Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 17/05/2020
Ngày cập nhật:
19/5/2020
Với 15.000m2 mặt nước nuôi trồng thủy sản, trang trại của anh Vũ Quang Hiệp, thôn Đồi Cao 2 (phường Yên Bình) được biết đến là một trong những cơ sở nuôi trồng thủy sản quy mô lớn của thành phố Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình). Trang trại đã và đang cho thu hoạch khoảng 40 tấn cá với doanh thu 1 tỷ đồng/năm.
Anh Vũ Quang Hiệp đang cho cá ăn.
Lần theo con đường uốn lượn quanh co ven hồ Yên Thắng, thành phố Tam Điệp, chúng tôi tìm đến trang trại nuôi trồng thủy sản của anh Hiệp. Hôm nay, gia đình anh tiến hành kéo lưới bắt cá giống từ ao ươm, phóng ra một ao khác để nuôi thương phẩm. Trong nhà những người phụ nữ đã nhanh chóng thịt gà làm cơm, còn lại gần chục người đàn ông lội xuống ao kéo lưới, những con cá giống được đưa lên chủ yếu là trắm và chép đã nặng cỡ 1-2 kg.
Trò chuyện với chúng tôi anh Hiệp không dấu nổi niềm vui: “Tôi vừa xuất lứa cá được hơn 10 tấn, may mắn vào đúng đợt hút hàng, giá cao, thu về khoảng 400 triệu. Lứa cá giống tiếp theo này, sau khi phóng ra ao lớn hơn sẽ lớn rất nhanh, cho thu hoạch sớm. Hy vọng tiếp tục đón được đợt giá tốt”.
Chia sẻ về câu chuyện lập nghiệp của mình, anh Hiệp cho biết, anh nuôi thủy sản gần chục năm nay. Ban đầu, đấu thầu khu đất này, ngoài nuôi cá thì anh còn nuôi gà, vịt, trâu bò kết hợp với trồng trọt. Cũng vì không chú trọng đầu tư vào đối tượng nào nên nguồn lực bị phân tán, hiệu quả kinh tế thấp.
Đặc biệt, với cá, do nuôi quảng canh, chỉ cho ăn các thức ăn tận dụng, thiếu đầu tư về trang thiết bị kỹ thuật, quy trình nuôi không bài bản nên năng suất kém. Sau thời gian tích lũy kinh nghiệm, học hỏi thêm từ nhiều kênh thông tin, đặc biệt là được Chi cục Thủy sản tỉnh hỗ trợ, từ năm 2016, gia đình quyết định đi sâu vào nuôi trồng thủy sản.
Theo đó, anh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng sửa chữa, cải tạo ao nuôi, mua sắm các loại máy móc, trang thiết bị hiện đại, con giống, thức ăn công nghiệp, chế phẩm sinh học… phát triển sản xuất thủy sản theo hướng thâm canh, bước đầu áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nuôi trồng thủy sản. Nói về những lợi ích mà mô hình sản xuất mới mang lại, anh Hiệp cho biết: Lợi ích trước nhất mà nuôi trồng thủy sản theo quy trình thâm canh, an toàn sinh học mang lại là hạn chế được ô nhiễm môi trường và dịch bệnh.
Theo đó, trang trại luôn chú trọng tới việc tạo môi trường sống tốt cho cá, từ vệ sinh, khử trùng ao nuôi trước mỗi vụ mới, thực hiện quan trắc chất lượng nước, dùng chế phẩm sinh học xử lý tới việc sử dụng máy đảo nước, sục khí cung cấp nguồn oxy dồi dào cho cá. Nhờ môi trường sạch, cùng với việc kiểm soát tốt các yếu tố đầu vào như con giống, thức ăn, thường xuyên bổ sung các vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng, giảm thiểu việc sử dụng thuốc kháng sinh trong quá trình nuôi nên chất lượng cá tốt hơn hẳn so với cách nuôi thông thường.
Đặc biệt, chất lượng nước tốt cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc nuôi với mật độ cao đạt 2 tấn/1sào (mật độ lúc xuất bán), trong khi nuôi thông thường chỉ đạt từ 3 -5 tạ/sào. Nhờ vậy, dù chi phí đầu tư ban đầu bỏ ra cao hơn song lợi nhuận thu về cũng cao gấp từ 2 - 3 lần so với trước đây. Đặc biệt, chất lượng cá tốt, cá to nên việc tiêu thụ cũng thuận lợi hơn với mức giá nhỉnh hơn cá nuôi thông thường từ 2 - 3 nghìn đồng/kg.
Từ khi thay đổi hình thức chăn nuôi đến nay, trung bình mỗi năm gia đình anh Hiệp xuất bán ra thị trường khoảng 40 tấn cá các loại, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Vũ Quang Hiệp còn luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ các hộ nông dân trong xã về kinh nghiệm về chăn nuôi thủy sản và phát triển kinh tế. Anh cùng với gần 30 hộ gia đình khác trên địa bàn xã đã thành lập tổ nuôi trồng thủy sản phường Yên Bình để tương trợ lẫn nhau trong sản xuất.
Bài, ảnh: Hà Phương
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.