Nguồn tin: Báo Thái Bình, 01/06/2020
Ngày cập nhật:
2/6/2020
Bước vào mùa nắng nóng, thời tiết thay đổi thất thường, nhiệt độ cao kèm theo mưa giông là những yếu tố bất lợi làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của các đối tượng thủy sản.
Người dân sử dụng máy quạt nước và hệ thống sục khí để tạo oxy trong ao nuôi tôm.
Để ứng phó kịp thời trước tác động của thời tiết, hạn chế thấp nhất rủi ro trong nuôi trồng thủy sản, ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh Thái Bình đang tích cực thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ các đối tượng thủy sản, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Hiện nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh hơn 15.500ha, trong đó: nước mặn hơn 3.000ha; nước lợ gần 3.500ha; nước ngọt gần 9.000ha. Ngoài ra, người dân các huyện, thành phố nuôi 602 lồng cá trên sông với tổng thể tích gần 67.000m3.
Ông Nguyễn Mạnh Khương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để chủ động bảo vệ các đối tượng thủy sản trước tác động bất lợi của thời tiết như nắng nóng, mưa bão, lũ, nước biển dâng, xâm nhập mặn..., Sở đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động biện pháp quản lý môi trường, sức khỏe thủy sản nuôi trong từng điều kiện cụ thể. Lựa chọn giống thủy sản có chất lượng tốt tại các cơ sở sản xuất, ương dưỡng đủ điều kiện theo quy định; mật độ thả nuôi thực hiện đúng theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Sau thả giống người dân tập trung chăm sóc, quản lý thủy sản nuôi theo quy trình kỹ thuật, phù hợp với từng loại hình mặt nước và điều kiện môi trường nuôi.
Gia đình bà Ngô Thị Nhẫn ở thôn Nam Tiến, xã Hồng Tiến (Kiến Xương) có 4,5 mẫu ao nuôi tôm. Bà Nhẫn cho biết: Trước đây nhà tôi chủ yếu nuôi cá thương phẩm, 3 năm gần đây chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng vì đây là đối tượng nuôi cho giá trị kinh tế cao. Mỗi năm nuôi 3 vụ tôm, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình tôi thu lãi gần 300 triệu đồng. Nuôi tôm cho hiệu quả kinh tế cao nhưng tôm có sức đề kháng kém, nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường, dễ phát sinh dịch bệnh. Những ngày nhiệt độ cao, gia đình tôi phải luôn duy trì mực nước trong ao nuôi từ 1,2 - 1,5m và tăng cường chạy quạt nước để tránh chênh lệch nhiệt độ giữa các tầng nước, từ đó hạn chế ảnh hưởng bất lợi của tình trạng nắng nóng. Khi xuất hiện những cơn mưa lớn làm cho mực nước trong ao dâng lên, ngoài việc xả bỏ nước tầng mặt, tôi còn sử dụng hệ thống sục khí để cung cấp thêm oxy cho tôm đồng thời định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học nhằm ổn định môi trường nước, hạn chế khí độc trong ao nuôi.
Theo khuyến cáo của Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), động vật thủy sản là những đối tượng nuôi nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết, đặc biệt trong mùa nắng nóng dễ ảnh hưởng đến sức khỏe làm giảm năng suất và sản lượng, vì vậy bà con cần lưu ý các biện pháp chăm sóc, quản lý. Đối với diện tích nuôi tôm, cá, để hạn chế nắng nóng, người nuôi sử dụng lưới đen che phủ 2/3 diện tích mặt ao bảo đảm cao hơn mặt nước trên 2m theo hình mái chóp hoặc mái bằng cố định vào cột bê tông; những ao nuôi nước ngọt có thể thả bèo tây chiếm 1/3 diện tích mặt ao làm chỗ trú nắng cho cá. Duy trì mực nước ao nuôi tối thiểu từ 1,2m trở lên; tăng cường sục khí, quạt nước, sử dụng chế phẩm vi sinh, men tiêu hóa, vitamin C, chất khoáng trộn vào thức ăn và vãi trực tiếp xuống ao nuôi để tăng sức đề kháng, cải thiện môi trường nước và phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản. Đối với diện tích nuôi ngao bãi triều cần tiến hành thu hoạch ngao đã đạt kích cỡ thương phẩm; hàng ngày kiểm tra, san lấp các vũng nước đọng trên mặt bãi tránh nhiệt độ tăng cao cục bộ gây chết ngao; san thưa mật độ ngao dồn vào chân vây, vệ sinh vây, lưới tạo độ thông thoáng cho nước triều lên xuống cung cấp nguồn thức ăn cho ngao. Đối với cá nuôi trong lồng, bè cần thường xuyên vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ và thông thoáng để lưu thông nước trong và ngoài lồng; kiểm tra, tu sửa bảo đảm lồng nuôi luôn vững chắc, đậy nắp lồng để tránh thất thoát cá ra ngoài; hạ thấp lồng nuôi bảo đảm độ sâu luôn ở mức 2,5 - 3m; dùng vôi bột cho vào túi vải treo ở các góc lồng nuôi để phòng bệnh cho cá.
Thanh Huyền
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.