Nguồn tin: Báo Long An, 16/07/2020
Ngày cập nhật:
18/7/2020
Sáng 15/7, tại huyện Mộc Hóa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Long An - Nguyễn Thanh Truyền chủ trì hội thảo "Đánh giá việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt và giải pháp quản lý”.
Hội thảo đánh giá việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt và giải pháp quản lý
Hội thảo nhằm đánh giá việc nuôi tôm thẻ chân trắng sử dụng nước ngầm ở vùng Đồng Tháp Mười sẽ gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái, gây mặn hóa vùng nuôi, ô nhiễm nước ngầm và về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa và các cây trồng xung quanh.
Từ lâu, vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An được biết đến là vùng nuôi thủy sản nước ngọt như cá lóc, cá trê, cá tra,... Tuy nhiên, vào năm 2018, người dân xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa tự đào ao từ đất lúa để nuôi tôm thẻ chân trắng, khai thác nguồn nước ngầm mặn tại chỗ kết hợp bổ sung muối vào ao nuôi chỉ với 3ha. Lợi nhuận ban đầu cao gấp nhiều lần so với làm lúa, lợi nhuận trung bình 500 - 700 triệu đồng/vụ/ha. Từ đó lan rộng ra một số xã lân cận của huyện Mộc Hóa và các huyện Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Kiến Tường, Tân Hưng cuối năm 2019. Hiện nay, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tăng lên rất nhanh (92,74ha).
Tại hội thảo, các ngành chức năng cũng cho biết, hoạt động nuôi tôm thẻ chân trắng của người dân hiện nay là tự phát, không có quy hoạch, định hướng của chính quyền địa phương nên việc chuyển mục đích từ đất trồng lúa sang nuôi tôm thẻ chân trắng là tự ý không tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai, tự ý khoan giếng khai thác nước mặn để phục vụ nuôi tôm cũng không đúng quy định. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng nuôi tôm không phù hợp, chi phí đầu tư trong quá trình nuôi cao, nguy cơ bùng phát dịch bệnh mọi thời điểm và khó kiểm soát về lâu dài sẽ dẫn đến thiệt hại lớn cho người dân.
Nông dân nêu ý kiến tại hội thảo
Theo Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa - Lâm Hòa Xứng, hiện, diện tích nuôi tôm thẻ của huyện do người dân tự đào ao nuôi khoảng 46ha và 67 giếng khoan trái phép. Trước tình hình trên, UBND huyện triển khai các văn bản của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh, các sở, ngành tỉnh về tăng cường quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng. Xử lý nghiêm các trường hợp đào ao, khoan giếng trái phép để nuôi tôm; tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tục đào ao và thả nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt, chuyển đổi sang nuôi đối tượng thủy sản nước ngọt khác. Riêng Điện lực Mộc Hóa không giải quyết cấp điện cho các hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt trên địa bàn.
Hiện nay, trước tác hại của nuôi tôm nước lợ trong vùng ngọt hóa, Giám đốc Sở NN&PTNT – Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Ngành Nông nghiệp đã kiến nghị UBND tỉnh có chỉ đạo không chủ trương cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng có sử dụng muối, khoan giếng lấy nước mặn để tạo môi trường nước mặn nuôi tôm thẻ. Đồng thời, ngành đề nghị các địa phương tập trung kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất sang đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Đối với những diện tích đã đào ao nuôi thì địa phương tiếp tục vận động người dân nuôi đối tượng thủy sản nước ngọt khác”./.
Huỳnh Phong
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.