Nguồn tin: Báo Bắc Ninh, 20/07/2020
Ngày cập nhật:
22/7/2020
Nuôi trồng thủy sản là nghề phải đối diện nhiều rủi ro bởi ảnh hưởng của thời tiết, môi trường, nhất là trong mùa mưa bão. Để giảm thiểu thiệt hại cho nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão, ngành Nông nghiệp Bắc Ninh chủ động chỉ đạo người dân triển khai các biện pháp bảo vệ thủy sản.
Những năm gần đây, tận dụng diện tích mặt nước sông Đuống chảy qua địa bàn, nhiều hộ nông dân ở xã Đức Long (Quế Võ) đầu tư hàng trăm lồng nuôi cá trên sông, đem lại thu nhập, hiệu quả kinh tế hàng trăm triệu đồng/năm cho nhiều hộ dân. Tuy nhiên, việc nuôi cá lồng trên sông có nhiều rủi ro, nhất là trong mùa mưa bão vì nguy cơ vỡ lồng, nước sông ô nhiễm. Ông Vũ Văn Chiến, thôn Kiều Lương, xã Đức Long (Quế Võ) cho biết: “Gia đình tôi hiện nuôi 30 lồng cá trên sông bao gồm các loại: Trắm cỏ, lăng, chép, Diêu hồng, ngạnh, lăng chấm… Để bảo vệ lồng bè, ngay từ khi bắt đầu bước vào mùa mưa bão, gia đình đã tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp bảo đảm an toàn cho các lồng cá. Cùng với việc chủ động thu hoạch, xuất bán lứa cá lớn, gia đình đầu tư mua thêm thùng phao nổi, gia cố lại trụ cột, thay mới những tấm lưới cũ, rách. Đồng thời tăng sức đề kháng cho cá, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, bảo đảm môi trường sống tốt, tránh dịch bệnh”. Là một trong những hộ nuôi cá có quy mô lớn theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Trần Văn Cương, thôn Tháp Dương, xã Trung Kênh (Lương Tài) định kỳ 2 tuần một lần cá được bắt lên để cân đo, các thông số được ghi chép cẩn thận. Đây là cơ sở để đánh giá mức độ phát triển của cá so với thời điểm trước đó nhằm định hướng khối lượng thức ăn cho phù hợp với từng giai đoạn, giảm thiểu tỷ lệ thất thoát thức ăn cũng như tránh việc thức ăn dư thừa, ảnh hưởng đến môi trường nước. Tất cả các hoạt động, khả năng ăn mồi của cá nuôi; các yếu tố môi trường nước, pH, độ trong, nhiệt độ, các loại địch hại cũng được theo dõi và kiểm tra hàng ngày. Định kỳ 10-12 ngày ao được khử trùng bằng vôi bột, chế phẩm vi sinh nhằm duy trì màu nước, ổn định pH. Ông Cương cho biết: “Ngoài việc chăm sóc, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho cá, công tác bảo vệ ao nuôi trong mùa mưa bão cũng rất quan trọng. Ngay từ đầu mùa mưa bão, gia đình đã chủ động gia cố, sửa chữa bờ bao, cống lấy nước, hạn chế hư hỏng, sạt lở làm thất thoát cá. Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp thu hoạch, bảo vệ kịp thời”.
Hiện nay, đang là mùa mưa bão nên nông dân các địa phương tập trung cao cho các biện pháp bảo vệ thủy sản nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra. Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Thành Chung: Để chủ động bảo vệ thủy sản, Chi cục đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp (Kinh tế), Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn, tuyên truyền đến các hộ nuôi cá lồng trên sông tu sửa, gia cố lại hệ thống phao nổi, dây neo, trụ tời, cột cố định lồng, hệ thống lưới bao quanh lồng, hệ thống đường đi lại trên lồng, đặc biệt là hệ thống neo cụm lồng và dây điện cấp xuống lồng. Yêu cầu các hộ chủ động dự trữ đầy đủ thức ăn cho cá, thuốc, hóa chất và các vật dụng cần thiết khác đề phòng mưa bão vận chuyển khó khăn hoặc không vận chuyển được ra lồng. Trong mùa mưa bão, nước từ thượng nguồn đổ về, kèm theo chất thải nhiều, cá nuôi dễ mắc các bệnh về ký sinh trùng, bệnh đường ruột, vì vậy để phòng bệnh cho cá nuôi, các hộ phải thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng, kết hợp cho cá ăn thuốc phòng bệnh để tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mực nước lũ trên các sông và tình hình mưa bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động đối phó nhằm bảo vệ thuỷ sản nuôi một cách hiệu quả. Đối với các chủ hộ nuôi trồng thủy sản trong ao đất tiến hành kiểm tra đan cống chắc chắn, đắp cao và gia cố lại bờ ao thấp, yếu, bảo đảm độ cao, chủ động tháo rút nước trong ao, đầm khi có mưa lớn, đề phòng nước tràn bờ, giảm thiểu thiệt hại xảy ra. Đối với các ao nuôi tại các bãi ven sông, các vùng trũng có nguy cơ xảy ra ngập úng thường xuyên kiểm tra ao, nếu cá đến kỳ thu hoạch, phải xuất bán không để cá thất thoát do ngập úng.
Có thể khẳng định đến thời điểm hiện tại, đa số diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh đã được nông dân triển khai các biện pháp bảo vệ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra. Tuy nhiên, để tránh rủi ro, thiệt hại có thể xảy ra đối với nuôi trồng thủy sản, người chăn nuôi vẫn cần nêu cao ý thức, chủ động thực hiện nghiêm chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương về bảo đảm an toàn cho đàn thủy sản trong mùa mưa bão.
Nguyễn Tuấn
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.