xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu lo âu, nhất là khi nhiều thương lái thu mua cá lóc đã ngừng mua bán.
Gia đình anh Nguyễn Văn Hồng, ngụ ấp Phước An, xã Phước Ninh có 4 ao nuôi cá lóc đen với số vốn đầu tư lên đến hơn 1 tỷ đồng. Dù đã đến lứa xuất bán với sản lượng ước tính trên 50 tấn cá thương phẩm, nhưng gần 1 tháng nay anh chỉ mới bán được 1 ao. Anh Hồng cho biết, với giá cá hiện tại, vụ nuôi này anh lỗ khoảng 300 triệu đồng.
Theo ông Tống Văn Lẹ, một thương lái mua cá, thời điển này rất khó bán cá lóc đen ra thị trường vì người dân ít đi chợ. Nếu trước khi có dịch, mỗi ngày ông cung ứng khoảng 3 tấn cá, giờ giảm khoảng một nửa.
Trên địa bàn xã Phước Ninh có 72 hộ nuôi trồng thuỷ sản, hầu hết nguồn vốn đầu tư được người dân vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trước tình hình dịch bệnh, thị trường tiêu thụ giảm, kéo giá cá giảm theo, mong muốn lớn nhất của người dân là được giãn nợ và tiếp tục vay vốn để duy trì chăn nuôi, chờ giá cá tăng trở lại.
Ông Huỳnh Văn Tuấn, ngụ ấp Phước An, xã Phước Ninh chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi 3 hầm cá, vốn đầu tư hết hơn 1 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng hơn 100 triệu, còn lại là vay ở ngoài. Riêng tiền thức ăn nuôi cá thì mua thiếu của hợp tác xã (HTX). Giờ cá rớt giá nên chịu lỗ, không có tiền trả nợ vay, đời sống kinh tế gia đình sẽ thêm phần khó khăn".
Theo bà Lâm Thị Có - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Ninh, HTX đầu tư thức ăn chăn nuôi (bán trả chậm) cho các hộ nuôi trồng thuỷ sản. Với tình hình này, nhiều người sẽ tiếp tục nợ, không đủ tiền để thanh toán tiền mua thức ăn nuôi cá. HTX cũng đang rất khó khăn trong việc huy động vốn. HTX rất mong lãnh đạo các ngành, các cấp quan tâm hỗ trợ lãi suất vốn vay hoặc gia hạn nợ để người nuôi cá tiếp tục có điều kiện đầu tư phát triển chăn nuôi.
Được biết, Nhà nước đã triển khai các giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó có việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid -19. hy vọng chính sách này sớm được thực thi để các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch bệnh, trong đó có người nuôi trồng thuỷ sản sớm vượt qua khó khăn.
Vũ Nguyệt
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.