• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cần quản lý các yếu tố môi trường và tuân thủ chặt chẽ quy trình nuôi tôm để phòng dịch bệnh

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 07/07/2020
Ngày cập nhật: 8/7/2020

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh Sóc Trăng đã xuất hiện các đợt mưa lớn nên môi trường ao nuôi tôm biến động, đã có hơn 1.500ha tôm nuôi bị thiệt hại, chiếm 6,5% diện tích thả nuôi. Trước tình hình nêu trên, phóng viên (PV) Báo Sóc Trăng đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đào Văn Bảy - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng một số vấn đề về phòng, chống dịch bệnh tôm nuôi.

PV: Xin đồng chí cho biết tình hình nuôi tôm ở tỉnh Sóc Trăng hiện nay như thế nào?

Đồng chí Đào Văn Bảy: Từ đầu năm đến nay, diện tích tôm nước lợ thả nuôi trên toàn tỉnh hơn 22.980ha (gồm 6.210ha tôm sú và trên 16.770ha tôm thẻ), đạt 46% kế hoạch. Diện tích tôm nuôi bị thiệt hại là 1.505 ha, chiếm 6,5% diện tích thả nuôi. Một số địa phương có diện tích tôm thiệt hại nhiều gồm: Gia Hòa 1 (213ha), Hòa Tú 2 (143ha), Tham Đôn (105 ha), Ngọc Đông (91ha) thuộc huyện Mỹ Xuyên; Trung Bình (84ha) thuộc huyện Trần Đề và Hòa Đông (94ha), Khánh Hòa (108ha) thuộc TX. Vĩnh Châu.

PV: Việc giám sát tại các ao nuôi bị thiệt hại (giám sát bị động) và kết quả xét nghiệm trên tôm giống như thế nào thưa đồng chí?

Đồng chí Đào Văn Bảy: Việc giám sát tại các ao nuôi bị thiệt hại (giám sát bị động) đã thu mẫu giám sát tại các ao nuôi bị thiệt hại trên địa bàn các xã: Liêu Tú (Trần Đề), Vĩnh Hiệp (TX. Vĩnh Châu), Ngọc Tố, Ngọc Đông, Hòa Tú 1 (Mỹ Xuyên). Kết quả như sau: bệnh đốm trắng với tỷ lệ dương tính trên mẫu bệnh phẩm 14,3%; mẫu dương tính kép bệnh đốm trắng tại xã Mỹ Thuận (Mỹ Tú); hội chứng hoại tử gan tụy cấp với tỷ lệ dương tính trên mẫu bệnh phẩm là 85,7%. Các mẫu dương tính với bệnh hoại tử gan tụy cấp thu tại các xã Hòa Tú 1 (1 mẫu), Ngọc Đông (1 mẫu), Ngọc Tố (1 mẫu), Vĩnh Hiệp (1 mẫu), xã Liêu Tú (1 mẫu). Đối với kết quả xét nghiệm trên tôm giống thì hội chứng hoại tử gan tụy cấp (AHPND) đã xét nghiệm 85 mẫu, có 24 mẫu dương tính (chiếm tỷ lệ 28,2%). Vi bào tử trùng đã xét nghiệm 26 mẫu, có 6 mẫu dương tính (tỷ lệ 23%), tất cả mẫu dương tính đều là tôm thẻ. Các mẫu dương tính ở xã An Thạnh 3 (1 mẫu), xã Trung Bình (1 mẫu), xã Lịch Hội Thượng (4 mẫu).

PV: Với tình hình nêu trên thì cơ quan chăn nuôi và thú y tỉnh có những cảnh báo gì đến bà con nuôi tôm?

Đồng chí Đào Văn Bảy: Đối với vùng nuôi thì qua kết quả giám sát trong thời gian qua, bệnh trên tôm nuôi nước lợ hiện nay chủ yếu là hoại tử gan tụy cấp. Bệnh hoại tử gan tụy cấp có chiều hướng tăng cao hơn mọi năm và xuất hiện liên tục từ đầu vụ nuôi đến nay. Các vùng nuôi có xảy ra dịch bệnh như: Mỹ Thuận (Mỹ Tú); Hòa Tú 1, Ngọc Đông, Ngọc Tố (Mỹ Xuyên); Vĩnh Hiệp (TX. Vĩnh Châu); Liêu Tú, xã Lịch Hội Thượng (Trần Đề). Ngoài ra, bệnh phân trắng đang có xu hướng tăng tại một số xã Vĩnh Hiệp, Hòa Đông của TX. Vĩnh Châu.

Với tình hình như trên thì các hộ nuôi tôm có diện tích thiệt hại không được xả nước ra môi trường bên ngoài, nên xử lý ao nuôi bằng thuốc sát khuẩn theo hướng dẫn của ngành thú y; các hộ nuôi xung quanh khu vực có dịch bệnh không lấy nước trực tiếp vào ao nuôi; lấy nước từ ao lắng và có sử dụng thuốc sát khuẩn, diệt giáp sát triệt để trước khi đưa vào ao nuôi. Nên ngưng thả giống mới, khi tình hình dịch bệnh ổn định và điều kiện môi trường thuận lợi mới thả nuôi tiếp.

Còn đối với tôm giống: tỷ lệ mẫu dương tính đối với bệnh hoại tử gan tụy cấp và vi bào tử khá cao. Do đó, con giống trước khi thả nuôi phải được xét nghiệm bằng phương pháp PCR.

PV: Để vụ nuôi tôm năm nay đạt kết quả cao thì ngành Chăn nuôi và Thú y tỉnh có những khuyến cáo gì phòng bệnh trên tôm?

Đồng chí Đào Văn Bảy: Hiện nay đang vào đầu mùa mưa, xuất hiện các đợt mưa lớn nên môi trường ao nuôi biến động. Các hộ nuôi cần phải quản lý các yếu tố môi trường trong ao nuôi như: pH, độ kiềm, nhiệt độ, ôxy hòa tan, khí độc... hạn chế gây biến động lớn các yếu tố môi trường ao và điều chỉnh nằm trong giới hạn cho phép; có ao lắng hoặc tận dụng các ao không nuôi để trữ nước, xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi; không nên thay nước trực tiếp từ bên ngoài; xét nghiệm giống bằng phương pháp PCR trước khi thả nuôi; thả mật độ phù hợp với khả năng đầu tư và trình độ quản lý của nông hộ; kết hợp thả nuôi cá rô phi trong ao lắng (từ 300 - 350 con/1.000m2) để xử lý môi trường và góp phần hạn chế dịch bệnh. Thường xuyên kiểm tra mật độ vi khuẩn vibrio trong nước ao nuôi. Nếu phát hiện mật độ tăng cao cần tiến hành diệt khuẩn hoặc bón vi sinh với liều gấp đôi để khống chế mật độ vibrio.

Ngoài ra, bà con cần phòng bệnh “Hoại tử gan tụy cấp”. Theo đó, ao phải được vệ sinh kỹ loại bỏ mùn bã hữu cơ dưới đáy ao, con giống trước khi thả phải xét nghiệm bằng phương pháp PCR để loại bỏ những tôm giống nhiễm bệnh, trong quá trình nuôi định kỳ 2 lần/tuần lấy mẫu tôm, nước, bùn kiểm tra vibrio tổng số và vibrio parahaemolyticus mang gen gây bệnh. Nếu kiểm tra mẫu nước hoặc bùn ao nuôi phát hiện vi khuẩn vibrio tổng số vượt quá giới hạn cho phép (>103 cfu/ml) cần thực hiện các biện pháp điều chỉnh, làm giảm số lượng vi khuẩn vibrio trong ao như sử dụng các chế phẩm sinh học (Bacillus spp và Lactobacillus sp...) hoặc các loại hóa chất diệt khuẩn được phép lưu hành. Nếu phát hiện vibrio parahaemolyticus mang gen động lực gây bệnh nhưng tôm chưa chết thì phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, tăng sức đề kháng cho tôm, sử dụng men vi sinh để phân hủy mùn bã hữu cơ trong ao (kết hợp xi phông đáy ao), sử dụng vi sinh trong khẩu phần thức ăn hàng ngày, giữ ổn định các yếu tố môi trường, tránh sự biến động, tăng ôxy trong ao…

PV: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

Quang Bình (thực hiện)

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang