Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai, 10/06/2020
Ngày cập nhật:
14/6/2020
Để giám sát chặt chất lượng nguồn nước, kịp thời đưa ra cảnh báo môi trường đối với các địa phương, người dân, giảm thiểu rủi ro, Đồng Nai sẽ tăng cường tần suất quan trắc tại các khu vực nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Khu vực nuôi cá bè trên sông La Ngà, H.Định Quán là một trong những khu vực sẽ được thực hiện quan trắc chất lượng môi trường nước với tần suất cao
Chất lượng môi trường nước thích hợp nuôi trồng thủy sản
Trên địa bàn tỉnh hiện có 32 ngàn ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt chiếm đa số với hơn 30 ngàn ha, số còn lại là nước lợ.
Với mục tiêu giám sát chất lượng nguồn nước, kịp thời đưa ra khuyến cáo đối với người nuôi trồng thủy sản, những năm qua, Đồng Nai luôn thực hiện quan trắc chất lượng nước tại các khu vực nuôi trồng thủy sản.
Theo Sở TN-MT, trong năm 2019, Đồng Nai đã triển khai thực hiện thu mẫu nước cảnh báo môi trường và dịch bệnh thủy sản tại các thủy vực trong điểm trên địa bàn tỉnh bao gồm: khu vực bè cá trên sông Cái (TP.Biên Hòa) với 12 đợt; khu vực hồ Trị An, làng bè La Ngà - Định Quán (H.Định Quán) với 16 đợt; khu vực ngập mặn H.Long Thành và H.Nhơn Trạch với 10 đợt và các ao nuôi tôm, cá tại các xã Trà Cổ (H.Tân Phú), xã Thiện Tân, Mã Đà (H.Vĩnh Cửu), xã La Ngà, Phú Ngọc (H.Định Quán), xã Phước An (H.Nhơn Trạch).
Kết quả quan trắc cho thấy, hầu hết các thông số quan trắc chất lượng môi trường nước như: nhiệt độ, độ mặn, độ PH đều thích hợp cho việc nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, tại một số thời điểm quan trắc, nhiều thông số vẫn vượt ngưỡng cho phép (theo QCVN 08-MT2015/BTNMT).
Cụ thể, vào thời điểm tháng 11-2019, hàm lượng ô xy hòa tan (DO) có xu hướng giảm thấp không phù hợp với nuôi trồng thủy sản tại một số khu vực như: khu nuôi cá bè trên sông Cái, khu vực ngập mặn tại H.Long Thành và Nhơn Trạch. Đặc biệt, tại khu vực nuôi cá bè tập trung trên sông Cái, hàm lượng DO thời điểm này được ghi nhận không đạt ngưỡng giá trị cho phép.
Tăng tần suất quan trắc
Khu vực nuôi cá bè trên sông La Ngà, H.Định Quán là một trong những khu vực sẽ được thực hiện quan trắc chất lượng môi trường nước với tần suất cao
Để giám sát chặt chẽ chất lượng nguồn nước, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2020.
Có 4 khu vực nuôi trồng thủy sản lớn sẽ thực hiện quan trắc chất lượng nước bao gồm: khu vực nuôi cá bè trên sông Cái, khu vực nuôi cá bè H.Định Quán (gồm các xã La Ngà, Phú Ngọc, Thanh Sơn, Ngọc Định), khu vực ngập mặn H.Long Thành, Nhơn Trạch và khu vực nuôi thủy sản thâm canh các H.Vĩnh Cửu, H.Định Quán, H.Tân Phú.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết, việc quan trắc nhằm mục đích đánh giá diễn biến chất lượng của môi trường nuôi trồng thuỷ sản trên những vùng trọng điểm được quan trắc. Từ đó, kịp thời đưa ra những cảnh báo, khuyến cáo đến người nuôi khi có những diễn biến bất thường của môi trường hoặc nguy cơ ô nhiễm, suy thoái môi trường nước nuôi thủy sản. “Kết quả quan trắc kết hợp với những khuyến cáo về lịch thả giống sẽ giúp cho người nuôi nắm được diễn biến môi trường nước, nhận biết các yếu tố môi trường bất lợi để giúp cho người nuôi có kế hoạch lấy nước vào ao, xử lý nước, thả giống và quản lý vùng nuôi thích hợp”- Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho hay.
So với năm 2019, tần suất quan trắc chất lượng nguồn nước tại các khu vực nuôi trồng thủy sản cũng được gia tăng hơn. Cụ thể, đối với khu vực nuôi cá bè trên sông Cái sẽ thực hiện 24 lần/năm; khu vực nuôi cá bè H.Định Quán 18 lần/năm; khu vực ngập mặn H.Long Thành, Nhơn Trạch 24 lần/năm và khu vực các ao nuôi thâm canh tại các H.Vĩnh Cửu, H.Định Quán, H.Tân Phú 6 lần/năm.
Theo ông Trần Trọng Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT), tần suất quan trắc tại các khu vực được dựa trên nguyên tắc, những nơi nguy cơ ô nhiễm nguồn nước cao sẽ quan trắc liên tục, qua đó kịp thời phát hiện những bất thường trong môi trường nước, đưa ra cảnh báo phù hợp, giúp người nuôi trồng thủy sản kịp thời ứng phó. Những nơi chất lượng nước tốt, tần suất quan trắc giảm song vẫn đảm bảo để cơ quan chức năng kịp thời phát hiện bất thường.
Ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, việc tăng cường công tác quan trắc, giám sát tại các khu vực nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết. Hiện nay, nuôi trồng thủy sản là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành nông nghiệp tỉnh. Tuy nhiên, những năm qua, tình trạng thủy sản nuôi bị chết hàng loạt cũng gây thiệt hại nặng đối với người nuôi mà nguyên nhân chủ yếu đến từ chất lượng nguồn nước phục vụ nuôi trồng. “Việc tăng cường quan trắc sẽ giúp phát hiện kịp thời các nguy cơ ô nhiễm từ đó đưa ra những cảnh báo đối với người nuôi để có thể giảm thiểu các thiệt hại”- ông Lê Văn Gọi nhấn mạnh.
Theo UBND tỉnh, tổng kinh phí để thực hiện kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2020 là hơn 470 triệu đồng.
Nam Vũ
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.