Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 17/01/2020
Ngày cập nhật:
20/1/2020
Nuôi trồng thủy sản (NTTS) được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bạc Liêu, đặc biệt là lĩnh vực nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở nuôi tôm có diện tích và quy mô lớn. Tuy nhiên, ngành nghề này cũng đặt ra nhiều thách thức và tác động không nhỏ đến môi trường, nhất là việc lạm dụng hóa chất trong cải tạo ao đầm và xử lý chất thải trong quá trình nuôi tôm.
Khó kiểm soát, quản lý
Từ khi thực hiện chuyển đổi sản xuất cho đến nay, diện tích NTTS không ngừng tăng cao, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận là ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) của hộ nuôi tôm, nhất là hộ nuôi tôm siêu thâm canh chưa thật sự tốt.
Thông qua việc khảo sát, lấy mẫu và phân tích chất lượng nước của ngành Tài nguyên - Môi trường (TN&MT) tỉnh cho thấy, nhiều nơi môi trường nước, đất bị ô nhiễm nặng nề và tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái. Ô nhiễm môi trường từ việc cải tạo, xử lý và lạm dụng các loại hóa chất, kháng sinh cấm trong cải tạo, xử lý nước để nuôi tôm; xả thải bùn từ ao nuôi tôm trực tiếp ra các kênh nội đồng; hay khi tôm bệnh chết, người nuôi cũng xả thải nước ô nhiễm ra các kênh nội đồng. Từ đó tạo nên vòng luẩn quẩn: người thải nước ô nhiễm, người lại lấy nguồn nước ô nhiễm để nuôi tôm làm dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Đối với dự án đầu tư xây dựng cơ sở NTTS, trước đây quy định diện tích mặt nước từ 5.000m2 phải xây dựng kế hoạch BVMT. Còn hiện nay, theo quy định mới thì diện tích mặt nước từ 5ha đến dưới 10ha mới thực hiện kế hoạch BVMT. Trong khi thực tế nuôi tôm trên địa bàn tỉnh (theo quy mô nông hộ) thì có diện tích nhỏ, nhưng lượng nước xả thải thì rất lớn. Nếu không có kế hoạch BVMT thì rất khó quản lý và giám sát. Những bất cập này đã gây tác động xấu đến môi trường trong NTTS và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững.
Sở TN&MT phối hợp với địa phương nghiệm thu hệ thống xử lý nước thải của một hộ nuôi tôm công nghiệp ở huyện Đông Hải. Ảnh: C.L
Cần sớm tháo gỡ
Trước vấn nạn ô nhiễm môi trường, việc BVMT sản xuất để phát triển bền vững được xem là quan điểm chỉ đạo nhất quán và được cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Ngày 5/4/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 14 quy định BVMT trong hoạt động NTTS.
Theo đó, hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động NTTS phải được xây dựng đồng bộ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Hệ thống kênh, mương cấp nước và xả nước thải phải đảm bảo theo quy định của ngành Thủy sản cũng như các điều kiện về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định khác có liên quan. Tùy theo quy hoạch nuôi thủy sản, điều kiện tự nhiên của khu vực mà cơ sở nuôi chọn đối tượng và hình thức nuôi hợp lý, nhưng phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật nuôi, các quy chuẩn của ngành Thủy sản.
Đối với xử lý nước thải và chất thải rắn, tùy thuộc vào điều kiện quy mô và loại hình hoạt động mà sử dụng các biện pháp xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vệ sinh phòng dịch theo quy định của pháp luật về BVMT, vệ sinh thú y. Riêng xử lý nước thải, hệ thống cấp nước, thoát nước thải phải luôn thông thoáng, được sên vét, cải tạo thường xuyên, đảm bảo không bị bồi lắng, tồn đọng gây tác động xấu đến môi trường và hoạt động sản xuất, canh tác của khu vực.
Việc xử lý chất thải rắn, chất thải phát sinh trong NTTS phải được thu gom, xử lý triệt để bằng các biện pháp thích hợp. Đối với lượng bùn thải và xác vật nuôi phải được thu gom xử lý triệt để theo quy định của pháp luật về chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại, đảm bảo không để phát tán mầm bệnh, vi sinh vật làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, canh tác trong khu vực.
Một trong những nguyên nhân khiến nhiều hộ nuôi tôm xả thải trực tiếp ra môi trường là do diện tích nuôi quá nhỏ, không có đất xây dựng hệ thống xử lý nước; vốn đầu tư hệ thống xử lý nước lại khá lớn. Để góp phần BVMT và hướng đến phát triển bền vững, không chỉ cơ quan chức năng mà các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực NTTS cần phải nâng cao trách nhiệm, thực hiện tốt các quy định về BVMT; vận động cộng đồng xã hội tham gia các hoạt động BVMT.
Mới đây, phát biểu chỉ đạo tại buổi triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020 của ngành TN&MT tỉnh, ông Lê Minh Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nhấn mạnh: “Ngành TN&MT cần tập trung kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về TN&MT để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh chỉnh sửa, bổ sung và ban hành mới. Tăng cường công tác quản lý môi trường, đặc biệt là trong lĩnh vực nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao có diện tích dưới 5ha. Kiên quyết xử lý những trường hợp xả thải gây ô nhiễm môi trường để đảm bảo sự phát triển bền vững trong lĩnh vực NTTS trên địa bàn tỉnh.
Chí Linh
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.