• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nông dân lao đao vì hạn mặn

Nguồn tin: Báo Cà Mau, 08/05/2020
Ngày cập nhật: 12/5/2020

Mùa khô năm 2020, thời tiết nắng hạn gay gắt kéo dài làm cho nhiệt độ và độ mặn trong vuông tôm liên tục tăng cao, tôm nuôi chậm phát triển, kéo dài thời gian thu hoạch, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống người nuôi tôm ở huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau). Loại hình nuôi tôm bị ảnh hưởng hạn mặn chủ yếu tôm nuôi quảng canh cải tiến, quảng canh cải tiến 2 giai đoạn và tôm quảng canh truyền thống. Ngành chuyên môn đi kiểm tra, hướng dẫn bà con nông dân một số giải pháp ứng phó để giảm thiệt hại do hạn mặn gây ra.

Huyện Cái Nước có tổng diện tích nuôi thuỷ sản trên 30.000 ha, trong đó có 2.000 ha được bà con nông dân áp dụng loại hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh. Diện tích còn lại là nuôi tôm quảng canh cải tiến, quảng canh cải tiến 2 giai đoạn và quảng canh truyền thống kết hợp các loài thuỷ sản khác. Nhưng do hạn mặn làm cho nhiều diện tích tôm nuôi của bà con nông dân bị ảnh hưởng.

Ông Lê Thanh Hoàng, ấp Phú Thạnh, xã Phú Hưng, than thở: "Những năm trước, vào thời điểm này bà con nông dân trúng đậm vụ tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn, bởi nơi đây chuyên sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm nên môi trường rất ổn định và nguồn thức ăn tự nhiên luôn đảm bảo, giúp tôm nuôi phát triển nhanh, cho năng suất khá cao. Nhưng mùa khô năm nay nắng hạn gay gắt kéo dài, mực nước trong vuông tôm thường xuyên hạ thấp, nhiệt độ tăng cao vào những ngày thời tiết nắng gay gắt, không thuận lợi cho tôm nuôi phát triển. Thêm vào đó, độ mặn trên sông tăng lên khá cao, dao động từ 35-37%o. Khi bà con nông dân bơm nước cấp bổ sung vào vuông tôm, gặp thời tiết nắng hạn, nước bốc hơi rất nhanh, làm cho độ mặn trong vuông tôm tăng lên hơn 40%o, hệ luỵ là tôm nuôi chậm lớn và kéo dài thời gian thu hoạch, nguy cơ xảy ra rủi ro thiệt hại rất cao".

Độ mặn trong vuông tăng lên hơn 40%o làm cho tôm chậm phát triển.

Trưởng ấp Phú Thạnh, xã Phú Hưng Nguyễn Văn Dũng cho hay, khoảng 2 tháng trở lại đây, nắng hạn gay gắt làm ảnh hưởng hầu hết diện tích tôm nuôi của bà con nông dân trong ấp. Nếu nắng nóng kéo dài, độ mặn trong vuông tôm tiếp tục tăng cao, nguy cơ tôm nuôi của bà con nông dân bị thiệt hại là khó tránh khỏi. Mặt khác, do ảnh hưởng dịch Covid-19, giá tôm sú nguyên liệu trên thị trường giảm mạnh, loại 20 con/kg được thương lái thu mua từ 150.000-160.000 đồng/kg, giảm 50% so với thời điểm trước tết Nguyên đán, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống nông dân. Hiện tại, chính quyền địa phương động viên bà con nông dân cố gắng vượt qua khó khăn do hạn mặn, đợi khi trời mưa, độ mặn trong vuông tôm giảm xuống, khi ấy tôm nuôi mới phát triển và thả nuôi vụ mới.

Không riêng xã Phú Hưng, tại xã Thạnh Phú, hạn mặn làm hơn 20 ha tôm nuôi bị thiệt hại ở nhiều mức độ khác nhau, dự báo thiệt hại còn có thể tăng lên rất nhiều nếu thời tiết tiếp tục nắng hạn. Anh Phạm Văn Hùng, ấp Láng Cùng, xã Phú Hưng, buồn bã cho biết: "Gia đình thường xuyên bơm nước ngoài sông cấp cho vuông tôm, nhưng do bờ bao không chắc chắn, sau vài hôm mực nước trong vuông tôm lại hạ thấp, độ mặn tăng lên hơn 40%o, tôm nuôi chậm lớn nên chưa cho thu hoạch. Tôi định mua tôm sú giống về thả nuôi vụ mới, nhưng một số hộ dân có kinh nghiệm khuyên không nên thả vào thời điểm này, lý do độ mặn trong vuông tôm quá cao và thời tiết nắng nóng gay gắt, tôm giống sẽ bị thiệt hại, tỷ lệ đạt đầu con không cao".

Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Cái Nước Đoàn Văn Chính khuyến cáo: "Để hạ thấp nhiệt độ và độ mặn, giúp tôm nuôi phát triển, hạn chế thiệt hại, giải pháp duy nhất hiện nay là bơm nước ngoài sông cấp bổ sung cho vuông tôm nhằm duy trì mực nước trong vuông tối thiểu từ 50 cm trở lên. Nhưng cái khó hiện nay là bờ bao vuông của bà con nông dân không chắc chắn, nước dễ bị rò rỉ sang vuông tôm liền kề. Do đó, bà con nông dân phải đoàn kết trong sản xuất, có nghĩa khi bơm cấp nước bổ sung vào vuông tôm phải thực hiện đồng loạt, sẽ hạn chế nước thất thoát ra bên ngoài và mực nước trong vuông tôm sẽ ổn định, hạn chế độ mặn tăng cao, giúp tôm nuôi phát triển"./.

Việt Tiến

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang