• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thủy sản Ninh Bình: Đối mặt với nhiều khó khăn do dịch COVID-19

Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 03/05/2020
Ngày cập nhật: 5/5/2020

Ngư dân huyện Kim Sơn chuẩn bị dụng cụ nuôi, sẵn sàng chờ giống tôm về. Ảnh: Minh Đường

Giá giảm sâu, khó tiêu thụ

Mặc dù các mặt hàng thủy sản sản xuất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chủ yếu tiêu thụ nội địa, trong 2 tháng đầu năm chưa bị ảnh hưởng nhiều của dịch bệnh. Tuy nhiên sang đến tháng 3, tháng 4, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hơn, nước ta thực hiện giãn cách xã hội. Người dân ở trong nhà, các nhà hàng, khách sạn đóng cửa, công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế suất giảm hoặc nghỉ không làm việc, nên sức tiêu thụ các sản phẩm thủy sản tươi sống giảm mạnh, giá hầu hết các loại đều xuống thấp. Ngoài ra việc giao thông ngưng trệ cũng khiến việc vận chuyển các sản phẩm đi tiêu thụ giữa các địa phương gặp khó khăn.

Tôm là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tại Kim Sơn, giá tôm hiện thấp hơn 50-70 nghìn đồng/1kg so với mức trung bình của năm 2019 và rất khó tiêu thụ. Cụ thể, đối với tôm thẻ loại 20 con/1kg là 280 nghìn/1kg, loại 40 con/1kg là 150 nghìn đồng/1kg và loại 100 con chỉ còn 70 nghìn đồng/1kg. Với giá như vậy người nuôi tôm gần như không có lãi.

Bên cạnh con tôm thương phẩm thì còn giống ngao, hàu cũng đang rất khó khăn trong việc tiêu thụ. Thời điểm này, các cơ sở sản xuất giống ngao, hàu trên địa bàn tỉnh đã sản xuất được từ 1-2 đợt, số giống sản xuất được ước đạt 1000 triệu con (trong đó giống ngao 500 triệu con, giống hàu 400 triệu con). Tuy nhiên, do các vùng sản xuất ngao, hàu thương phẩm ở Quảng Ninh hiện cũng đang không bán được nên hạn chế nuôi thêm. Ngoài ra, tình hình giao thông đi lại hạn chế cũng khiến thương lái không về thu mua được.

Trong lĩnh vực khai thác thủy sản, hiện Ninh Bình có 96 tàu cá hoạt động khai thác trên biển, giải quyết việc làm cho 400 lao động và hình thức tổ chức sản xuất trên biển với 2 HTX khai thác hải sản, 9 tổ đội ven bờ. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động mạnh đến hoạt động khai thác, sản lượng đánh bắt thấp hơn so với năm 2019 do biến động ngư trường, nguồn lợi. Trong khi đó, mặc dù giá dầu giảm mạnh nhưng sản phẩm khai thác khó tiêu thụ đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của lao động khai thác, một số tàu phải cầm cự vay mượn trả lương để giữ lao động.

Không chỉ ảnh hưởng đến đầu ra của các sản phẩm thủy sản, dịch bệnh COVID-19 còn tác động không nhỏ đến hoạt động đầu nuôi mới của bà con ngư dân. Hiện nay hầu hết người dân đã cải tạo xong ao đầm, chuẩn bị thả giống vụ nuôi năm 2020.

Tuy nhiên nguồn giống thả nuôi ở cả 2 vùng nước ngọt và nước mặn lợ trên địa bàn tỉnh chủ yếu nhập từ tỉnh ngoài, nên người dân không thể nhập được do hoạt động giao thương giữa các địa phương bị hạn chế. Chính vì vậy, bà con phải kéo dãn thời gian thả giống. Đặc biệt nguồn giống tôm sú, tôm thẻ và một số giống đặc hữu khác đang rất khan hiếm.

Trong khi đó, các vật tư đầu vào cho ngành thủy sản lại đang có xu hướng tăng. Cụ thể như giá cám công nghiệp tăng trung bình 5-6 nghìn đồng/bao 25 kg, chế phẩm sinh học tăng 5-10 nghìn đồng/sản phẩm và khó khăn trong việc vận chuyển từ các nhà máy về địa phương.

Tập trung tháo gỡ

Trước tình hình trên, Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp & PTNT đã sớm đề xuất đưa ra một số giải pháp. Trong đó, trước mắt, đối với các đối tượng nuôi thương phẩm các hộ cần ổn định môi trường ao nuôi, duy trì chế độ chăm sóc, cắt giảm bớt lượng thức ăn. Tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ, các nguồn từ phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương chế biến và cho ăn theo công thức được các nhà chuyên môn khuyến cáo.

Đối với các cơ sở sản xuất giống hàu: các cơ sở tính toán thời gian sản xuất, chú ý theo dõi diễn biến các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đối với các cơ sở đã sản xuất ra giống cần có biện pháp chuyển xuống ao nuôi ương dưỡng.

Bên cạnh đó, cũng cần tập trung và phát triển nhanh lĩnh vực chế biến và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Chuyển từ sản phẩm tươi sống sang các sản phẩm chế biến nhằm mục đích kéo dài thời hạn sự dụng và lưu kho, giảm áp lực thu hoạch cho người nuôi. Với lĩnh vực khai thác, Chi cục sẽ hướng dẫn ngư dân tìm kiếm hướng tiêu thụ sản phẩm đảm bảo ổn định.

Về phía người dân, doanh nghiệp thủy sản, bà còn đề nghị tỉnh, nhà nước có chính sách hỗ trợ để tái đầu tư sản xuất, vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19 thông qua việc: được gia hạn nợ, không chuyển thành nợ xấu, không phạt nợ quá hạn, giảm lãi suất; giảm các loại thuế, phí; giảm giá điện sản xuất; hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp Hợp tác xã khai thác xa bờ để đảm bảo ổn định sản xuất …

Còn về dài hạn, các cấp có thẩm quyền cần tăng cường chỉ đạo, ban hành các cơ chế chính sách phát triển sản xuất thủy sản theo chuỗi giá trị, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất ứng dụng công nghệ cao lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Tiếp tục đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng vùng sản xuất và ương dưỡng giống tập trung theo quy hoạch chung của ngành, từng bước chủ động nguồn giống tại chỗ cung ứng nhu cầu phát triển sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Hà Phương

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang