Nguồn tin: Báo Bắc Ninh, 12/04/2020
Ngày cập nhật:
17/4/2020
Nuôi trồng thủy sản đang dần chiếm vị trí chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp khi năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần cấy lúa. Ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh đã và đang ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến, phương pháp nuôi trồng hiện đại nhằm tạo sự đột phá trong nuôi trồng thủy sản cả về quy mô và giá trị kinh tế.
Cán bộ thủy sản kiểm tra kỹ thuật nuôi cá bằng công nghệ sông trong ao tại xã Trừng Xá (Lương Tài) cuối năm 2019.
Đòi hỏi cấp thiết của sự phát triển
Tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên phong phú, hệ thống sông, ngòi, ao, hồ dày đặc, với 7.250 ha diện tích mặt nước tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng ôn hòa, thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thuỷ sản nên ngay từ năm 1997, tỉnh chỉ đạo các địa phương mạnh dạn chuyển đổi diện tích ruộng trũng cấy lúa hiệu quả thấp, tận dụng diện tích mặt nước sang nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, hình thức chuyển đổi chỉ dừng lại ở mô hình trang trại VAC, nuôi cá bán thâm canh, chủ yếu nuôi cá giống, cá truyền thống, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng. Thức ăn cho cá tận dụng các phụ phẩm tại chỗ, ít sử dụng thức ăn chế biến, khiến năng suất không cao. Các dịch vụ nghề cá chưa phát triển, tập quán nuôi cá thâm canh chưa hình thành, nông dân thiếu kiến thức kỹ thuật, sản phẩm tiêu thụ còn nhỏ lẻ, nên không tạo được sự bứt phá đáng ghi nhận.
Làm thế nào để khai thác triệt để, hiệu quả tiềm năng sẵn có là đòi hỏi cấp thiết đặt ra cho phát triển nuôi trồng thủy sản! Ông Nguyễn Hồng Quang, Chi cục trưởng Chi Cục thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) khẳng định: Ngành nông nghiệp tham mưu với tỉnh ban hành kịp thời cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, con giống, vật tư trang thiết bị, nhất là việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế dịch bệnh xảy ra. Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được áp dụng mạnh mẽ trong nuôi trồng thủy sản, nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển ngành thuỷ sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng của ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Những điểm sáng trong áp dụng công nghệ mới dần hiện hữu, từng bước đưa nuôi trồng thủy sản trở thành mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp.
Thu hoạch cá tại HTX nuôi cá lồng xã Đức Long (Quế Võ) cuối năm 2019.
Điểm sáng trong áp dụng công nghệ mới
Những con số đáng ghi nhận: Toàn tỉnh hình thành 167 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; 70 HTX nuôi trồng thủy sản; 17.000 hộ tham gia; hơn 5.250 ha diện tích nuôi trồng; tổng sản lượng đạt 38.500 tấn; giá trị sản xuất đạt 1.167 tỷ đồng (giá so sánh 2010)... đã minh chứng cho sự đột phá trong ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng. Một số ứng dụng mới đã và đang là đòn bẩy tạo đột phá cho nuôi trồng thủy sản của tỉnh như: Mô hình nuôi cá lồng trên sông với 1900 lồng ở 125 hộ nuôi, năng suất đạt 4-6 tấn/ lồng (tương đương 1 ha nuôi nội đồng); nhiều loại cá mới như cá nheo Mỹ, cá lăng đuôi đỏ cho năng suất, giá trị kinh tế cao, thị trường ưa chuộng được nuôi thành công ở các lồng trên sông.
Nuôi cá bằng công nghệ sông trong ao theo hình thức thâm canh là công nghệ mới nhằm nâng cao tỷ lệ sống của cá hơn 80%, giảm công lao động trong quá trình chăm sóc cá, tăng năng suất cá nuôi đạt 13-15 tấn/hệ thống nuôi/vụ; trong ao làm trục sông có tường bê tông ngăn nước, có sóng, chảy tuần hoàn để nước luôn lưu chuyển khắp ao, vừa thường xuyên đẩy chất thải từ cá xuống bể lắng cho máy hút dọn mỗi ngày, vừa bảo đảm môi trường nước ao nuôi luôn sạch; chất thải sau khi thu gom được đưa lên vườn bón cho cây trồng; cá không hề tiếp xúc với bùn và các tác nhân gây hại bên ngoài, bảo đảm môi trường nước an toàn, thức ăn an toàn, không chất cấm, không tồn dư kháng sinh. Ứng dụng công nghệ sinh học Biofloc (cân bằng Nitơ, Cacbon) nuôi thương phẩm cá rô phi siêu thâm canh trong ao đất lót bạt, diện tích 4.000 m2, mục tiêu giúp giảm lượng nước sử dụng 70-80% so với định mức quy định, giảm hệ số thức ăn 25-28%, năng suất cá lại cao, đạt khoảng 50 tấn/ha vừa bảo đảm an toàn sinh học vừa thân thiện với môi trường...
Những mô hình ứng dụng công nghệ cao này được ngành chức năng đánh giá hiệu quả, làm cơ sở để người dân nhân rộng trong nuôi trồng thủy sản về lâu dài. Trong 5 năm lại đây, diện tích sản xuất thuỷ sản toàn tỉnh không mở rộng nhưng năng suất, sản lượng, chất lượng luôn tăng theo từng năm. Ông Nguyễn Duy Kiếm, người có kinh nghiệm hơn 20 năm nuôi cá và thành công trong nhiều mô hình nuôi thử nghiệm bằng công nghệ mới ở Gia Bình nhận định: Muốn nâng cao giá trị kinh tế trên 1 đơn vị ha nuôi trồng thủy sản bắt buộc chúng ta phải am hiểu và biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời phải nắm bắt được thị hiếu của thị trường để có hướng đi phù hợp nhất, chắc chắn sẽ thành công.
Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đưa lĩnh vực thủy sản từng bước trở thành mũi nhọn của ngành nông nghiệp. Để tạo sự phát triển bền vững về lâu dài phải có quy hoạch phù hợp với tình hình sản xuất cụ thể ở từng giai đoạn, từng thời điểm nhất định. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao phải bảo đảm xuất phát từ nhu cầu, không mang tính áp đặt tránh lãng phí. Xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng tạo thuận lợi cho thông thương phát triển. Đó chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Bài, ảnh: Hoài Anh
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.