Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 15/06/2020
Ngày cập nhật:
16/6/2020
Vào mùa hè, nắng nóng cùng diễn biến thất thường của thời tiết khiến môi trường nước bị ảnh hưởng, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh, gây bệnh và làm giảm sức đề kháng của thủy sản nuôi. Để chủ động phòng, chống nắng nóng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thời tiết gây ra đối với sản xuất thủy sản trong mùa mưa bão, trước những khuyến cáo của ngành chức năng, các cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản (NTTS) tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang triển khai nhiều giải pháp tích cực.
Gia đình anh Phạm Hồng Oanh, xã Tam Hồng (Yên Lạc) tăng cường vận hành máy quạt nước đảm bảo oxy cho cá trong những ngày nắng nóng. Ảnh: Thế Hùng
Quản lý ao nuôi và môi trường nước
Là địa phương có diện tích NTTS lớn nhất tỉnh và có nhiều vùng trũng, khi xảy ra mưa lớn, kéo dài, mực nước trên sông Phan dâng cao, huyện Vĩnh Tường bị ảnh hưởng, thiệt hại khá lớn. Điển hình như năm 2018, từ ngày 28/8-3/9, do ảnh hưởngcủa vùng áp thấp, trên địa bàn huyện xảy ra mưa lớn cục bộ, không chỉ làm nhiều loại cây trồng bị ngập mà còn khiến hơn 208 ha thủy sản của huyện bị tràn bờ, thất thoát nhiều tôm, cá... thiệt hại lớn về kinh tế. Bởi vậy, công tác phòng, chống nắng nóng, bảo vệ thủy sản mùa mưa bão được huyện đặc biệt quan tâm.
Theo dự báo, tình hình thời tiết năm 2020 có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Trên khu vực biển Đông, dự báo có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 5-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Mùa hè năm nay, dự báo nắng nóng sẽ kéo dài, nhiệt độ phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 0,5 - 1 độ C gây ảnh hưởng bất lợi cho sản xuất nông nghiệp nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng.
Trước những nguy cơ đó, ngay từ tháng 5, huyện Vĩnh Tường đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm Chăn nuôi và Thú y phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, các hội nghị, hội thảo... về tác hại của thời tiết nắng nóng, mưa bão đối với sản xuất thủy sản và các biện pháp phòng, chống theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp; chỉ đạo cán bộ chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các vùng NTTS, đặc biệt là các vùng có nguy cơ bị ngập úng khi mưa lớn xảy ra, trực tiếp hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống.
Với 3,5 ha mặt nước nuôi cá, hàng năm, gia đình anh Vũ Trung Học, thị trấn Thổ Tang thu hoạch khoảng 70 tấn cá, cho thu lãi hàng trăm triệu đồng. Với quy mô nuôi lớn như vậy, công tác chăm sóc, bảo vệ đàn cá được anh Học coi trọng hàng đầu.
Theo anh Học, nhiệt độ là một trong các thông số quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của cá nuôi. Nhiệt độ nước mặt từ 22 - 28 độ C là điều kiện lý tưởng cho đàn cá sinh trưởng và phát triển.
Những ngày nhiệt độ ngoài trời lên hơn 40 độ C thì trên các ao nuôi nhiệt độ cũng sẽ tăng cao lên tới hơn 36 độ C, sẽ dẫn tới hiện tượng thiếu oxy dưới tầng đáy cũng như xuất hiện các loại khí độc khiến cá, các loại thủy sản dễ bị sốc nhiệt, ngộ độc, các loại dịch bệnh dễ phát sinh và lây lan. Bởi vậy, anh Học thường xuyên kiểm tra đàn cá khi thời tiết thay đổi, sử dụng các loại chế phẩm để phân hủy mùn bã hữu cơ, tăng cường oxy và thải loại khí độc trong ao; luôn đảm bảo mực nước sâu trong ao từ 1,5 - 2m để giảm bớt sự sốc nhiệt do chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm; bổ sung vitamin C và các khoáng chất để tăng sức đề kháng cho cá...
Đồng thời, trước mùa mưa bão tới gần, cùng với việc tiến hành kiểm tra và tu bổ lại bờ ao chắc chắn đảm bảo giữ được nước, anh Học chuẩn bị máy phát điện, máy sục khí, máy bơm tiêu úng... đề phòng khi mực nước trong ao nuôi dâng cao.
Đảm bảo các điều kiện nuôi trồng thủy sản
Để ngành thủy sản ổn định sản xuất, Chi cục Thủy sản khuyến cáo các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh liên tục cập nhật, theo dõi diễn biến của thời tiết để chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn.
Chuẩn bị các điều kiện, vật tư để dùng trong trường hợp cần thiết khi mưa lũ xảy ra như lưới, đăng chắn, cọc tre, bao cát, máy bơm tiêu úng…; thu hoạch thủy sản đạt kích cỡ thương phẩm đối với khu vực xung yếu, hay ngập lụt; kiểm tra lại bờ cống, bờ ao phải đắp cao hơn mức nước cao nhất 0,5 m trở lên; đặt ống xả tràn để thoát nước khi mưa lũ kéo dài và khi mực nước trong ao quá lớn; định kỳ xử lý môi trường nước giúp cá sinh trưởng ổn định và hạn chế nhiễm bệnh...
Trong những ngày nắng nóng, cần bổ sung men tiêu hóa, vitamin C vào thức ăn giúp tăng sức đề kháng cho cá, tăng khả năng chịu đựng với sự thay đổi của các yếu tố môi trường...
Phòng chống nắng, nóng và bảo vệ thủy sản mùa mưa bão là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết giúp cho việc sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định và bền vững. Các hộ nuôi trồng cần theo dõi sát sao tình hình thời tiết, mực nước trên các ao hồ để thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, đảm bảo an toàn cho diện tích thủy sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Lưu Nhung
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.