• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 12/05/2020
Ngày cập nhật: 14/5/2020

Do ảnh hưởng của thời tiết diễn biến bất lợi, cộng với việc một số hộ nuôi tôm không tuân thủ khung lịch thời vụ, thả nuôi con giống không có nguồn gốc rõ ràng… đã làm dịch bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính phát sinh và gây hại ở một số vùng nuôi tôm tại huyện Vĩnh Linh và TP. Đông Hà (tỉnh Quảng Trị). Hiện dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Nếu không có các giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả thì nguy cơ dịch bệnh trên tôm nuôi lây lan ra diện rộng, gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm.

Ao nuôi tôm bị thiệt hại do dịch bệnh tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh. Ảnh: LA

Vụ nuôi tôm năm nay anh Trần Thanh Liêm ở tại Hợp tác xã (HTX) Huỳnh Xá Hạ, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh thả nuôi 2 ao tôm sú và tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích gần 0,35 ha. Nhưng chỉ sau 36 ngày thả nuôi tôm đã có dấu hiệu bỏ ăn, dạt bờ và chết. Ngay khi tôm có hiện tượng chết, anh đã báo ngay cho chính quyền địa phương và cán bộ thú y về kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả đã xác định tôm nuôi bị mắc bệnh đốm trắng. Trao đổi với chúng tôi khi đang dùng hóa chất Chlorine để xử lý dịch bệnh trong ao nuôi của mình, anh Liêm cho biết, gia đình anh bắt đầu đào ao nuôi tôm từ năm 2005 đến nay, mỗi năm thả nuôi từ 1 - 2 vụ. Bình quân mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình anh thu về từ 70 - 100 triệu đồng. Tuy nhiên trong những năm trở lại đây thì không chỉ ao nuôi của gia đình anh mà phần lớn các ao nuôi tôm trên địa bàn HTX Huỳnh Xá Hạ đều bị chết do dịch bệnh dẫn đến thua lỗ trầm trọng.

Theo anh Liêm, điểm đặc biệt đó là sau nhiều năm tôm nuôi bị chết do dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp tính thì năm nay dịch bệnh đốm trắng đã xuất hiện trở lại và lây lan rất nhanh. “Ngay sau khi phát hiện tôm chết do dịch bệnh, tôi đã báo cáo với chính quyền và cơ quan thú y để lấy mẫu xét nghiệm, làm các thủ tục để nhận hóa chất Chlorine xử lý dập dịch nhưng do Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) hết hóa chất nên đến nay mới chỉ xử lý dập dịch được một ao, ao nuôi còn lại vẫn đang chờ hóa chất”, anh Liêm lo lắng nói.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Thân Trọng Dũng cho hay, đến thời điểm này trên tổng số 156 ha diện tích nuôi tôm toàn xã đã có 102 ha với hơn 270 hộ nuôi bị chết do dịch bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính. Ước tính thiệt hại khoảng 14 tỉ đồng. Dịch bệnh xảy ra trên tôm nuôi sau khi thả giống từ 30 - 35 ngày, gây bệnh trên cả 2 đối tượng nuôi là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Nguyên nhân được xác định là do thời tiết diễn biến bất thường, các đợt lạnh và nắng nóng xen kẽ làm các yếu tố môi trường trong ao nuôi thay đổi; con giống mang sẵn mầm bệnh nên khi gặp thời tiết bất lợi đã làm dịch bệnh bùng phát.

Theo ông Dũng, một nguyên nhân nữa đó là mặc dù ngay sau khi dịch bệnh xảy ra, UBND xã đã báo ngay cho Trạm CN&TY huyện và Chi cục CN&TY về lấy mẫu xét nghiệm để có giải pháp hỗ trợ cho người nuôi tôm. Nhưng do Phòng xét nghiệm mẫu của Chi cục CN&TY chưa được công nhận năng lực chẩn đoán bệnh thủy sản theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, do đó để đủ căn cứ hỗ trợ hóa chất dập dịch, thẩm định dịch bệnh hỗ trợ sản xuất… các hộ nuôi tôm phải gửi mẫu ra Chi cục Thú y vùng III tại tỉnh Nghệ An để xác định bệnh. Việc này vừa gây tốn kém chi phí cho người nuôi tôm, vừa kéo dài thời gian xác định tác nhân gây bệnh; đặc biệt là trong thời điểm giao thông đi lại khó khăn do COVID-19 vừa qua, do đó có một số hộ nuôi không xử lý dịch bệnh mà đã xả nước ao nuôi ra bên ngoài dẫn đến lây lan mầm bệnh. Ông Dũng cho biết, đến thời điểm này toàn xã mới chỉ xử lý dập dịch bằng hóa chất Chlonine được 3,5 ha cho 11 hộ nuôi. Các ao nuôi còn lại đang phải chờ do Chi cục CN&TY thông báo hết hóa chất. “UBND xã đã chỉ đạo các HTX, các tổ nuôi tôm cộng đồng tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ nuôi tôm tuyệt đối không được xả nước các ao nuôi bị bệnh ra ngoài môi trường để tránh lây lan. Tuy nhiên, nếu không có hóa chất xử lý dập dịch kịp thời thì nguy cơ toàn bộ diện tích nuôi tôm hơn 156 ha của xã sẽ bị nhiễm dịch bệnh hoàn toàn”, ông Dũng cho biết thêm.

Theo thống kê của Chi cục CN&TY, từ ngày 26/3/2020 đến nay dịch bệnh trên tôm nuôi đã xảy ra trên địa bàn các xã Vĩnh Sơn, Hiền Thành (huyện Vĩnh Linh) và phường Đông Giang (TP. Đông Hà). Ngay khi dịch bệnh xảy ra, Chi cục CN&TY đã về tận nơi kiểm tra tình hình thực tế, hướng dẫn người nuôi tôm các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời lấy mẫu gửi Chi cục Thú y vùng III xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh. Kết quả có 25 ao nuôi với tổng diện tích 7,19 ha dương tính với vi rút gây bệnh đốm trắng; số diện tích còn lại 5,49 ha đang chờ kết quả xét nghiệm. Theo Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục CN&TY Trần Hoãn, nguyên nhân xảy ra dịch bệnh là do một số hộ nuôi tôm không tuân thủ khung lịch thời vụ, thả nuôi con giống không có nguồn gốc rõ ràng, cộng với thời tiết bất lợi, môi trường ao nuôi biến động làm sức đề kháng của tôm nuôi suy giảm, tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập gây bệnh. Ngoài ra, hoạt động của các tổ cộng đồng nuôi tôm còn nhiều hạn chế, ý thức một số hộ nuôi còn kém, chưa có sự đoàn kết trong công tác bảo vệ môi trường, chưa quan tâm đến việc kiểm dịch con giống, chưa chấp hành các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Khi dịch bệnh xảy ra, nhiều hộ nuôi không báo cáo cho cơ quan chức năng mà tự ý thu hoạch và không xử lý mầm bệnh trước khi xả thải ra môi trường làm lây lan dịch bệnh. Thêm vào đó, hiện nay nhiều vùng nuôi có hệ thống công trình nuôi không đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, hầu hết không có ao lắng, ao xử lý nước, lấy nước trực tiếp từ ngoài vào ao nuôi, hệ thống cấp thoát nước chưa riêng biệt... cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp.

Ông Hoãn cho biết, ngay khi có kết quả xét nghiệm, Chi cục CN&TY đã cấp 1.852 kg hóa chất Chlorine từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các hộ nuôi xử lý dập dịch nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là toàn tỉnh đang vào vụ nuôi chính, diện tích thả nuôi lớn, cộng với tính chất nguy hiểm, khả năng lây lan nhanh của dịch bệnh thì việc các hộ nuôi khi dịch bệnh xảy ra không báo cáo, không phối hợp với cơ quan chức năng để lấy mẫu, gửi mẫu xét nghiệm nhằm xác định tác nhân gây bệnh để nhận hóa chất hỗ trợ xử lý dập dịch mà lại xả thải trực tiếp ra môi trường không những làm các ao nuôi xung quanh bị ảnh hưởng mà còn làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh cho các vùng nuôi khác. Do vậy, trước tình hình dịch bệnh có khả năng lây lan trên diện rộng, bên cạnh việc cấp hóa chất Chlorine để dập dịch, thông báo cho các hộ nuôi xung quanh biết về tình hình dịch bệnh, Chi cục CN&TY đã cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và hạn chế lây lan mầm bệnh; vận động các hộ nuôi có tôm bị bệnh hạn chế đi lại qua các ao nuôi khác. “Đối với những ao nuôi chưa bị bệnh cần phải dùng lưới rào chắn xung quanh ao, rải vôi quanh bờ để ngăn chặn các loài giáp xác mang mầm bệnh vào ao, xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi; theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe tôm nuôi, thường xuyên kiểm tra các yếu tố thủy lý, thủy hóa trong ao; bổ sung thêm vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao tính cộng đồng trong vùng nuôi, vận động người nuôi tôm thực hiện tốt “ba không” (không giấu bệnh, không xả thải nước ao khi chưa được xử lý và không xả thải xác tôm chết do nhiễm bệnh ra môi trường) để góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh ở tôm nuôi”, ông Hoãn khuyến cáo.

Lê An

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang