Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 22/05/2020
Ngày cập nhật:
24/5/2020
Nhiều năm qua, Bạc Liêu được xem là “thủ phủ” của nghề nuôi cá sấu, nhiều hộ nông dân đã đổi đời từ nuôi động vật hoang dã này. Thế nhưng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hiện nay giá cá sấu thương phẩm trên thị trường giảm thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Không chỉ rớt giá, đầu ra cho cá sấu thương phẩm cũng gặp nhiều khó khăn do thương lái không còn đến thu mua như trước. Điều này khiến cho người nuôi cá sấu rơi vào tình cảnh lao đao.
Trang trại nuôi cá sấu của nông dân huyện Phước Long. Ảnh: T.Q
CÀNG NUÔI CÀNG LỖ
Toàn tỉnh hiện có gần 1.400 hộ nuôi cá sấu với số lượng 230.000 con. Trong đó, huyện Phước Long là địa phương có đến 1.000 hộ nuôi với số lượng 190.000 con. Hiện nay, với tình trạng cá sấu rớt giá thảm hại (chỉ còn 60.000 - 65.000 đồng/kg), trong khi giá thức ăn cho cá lại tăng khiến người nông dân càng nuôi càng lỗ.
Thẫn thờ nhìn đàn cá sấu 150 con còn trong chuồng, bà Lê Cẩm Tiên (ngụ xã Phước Long, huyện Phước Long) chua xót nói: “Tiền mua cá sấu giống 450.000 đồng/con, nuôi 18 - 20 tháng cá mới đạt trọng lượng 15kg/con. Để đạt được trọng lượng như vậy, cá sấu phải ăn khoảng 100kg cá mồi (cá mồi giá 13.000 - 15.000 đồng/kg). Với giá cá sấu như hiện nay, mỗi con đạt trọng lượng 15kg bán được khoảng 1 triệu đồng, trong khi chi phí cá giống với cá mồi để nuôi cá sấu đạt loại 1 khoảng 1,8 triệu đồng/con, như vậy tôi lỗ 700.000 - 800.000 đồng/con. Ngoài ra còn phải tốn thêm tiền điện, công vệ sinh chuồng trại. Hết tháng này, nếu giá vẫn “dậm chân tại chỗ” thì tôi vẫn phải bán vì không thể cầm cự”.
Tương tự như bà Tiên, ông Ngô Thanh Kiếm (ngụ ấp Phước Ninh, xã Phước Long, huyện Phước Long) cũng đứng ngồi không yên vì đàn cá sấu 200 con đã quá lứa xuất bán (loại 2) nhưng vẫn nằm im chịu trận. Khó bán, giá lại thấp nên ông “siết” chế độ chăm sóc để giảm chi phí. Cá sấu nhỏ thì ông cho ăn hằng ngày, còn cá sấu quá lứa chỉ cho ăn 2 lần/tuần.
Theo chia sẻ của nhiều hộ nông dân, trong năm 2018 và đến giữa năm 2019, giá cá sấu dao động từ 130.000 - 150.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019 giá bắt đầu sụt giảm. Nhất là từ khi dịch COVID-19 xuất hiện vào đầu năm 2020 đã làm cho giá cá sấu lao dốc cho đến nay. Giá rẻ lại không có người thu mua, trước tình cảnh này, người nuôi đành phải bấm bụng tiếp tục nuôi để chờ giá tăng trở lại. Chờ nhưng cũng chẳng biết đến bao giờ, bởi thị trường tiêu thụ cá sấu chủ yếu là Trung Quốc nhưng thị trường này đã ngừng thu mua do tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, nếu tiếp tục nuôi chờ giá thì có thể thua lỗ nặng do chi phí khá cao. Điều này khiến nhiều hộ nuôi cá sấu đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan.
CẦN LIÊN KẾT TRONG CHĂN NUÔI
Giá cá sấu giảm không chỉ gây khó khăn cho những hộ chăn nuôi nhỏ, mà những trang trại, gia trại lớn với quy mô hàng chục ngàn con càng khổ sở, vất vả hơn.
Trang trại cá sấu Phương Tín của ông Trương Thanh Mai (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long) là nơi cung cấp cá sấu giống, nuôi và thu mua cá sấu thương phẩm lớn nhất Bạc Liêu. Ngoài xuất bán cá sấu nguyên con ở thị trường trong nước, ông còn xuất khẩu ở thị trường nhiều nước châu Âu, châu Á, nhất là Trung Quốc. Hiện trang trại của ông Mai có 40.000 con cá sấu, trong đó có gần 20.000 con đến lứa xuất bán.
Ông Mai bày tỏ: “Mấy tháng qua, do dịch COVID-19 bùng phát, các nước xuất khẩu đóng cửa, hàng ùn ứ nên tôi chỉ xuất bán quẩn quanh ở thị trường nội địa. Hiện, tôi chỉ nuôi, thu mua và sản xuất các sản phẩm thuộc da với số lượng hạn chế, chờ tình hình dịch bệnh ổn định mới tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh”.
“Đa phần nông dân nuôi cá sấu theo tính tự phát, nhỏ lẻ và tự tìm đầu ra sản phẩm - đây chính là vấn đề đáng lo ngại, bởi cá sấu thương phẩm chủ yếu là xuất khẩu. Trong khi đó muốn xuất khẩu cá sấu, người nuôi phải chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp, đúng tiêu chuẩn, đúng thế hệ F2… Còn nếu người dân đồng loạt nuôi theo kiểu tự phát, không có tính liên kết, không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm thì đến thời điểm thu hoạch rất khó bán và lại tiếp tục bị thương lái ép giá”, ông Nguyễn Văn Phúc - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, chia sẻ.
Theo ông Phúc, không chỉ trong mùa dịch bệnh mà thực tế đã qua, nghề nuôi cá sấu khá bấp bênh do các hộ nuôi không theo hình thức tập trung, thiếu liên kết về thị trường tiêu thụ nên giá cả đa phần phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Do đó, để đầu ra cá sấu ổn định, các hộ chăn nuôi cần phải liên kết với nhau, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã. Hơn hết, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật nuôi cá sấu và nhất là tìm đầu ra ở nhiều thị trường tiềm năng khác giúp cho đầu ra cá sấu ổn định hơn. Đồng thời, sớm thành lập hiệp hội cá sấu để có nơi bảo vệ quyền lợi cho các hộ nuôi, tránh cảnh giá cả bấp bênh như hiện nay. Có như thế thì mô hình này mới ổn định, góp phần tăng thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
MINH LUÂN
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.