Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 07/05/2020
Ngày cập nhật:
11/5/2020
Những năm gần đây, khoa học công nghệ được ứng dụng vào sản xuất, góp phần tạo ra giá trị cao cho ngành Nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Một số hộ dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã mạnh dạn đầu tư hạ tầng, áp dụng KHKT hiện đại vào các công đoạn nuôi trồng thủy sản, tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Mô hình nuôi cá rô phi theo công nghệ Biofloc của Israel tại thôn Bà Gò, xã Trung Mỹ (Bình Xuyên) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Lượng
Nhiều mô hình hiệu quả
Theo số liệu thống kê của ngành Nông nghiệp, quý I/2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt 4.800 ha, tăng 0,2% cùng kỳ; sản lượng thủy sản đạt hơn 5.400 tấn, tăng 3% cùng kỳ. Trong đó, diện tích nuôi cá bán thâm canh và thâm canh tiếp tục được mở rộng, người nuôi trồng thủy sản được tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để đầu tư, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, hình thành nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao.
Nằm giữa những quả đồi ở thôn Ba Gò, xã Trung Mỹ (Bình Xuyên), mô hình nuôi cá rô phi theo công nghệ Biofloc của Israel do anh Hoàng Hồng Hải làm chủ được nhiều người biết đến bởi tính độc đáo và hiệu quả kinh tế mang lại. Vụ cá vừa qua, trên diện tích 1 ha nuôi rô phi, sau khi trừ các chi phí, anh Hải thu lãi gần 900 triệu đồng.
Dẫn chúng tôi tham quan mô hình, anh Hải cho biết: “Công nghệ Biofloc của Israel trong nuôi trồng thủy sản hiện nay còn mới mẻ đối với nhiều người, tuy nhiên, hiệu quả kinh tế mang lạikhông thể phủ nhận.
Nguyên lý hoạt động của công nghệ này khá đơn giản. Trên diện tích 1 ha, tôi thiết kế đào 5 ao nuôi thả cá (1 ao để dự trữ nước phòng khi mất điện), độ sâu cách mặt nước 2,5 m, đáy phủ bạt nilon. Phía trên mặt nước được lắp đặt máy guồng nước, hoạt động liên tục để tăng nguồn oxy cho cá, đồng thời đẩy thức ăn thừa, chất thải lắng xuống đáy ao.
Xung quanh khu vực chăn nuôi, tôi xây dựng hệ thống ống thoát nước nối với đáy các ao, qua đó, lượng thức ăn thừa, chất thải của cá hàng ngày sẽ được được rút theo hệ thống.
Qua 2 năm triển khai mô hình nuôi cá theo công nghệ biofloc của Israel cho thấy, áp dụng công nghệ này có thể nuôi 35 con cá/m2, cá phát triển đồng đều, khi thu hoạch có thể đạt trọng lượng từ 1-1,4kg/con, trên diện tích 1 ha cho năng suất từ 100 - 120 tấn.
Ngoài ra, do mật độ nuôi lớn, chất thải phát sinh trong quá trình nuôi cá được tái sử dụng, chuyển hóa thành các hạt Biofloc làm thức ăn cho cá, giúp tiết kiệm 20% chi phí thức ăn chăn nuôi. Là công nghệ tái sử dụng chất thải, nuôi ít phải thay nước, cá lại sống trong môi trường khép kín, nước được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi cấp cho hệ thống ao nuôi nên tiết kiệm thêm được lượng tài nguyên nước đáng kể.
Hiện nay, cá được nuôi theo công nghệ Biofloc của Israel có đầu ra ổn định, thu hoạch xong đã có thương lái đến tận nơi để thu mua, giá dao động từ 35 - 40.000 đồng/kg. Ngoài ra, tôi cũng ký hợp đồng cung cấp cá cho Tổng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT)”.
Nhằm giúp người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh tiếp cận với công nghệ nuôi cá mới, vừa qua, anh Hoàng Hồng Hải tổ chức mở lớp tập huấn ứng dụng KHKT nuôi siêu thâm canh cá rô phi theo công nghệ Biofloc của Israel, thu hút hơn 80 người tham gia. Dự kiến sắp tới, mô hình sẽ được nhân rộng tại một số nơi trên địa bàn thành phố Phúc Yên.
Rời mô hình nuôi cá trên đồi, chúng tôi tiếp tục đến tham quan mô hình nuôi hơn 2 ha cá lồng của anh Dương Việt Anh, ở xã Kim Xá (Vĩnh Tường). Là người đầu tiên triển khai thành công mô hình nuôi cá chuối hoa trong lồng trên địa bàn huyện, anh Dương Việt Anh chia sẻ: “So với nuôi thả bằng ao đất thông thường, nuôi cá trong lồng giúp tiết kiệm chi phí trong quá trình chăm sóc như thức ăn, vệ sinh hồ, nhân công... cùng nhiều chi phí phát sinh khác.
Qua 4 năm nuôi cá bằng phương pháp này cho thấy, sản lượng cá tăng lên nhiều lần trên cùng một diện tích hồ. Nếu như những năm trước, nuôi cá theo phương pháp truyền thống, 2 ha chỉ thu được 25 tấn cá, thì giờ đây khi nuôi trong lồng, số cá thu được vào khoảng 50 tấn. Cá nuôi trong lồng đạt chất lượng tốt, có thị trường ổn định, trung bình mỗi vụ, mô hình cho doanh thu gần 1 tỷ đồng”.
Được biết, để mô hình nuôi cá trong lồng vận hành ổn định, mỗi năm, anh Dương Việt Anh dành ra hàng chục triệu đồng cho việc nâng cấp và mua sắm các thiết bị KHKT phục vụ cho việc nuôi cá. Ngoài ra, mỗi vụ cá, anh lại mời chuyên gia thủy sản từ nước ngoài về tư vấn, kiểm tra chất lượng nước trong ao, giúp anh định hướng và kịp thời có những điều chỉnh phù hợp trong quá trình chăm sóc đàn cá của mình.
Hỗ trợ tạo động lực và mở rộng qui mô
Theo Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với chuyển đổi lao động nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2015 - 2020, nuôi trồng thủy sản được xác định là một trong những lĩnh vực quan trọng, góp phần tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống của người dân.
Để tạo điều kiện cho người nuôi trồng thủy sản có điều kiện áp dụng KHKT vào sản xuất, Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) đang triển khai hỗ trợ 70% chi phí mua cá giống mới (không quá 30 triệu đồng/ha) cho người sản xuất nuôi cá thâm canh có quy mô từ 0,5 ha trở lên; hỗ trợ 50% chi phí mua mới máy sục khí tạo oxy (không quá 5 triệu đồng/người sản xuất) cho mô hình nuôi cá thâm canh có quy mô từ 1 ha trở lên.
Theo số liệu thống kê, giai đoạn từ 2016 - 2019, Chi cục Thủy sản đã hỗ trợ 375 máy sục khí tạo oxy nuôi cá và 480 ha cá giống mới cho các hộ chăn nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, chi cục tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ nuôi cá giống mới với 2 giống cá là rô phi đơn tính và chép lai cho các hộ nuôi trồng thủy sản.
Dự kiến chương trình sẽ hỗ trợ 130 ha nuôi cá giống mới thâm canh, 150 máy sục khí tạo oxy cho các hộ nuôi trồng thủy sản. Với kết quả đạt được từ chương trình hỗ trợ, tin rằng, ngành Thủy sản sẽ có nhiều bước phát triển mới, góp phần hiện thực hóa Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.
Hoàng Sơn
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.