Nguồn tin: Báo Cà Mau, 20/04/2020
Ngày cập nhật:
22/4/2020
Theo dự báo của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, tháng 4 và quý II/2020, khả năng dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp gặp khó khăn hơn về thị trường xuất khẩu, kho lưu trữ hàng hoá, nguồn vốn, lao động, nguồn tài chính để thu mua tôm, gây ảnh hưởng rất lớn đến các hộ nuôi tôm. Do vậy, những chính sách từ Chính phủ được cụ thể hoá càng sớm và nhanh chóng sẽ là “cứu cánh” cho ngành tôm cũng như người nuôi tôm Cà Mau trước đại dịch.
Trung ương quyết liệt
Đã có nhiều cuộc họp trực tuyến toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các địa phương bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN và những đối tượng chịu ảnh hưởng, tác động lớn từ dịch bệnh. Đáng chú ý nhất, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN, ngày 12/3/2020, hướng dẫn các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ cho tất cả các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với gói tín dụng 285.000 tỷ đồng. Theo đó, các tổ chức tín dụng bước đầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng với dư nợ gần 18.000 tỷ đồng; đã thực hiện miễn giảm lãi cho 6.427 khách hàng với dư nợ trên 125.000 tỷ đồng, số lãi được miễn giảm khoảng 300 tỷ đồng. Hiện đã cho vay mới trên 354.000 khách hàng, với doanh số cho vay đạt 165.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đó, dư nợ nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chỉ 16.000 tỷ đồng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước còn chỉ đạo và trực tiếp làm việc với chủ tịch hội đồng quản trị/tổng giám đốc các tổ chức tín dụng, yêu cầu quyết liệt tổ chức triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo Thông tư 01, Chỉ thị 02, ban hành gói tín dụng 285.000 tỷ đồng đối phó với Covid-19.
Về phía Bộ Tài chính, đã đề xuất các giải pháp về chính sách tài khoá như: Thực hiện gia hạn, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với tổng mức gần 200.000 tỷ đồng để hỗ trợ DN và người dân. Điều chỉnh biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi để tháo gỡ khó khăn cho DN hoạt động trên một số lĩnh vực. Trong đó, đối với DN chế biến nông, lâm, sản, thuỷ sản... sẽ giúp giảm nghĩa vụ nộp ngân sách của DN năm 2020 trên 6.000 tỷ đồng.
Đối với Bộ Công thương, đã thông báo việc giảm giá điện và giảm tiền điện từ tháng 4-6/2020, ước tính tổng số tiền điện giảm hỗ trợ khách hàng gần 11.000 tỷ đồng. Trong đó, các DN sản xuất và kinh doanh được hỗ trợ giảm khoảng 6.100 tỷ đồng.
Công nhân Công ty Cổ phần Chế biến và Dịch vụ thuỷ sản Cà Mau thực hiện công đoạn sơ chế tôm.
Địa phương cần quyết liệt
Trên thực tế, các chủ trương, chính sách hỗ trợ để giúp DN còn chậm khiến nhiều DN khó khăn. Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đánh giá: “Có thể nói, diễn biến dịch bệnh đang hết sức phức tạp. Về phía tỉnh, hội, ngành hàng phản ứng khá nhanh so với tình hình chung cả nước. Chủ trương đã có nhưng việc cụ thể hoá chính sách còn chậm. Các hội sở ngân hàng cần có yêu cầu khẩn trương ban hành quy chế nội bộ từng hệ thống ngân hàng, chỉ đạo các chi nhánh sát cánh với DN để giải quyết đúng cái khó của DN”.
Hiện dịch bệnh chưa đủ cơ sở để đưa ra dự báo nên khó khăn không lường trước được đối với các hoạt động kinh tế, đặc biệt đối với các DN. Theo đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử giả định: “Nếu trong 1 tháng nữa dịch bệnh vẫn diễn ra, vẫn chưa triển khai hỗ trợ DN, khi đó các DN không còn đủ năng lực duy trì sản xuất, sẽ có hơn 20.000 công nhân trong các nhà máy, 150.000 hộ dân sản xuất tôm, làm nghề tôm, thuỷ sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chuỗi cung ứng nông dân - doanh nghiệp - ngân hàng đều sẽ bị ảnh hưởng chung”.
Đưa ra giải pháp tình thế trong lúc cấp bách, ông Lê Văn Sử nhấn mạnh: “DN có tồn tại được hay không đều liên quan đến nông dân. Nếu nông dân dừng sản xuất, DN sẽ thiếu nguyên liệu, không thể sản xuất. Do vậy, để duy trì sản xuất một cách ổn định, hiệu quả của nông dân, trước tình thế này, DN phải lên tiếng, minh bạch thông tin thu mua để nông dân nắm bắt, tránh tình trạng thương lái thu mua với giá lung tung, làm hại đến lợi nhuận kinh tế của người dân. Đồng thời, DN cần cung cấp đầy đủ thông tin, năng lực chế biến đối với ngân hàng để tạo đủ niềm tin cùng nhau gỡ khó trong điều kiện dịch bệnh này”.
Về phía Sở NN&PTNT, ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc sở, cho rằng: “Sở đã chủ động nắm bắt tình hình, liên hệ thường xuyên với DN, trao đổi tình hình sản xuất, giá cả với cơ sở, DN. Trung Quốc hiện tại đã cho thông quan nhưng chưa chuyển biến được nhiều, khả năng thị trường Trung Quốc muốn cải thiện được cũng phải mất hơn 1 tháng nữa nếu tình hình dịch bệnh ổn. Giá tôm có nhích lên vài ngày qua nhưng đang tiếp tục chựng lại. Tại các thị trường châu Âu còn rất căng thẳng, diễn biến dịch bệnh rất khó lường, chắc chắn khả năng hồi phục chậm hơn thị trường Trung Quốc. Sở đã kiến nghị Tổng cục Thuỷ sản có cơ chế đặc biệt với ngành hàng tôm, đề xuất gói hỗ trợ, thậm chí không lãi suất để DN thu mua dự trữ tôm. Với tình hình này, nếu không giải quyết kịp thời vấn đề này, ngành tôm coi như ách tắc".
Ông Bằng còn thông tin, DN cần thống kê chi tiết tình hình thu mua, xuất khẩu, hàng tồn kho, khả năng mua tiếp của từng DN. Nếu có cơ chế hỗ trợ thì khả năng, kế hoạch DN thực hiện kế tiếp như thế nào? Từ đó, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp ngành công thương tham mưu UBND tỉnh để có những chỉ đạo sát và kịp thời. DN cần cung cấp đầy đủ thông tin, giá cả thị trường tôm, một mặt chỉ đạo hệ thống thương lái, đại lý, thông tin giá cả đến người dân cho chính thống, đừng lợi dụng tình hình gây khó khăn thêm.
Ông Bằng cũng khuyến cáo: “Dịch bệnh đang biến động hết sức phức tạp, một số hộ nuôi tôm chưa tới nước thu hoạch phải bình tĩnh theo dõi chặt tình hình, chọn những đại lý, thương lái có giá sát thị trường. Nếu chưa tới thời gian thu hoạch cũng không nên nóng vội bán, nuôi mật độ thưa ra. Khi có giá tốt nên bán. Đối với những hộ thu hoạch rồi, chuẩn bị thu hoạch nên cân nhắc trước khi thả vụ mới, đặc biệt đối với tôm thâm canh và siêu thâm canh, có thể tạm thời chuyển sang các đối tượng khác có giá trị kinh tế để duy trì hoạt động sản xuất và thu nhập”./.
Hồng Nhung
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.