• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ninh Bình: Kim Sơn vào vụ tôm mới

Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 16/04/2020
Ngày cập nhật: 18/4/2020

Thời điểm này, người nuôi tôm vùng ven biển huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) đang bước vào chính vụ thả giống. Tuy nhiên, những diễn biến xấu của dịch bệnh COVID-19 đang khiến bà con gặp khó khăn trong việc mua con giống cũng như lo lắng về đầu ra của con tôm sau này.

Bơm nước chuẩn bị cho vụ tôm mới ở HTX thủy sản Kim Đông (Kim Sơn). Ảnh: Minh Đường

Tiến độ thả giống chậm

Một ngày nắng giữa tháng 4, trời vẫn còn hơi se lạnh, chạy dọc các xã ven biển huyện Kim Sơn: Kim Trung, Kim Đông, Kim Hải… ao tôm nối tiếp ao tôm. Đã vào chính vụ thả giống, nhưng không khí ở vùng này vẫn khá trầm lắng, ngoài những ao chạy quạt nước thì vẫn còn khá nhiều ao đang bỏ không.

Anh Nguyễn Văn Tự ở xóm 6, xã Kim Đông có hơn 3 ha nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng nhà anh mới thả trên diện tích 4.000 m2. Anh Tự cho hay, mấy năm trước, vào độ này gia đình anh và bà con trong xóm đã vào vụ thả nuôi gần một tháng. Nhưng năm nay, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tới nhiều mặt của đời sống xã hội, kéo theo đó giá tôm xuống thấp chưa từng có, bà con lo sợ nếu dịch bệnh cứ kéo dài, 2-3 tháng nữa khi vào chính vụ thu hoạch, con tôm nuôi ra không có đầu ra. Nhiều hộ nấn ná chờ xem tình hình dịch bệnh diễn biến thế nào mới dám đầu tư vì vốn nuôi tôm khá lớn. Ngoài những dự cảm xấu về giá tôm, thì một khó khăn nữa đối với người nuôi tôm là vấn đề về con giống. 100% giống tôm trên địa bàn đều phải nhập từ các tỉnh miền trong như Bình Thuận, Nha Trang… trong khi đó các chuyến bay hiện nay đã bị cắt giảm rất nhiều, dẫn tới tình trạng con giống không chuyển ra được mà có vận chuyển được thì giá cước cũng đội lên gấp đôi gấp ba so với trước kia. Một chủ trại tôm giống ở xã Kim Đông cho biết, trung bình mỗi năm anh cung cấp ra thị trường khoảng 2 triệu con giống, tuy nhiên năm nay anh mới lấy về cho bà con được khoảng 50 vạn con. “Đã nửa tháng nay tôi không có chuyến tôm giống nào về nên nhiều nông dân chưa có tôm giống để thả. Ngoài ra, các loại thuốc diệt tạp trong nuôi trồng thủy sản cũng đang rất khan hàng”, chủ trại giống này nói.

Theo kế hoạch, năm 2020, vụ tôm 1, huyện Kim Sơn sẽ thả nuôi trên diện tích 2.115 ha, trong đó diện tích nuôi tôm sú quảng canh cải tiến là 1.985 ha, diện tích nuôi tôm thẻ công nghiệp và bán công nghiệp là 130 ha. Lịch sản xuất là ương giống từ ngày 15/3 đến 31/3 và bắt đầu thả là ngày 1/4. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tiến độ khá chậm, mới chỉ có khoảng 50% diện tích được xuống giống.

Tìm cơ hội trong khó khăn

Trước những tác động bất lợi của dịch bệnh COVID-19 đến việc nuôi tôm nước lợ, Chi cục Thủy sản đã đưa ra một số hướng để bà con nông dân có thể ổn định sản xuất, chủ động tận dụng và đón bắt cơ hội trong sản xuất. Trong đó đề nghị các hợp tác xã, tổ hợp tác, người nuôi và chính quyền địa phương các xã vùng nuôi tôm nắm bắt tình hình, cung cấp thông tin; có kế hoạch tổ chức sản xuất phù hợp với diễn biến thực tế trong và sau khi dịch bệnh kết thúc. Đặc biệt, lưu ý người dân cần tối ưu hóa chuỗi sản xuất để giảm giá thành sản phẩm. Đối với các cơ sở đang nuôi với mật độ dày, tôm kích thước nhỏ cần san thưa để chăm sóc tốt, hạn chế rủi ro, giảm thiểu chi phí sản xuất. Với diện tích chuẩn bị thả giống cần tiếp tục rải vụ, thả giống với mật độ thưa, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến để hạn chế rủi ro. Về phía Chi cục, đơn vị đã và đang tăng cường kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản; điều kiện cơ sở sản xuất giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.

Ông Phạm Văn Hải, Trạm trưởng Trạm Thủy sản Yên Khánh – Kim Sơn (Chi cục Thủy sản) cho biết thêm: Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi, Trạm đang theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm nước lợ tập trung để kịp thời khuyến cáo và cảnh báo cho bà con. Được biết, để hỗ trợ người nuôi tôm, các đơn vị sản xuất giống cũng đang có những chính sách hỗ trợ tôm giống lớn nhất từ trước đến giờ như giảm giá giống tới 50%. Tuy nhiên, những người nuôi tôm cũng bày tỏ mong muốn được Nhà nước hỗ trợ thêm về giá điện và giảm lãi suất ngân hàng nhằm giảm bớt chi phí đầu vào.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, mọi điều đều có khả năng xảy ra. Một số chuyên gia khuyên người nuôi nên cân nhắc thả tôm thời điểm hiện nay để đón đầu xu thế giá tôm sẽ tăng do thiếu hụt thực phẩm sau dịch bệnh vào các tháng tới. Quyết định là ở người nuôi, hy vọng bà con sẽ sớm vượt qua được khó khăn, đảm bảo được hiệu quả kinh tế đã đề ra.

Hà Phương

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang