Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 20/05/2020
Ngày cập nhật:
22/5/2020
Sinh ra và lớn lên tại xã Gio Mai, huyện Gio Linh, một trong những địa phương có nghề nuôi tôm lâu đời trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, khi thấy nghề nuôi tôm của địa phương ngày càng “xuống dốc” do ảnh hưởng của dịch bệnh, năm 2019, anh Hoàng Ngọc Tuấn ở tại thôn Mai Xá đã tự mày mò tìm hiểu và thực hiện thành công mô hình nuôi tôm “ao trong ao”. Tại thời điểm triển khai, đây được xem là mô hình nuôi tôm “ao trong ao” đầu tiên trên địa bàn tỉnh.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong ao
Vừa dẫn chúng tôi đi thăm khu nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong ao nổi của mình, anh Tuấn vừa cho biết, mặc dù đang rất thành công với nghề kinh doanh vật liệu xây dựng nhưng anh luôn trăn trở khi thấy người nuôi tôm trên địa bàn xã liên tiếp gặp khó khăn do tôm nuôi bị dịch bệnh. Qua tìm hiểu anh nhận thấy nguyên nhân tôm nuôi thường xuyên bị dịch bệnh là do mầm bệnh tồn tại trong đất, trong nguồn nước cấp vào ao và trong các ký chủ trung gian như cua, còng… Do vậy, để hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh thì giải pháp tốt nhất đó là phải “cách ly” được mầm bệnh, không để các loại vi rút, vi khuẩn gây bệnh xâm nhập được vào ao nuôi. Sau khi tham quan, học tập các mô hình nuôi tôm trên cát bằng ao tròn từ các tỉnh phía Nam, năm 2019 anh quyết định dồn toàn bộ số tiền hơn 1,2 tỉ đồng dành dụm được của gia đình mua lại một số ao nuôi tôm bỏ hoang ở khu vực Đồng Soi, xã Gio Mai để đầu tư xây dựng khu nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong ao nổi.
Anh Tuấn giải thích, thay vì lót bạt các ao nuôi có diện tích lớn rồi lấy nước vào thả nuôi như trước đây thì anh thiết kế các ao nuôi hình tròn, có diện tích nhỏ bằng khung thép không rỉ, phủ bạt HDPE, có đáy dạng hình phễu, vách đứng được đặt ngay trong lòng các ao nuôi cũ. Với tổng diện tích 2 ha, khu nuôi tôm siêu thâm canh của anh Tuấn gồm 4 ao nuôi hình tròn có đường kính 35m, chiều cao 1,2m; được trang bị đầy đủ hệ thống máy sục khí, ống dẫn khí, máy quạt nước, máy cho tôm ăn tự động… Ngoài ra còn có các ao cấp, ao xử lý nước và áp dụng kỹ thuật tách chất thải rắn, tái sử dụng nước, không chỉ tiết kiệm chi phí đầu tư mà còn hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường. Quy trình nuôi được chia làm 2 giai đoạn; giai đoạn 1, tôm giống được ương nuôi khoảng 30 ngày trong 1 ao nổi, mật độ nuôi khoảng 3.000 con/m2; giai đoạn 2, tôm giống được chuyển sang các ao nổi còn lại để nuôi thương phẩm, mật độ nuôi khoảng 300 con/ m2. Sau 90 - 100 ngày nuôi, tôm đạt trọng lượng khoảng 40 con/kg thì tiến hành thu hoạch. Anh Tuấn chia sẻ, ở vụ nuôi đầu tiên, với mật độ thả nuôi 300 con/m2, sau hơn 3 tháng nuôi tôm trong ao nổi đạt trọng lượng trung bình 40 con/kg, sản lượng đạt hơn 8 tấn. Trừ chi phí và khấu hao tài sản, anh thu lãi khoảng 300 triệu đồng. “Hiện nay tôi đang thả nuôi vụ tiếp theo và tôm đang phát triển rất thuận lợi”, anh Tuấn cho hay.
Mô hình nuôi tôm bằng ao nổi tuy mới du nhập vào Quảng Trị nhưng đã được áp dụng thành công tại các tỉnh phía Nam từ nhiều năm nay. Mô hình này có ưu điểm là không đòi hỏi diện tích lớn hàng ngàn mét vuông như quy trình nuôi ao vuông mà mỗi ao nổi hình tròn chỉ có diện tích từ 500 - 700 m2 được làm bằng khung sắt, lót bạt, đặt ngay trên bề mặt đất bằng phẳng, trên cát hoặc ngay trong lòng các ao nuôi cũ. Chi phí xây dựng chỉ bằng khoảng 1/3 so với đào ao vuông như trước đây. Diện tích ao nuôi nhỏ nên dễ quản lý, dễ xử lý các biến động của môi trường nước trong quá trình nuôi. Ao nuôi có hình tròn nên khi vận hành máy quạt nước tạo dòng chảy hướng tâm mạnh, vừa đảm bảo cho nước trong ao được đảo đều vừa làm các loại chất thải rắn như xác tôm chết, thức ăn thừa, phân tôm… dễ dàng tụ lại giữa đáy ao, thuận tiện cho việc thu gom và xử lý đúng quy trình kỹ thuật. Nhờ đó, nền đáy được giữ sạch sẽ suốt vụ nuôi, giảm thiểu vi khuẩn có hại và khí độc tích tụ trong môi trường ao nuôi. Bên cạnh đó, diện tích ao nổi nhỏ nên không đòi hỏi nhiều nhân công chăm sóc, không cần quá nhiều dàn quạt để tạo ra dòng chảy và cung cấp đủ ô xy cho ao nuôi cũng như thu gom chất thải. Mỗi ao chỉ cần lắp đặt 2 giàn quạt nước và 1 giàn sục khí là đủ, nhờ vậy chi phí vận hành quạt nước cũng được giảm đi đáng kể. Việc dễ quản lý môi trường, dịch bệnh, chăm sóc tôm còn hạn chế tối đa rủi ro trong quá trình nuôi so với ao vuông.
Anh Tuấn chia sẻ, làm ao nổi như thế này vừa tận dụng được các ao nuôi cũ đang bị bỏ hoang hoặc nuôi kém hiệu quả nhưng môi trường trong ao nổi vẫn tách biệt hoàn toàn với ao nuôi cũ, các loại ký chủ trung gian mang mầm bệnh như cua, còng… cũng không thể xâm nhập được. Người nuôi trước khi vào ao đều phải mang ủng, lội qua bể chứa dung dịch thuốc tím và khử trùng tay bằng cồn 70 độ để hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh.
Anh Tuấn cũng lưu ý, để nuôi tôm trong ao nổi đạt hiệu quả cao và mang tính bền vững, người nuôi cần phải tuân thủ đúng quy trình xử lý nguồn nước đầu vào qua ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng, cuối cùng là đến ao nuôi. Lựa chọn con giống sạch bệnh, có chất lượng cao. Trong quá trình nuôi, chất thải rắn từ các ao nổi phải được lắng lọc kỹ, thu gom thường xuyên, đây là một trong những yếu tố quan trọng mang lại sự thành công lâu dài. Cụ thể, nước thải trong ao nổi sau khi bơm lên ao tách chất thải rắn, phần vỏ tôm, xác tôm chết và thức ăn dư thừa được lọc qua túi lưới, thu gom vào bể chứa, dùng nước ngọt pha loãng và xử lý bằng men vi sinh để làm phân bón cho cây trồng. Đối với phần lọt qua lưới lọc là phân tôm và xác tảo chết được bơm vào ao lắng, xử lý bằng hóa chất và men vi sinh để tái sử dụng.
Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gio Linh Nguyễn Xuân Phương đánh giá, ngoài giảm chi phí đầu tư, mô hình nuôi tôm trong ao nổi theo mô hình “ao trong ao” này còn dễ dàng trong quá trình quản lý, chăm sóc, hạn chế tối đa nguy cơ ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Đây được xem là mô hình nuôi tôm bằng công nghệ mới với nhiều ưu điểm vượt trội, an toàn, bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế; có khả năng áp dụng rộng rãi do vốn đầu tư và quy trình kỹ thuật của mô hình ở mức độ vừa phải, phù hợp với điều kiện và khả năng các hộ nuôi tôm. Tùy theo điều kiện kinh tế từng hộ có thể thiết kế ao nuôi từ 200 - 700 m2. “Trong thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và PTNT sẽ tham mưu UBND huyện nhân rộng mô hình này ra địa bàn toàn huyện”, ông Phương khẳng định.
Lê An
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.