Nguồn tin: Báo Ninh Thuận, 19/05/2020
Ngày cập nhật:
20/5/2020
Khởi phát từ các mô hình nuôi ốc hương thương phẩm của Trung tâm Khuyến ngư tỉnh Ninh Thuận (nay thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh) trong giai đoạn 2003-2005, nghề nuôi ốc hương đã dần phát triển mạnh ở các vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) Ninh Hải và Thuận Nam.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, nếu năm 2015 diện tích nuôi ốc hương toàn tỉnh có 29 ha thì năm 2016 là 111,55 ha và năm 2017 diện tích đã tăng đến khoảng 121 ha. Tuy nhiên sau một thời gian phát triển, nghề nuôi ốc hương đang đứng trước thử thách mới.
Ở tỉnh ta, ốc hương được nuôi chủ yếu bằng hai hình thức: nuôi trong ao đất thuộc khu vực thôn Tân An, xã Tri Hải (Ninh Hải) và nuôi ao lót bạt trên cát tại xã Phước Dinh (Thuận Nam) và một số xã ven Đầm Nại (Ninh Hải). Đáng chú ý là hình thức nuôi trong ao lót bạt trên cát đã cho năng suất thu hoạch cao, bình quân 25 - 30 tấn/ ha, kết hợp giá bán ổn định (dao động 200.000 - 280.000 đồng/ kg) nên nhiều năm qua hầu hết người nuôi đều có lãi. Thế nhưng trong 2 năm gần đây diện tích thả nuôi có vẻ đang thu hẹp lại, đơn cử năm 2018 chỉ có khoảng 65 ha thả nuôi và năm ngoái diện tích nhích lên đạt khoảng 75 ha ((Ninh Hải: 25,5 ha và Thuận Nam: 44,5 ha). Còn từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh hiện còn khoảng 29 ha diện tích ốc hương đang nuôi (Ninh Hải: 10 ha và Thuận Nam: 19 ha), trong đó đã có 18 ha của năm 2019 chuyển sang. Như vậy thực chất diện tích ao thả nuôi mới ốc hương chỉ có 11 ha, hầu hết tập trung tại xã Phước Dinh. Nguyên nhân diện tích thả nuôi đạt thấp, là do giá bán giảm nên chủ hộ nuôi ngần ngại không dám thả nuôi.
Ốc hương nuôi thương phẩm trong hồ xây mái che ở Công ty TNHH MTV Châu Cầu.
Để có câu trả lời vì sao giá bán ốc hương giảm, những ngày đầu tháng 5 chúng tôi đã đến vùng NTTS Sơn Hải (Phước Dinh) và có dịp tìm hiểu thực trạng của nghề nuôi ốc hương tại Công ty TNHH MTV Châu Cầu. Là doanh nghiệp sản xuất hàng đầu của ngành ốc hương, công ty có tổng diện tích 7,4 ha, trong đó có khoảng 6 ha nuôi ốc hương thương phẩm bao gồm 1 ha làm trại nuôi trong nhà (có 108 hồ xây nổi mái che với thể tích 10,8 m3/hồ) và 5 ha ao nuôi ngoài trời (mỗi ao có diện tích khoảng 2.800m²), còn lại là các hạng mục công trình khác như hệ thống xử lý nước cấp, thải, kho, nhà ở công nhân…Anh Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Châu Cầu cho biết: “Do dịch COVID-19, công ty đã ngừng sản xuất từ tết, cách đây 10 ngày mới thả nuôi cầm chừng 10 hồ trong nhà và 2 ao ngoài trời với mục đích để giữ trại là chính”. Theo anh, với giá bán ốc hương loại 1 giảm chỉ còn 190.000- 200.000 đồng/ kg (loại 130 con/kg), người nuôi không có lãi nên đa số đều bỏ trống ao đìa, chỉ những cơ sở có khả năng tài chính mới tiếp tục duy trì nuôi.
Theo ghi nhận của chúng tôi, với diện tích nuôi ốc hương toàn tỉnh trong năm ngoái, vùng đìa nuôi đã giúp giải quyết việc làm cho hằng trăm lao động. Vì vậy, khi diện tích nuôi giảm đã kéo theo hệ lụy nhiều lao động mất việc làm. Có thể thấy Công ty TNHH MTV Châu Cầu là điển hình, lâu nay ốc hương thành phẩm của công ty chủ yếu xuất khẩu qua các nước Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, đặc biệt Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất với sản lượng trung bình 70 tấn/năm. Trước dịch COVID-19, công ty giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động với mức lương bình quân 9 triệu đồng/tháng đối với lao động ngoài trời và 7 triệu đồng/tháng nếu làm việc trong trại nuôi mái che. Khi buộc phải ngưng sản xuất, công ty đã phải giải quyết hỗ trợ 1 tháng lương cho mỗi người nghỉ việc; hiện nay với sản xuất cầm chừng, cố gắng lắm công ty mới bố trí được việc làm cho 7 lao động. Tác động của COVID-19 đến sản xuất của ngành nuôi ốc hương thấy rõ, không xuất khẩu được, với diện tích nuôi ít đi nên sản lượng thu hoạch toàn tỉnh đạt thấp (4 tháng đầu năm khoảng 240 tấn, giảm 4,8% cùng kỳ) và tiêu thụ chỉ thị trường nội địa nên giá cũng giảm theo.
Có một điều nghịch lý là thời điểm này, trong khi sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng vì khô hạn thì ngược lại là điều kiện thuận lợi cho ốc hương nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, hiểu nôm na là càng không mưa càng tốt vì ốc hương chỉ thích hợp nuôi trong nước biển mặn. Theo anh Dư Ngọc Tuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, ốc hương vốn rất nhạy cảm với môi trường, trong trường hợp mưa lớn, người nuôi phải xả nước tầng trên để khỏi loãng độ mặn trong đìa, nếu ốc hương có dấu hiệu chết thì phải quay quạt để điều hòa nhiệt độ và giữ ổn định độ mặn. Ốc hương mỗi năm chỉ nuôi 1 vụ, thời gian nuôi 7-8 tháng, tuy đầu tư vốn gấp đôi nuôi tôm nhưng với mức giá như trước đây sẽ cho thu nhập gấp 2,3 lần.
Anh Nguyễn Văn Châu chia sẻ: “Một thế mạnh khác của nghề nuôi ốc hương là không sợ bị rủi ro do dịch bệnh. Vì mùi hôi đặc trưng của ao nuôi ốc hương nên việc vệ sinh đáy ao sau khi cho ốc ăn được chú trọng, các ao đìa nuôi ốc hương phải thay nước hằng ngày nên nước luôn sạch, thức ăn cho ốc hương dù tươi sống nhưng không bao giờ bỏ thừa trong ao nên không gây ô nhiễm”. Cũng như nhiều người nuôi ốc hương khác, anh Châu tin rằng nếu COVID-19 giảm ảnh hưởng, thị trường xuất khẩu mở lại, giá cả tăng cao sẽ kích thích người nuôi trong tỉnh khôi phục diện tích nuôi ốc hương.
Bạch Thương
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.