Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 20/07/2020
Ngày cập nhật:
25/7/2020
Để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho ngành Nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 885 phê duyệt “Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030”. Đây được xem là mục tiêu chiến lược để các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và ngang tầm với các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các hợp tác xã và các doanh nghiệp ngoài tỉnh tham quan mô hình tôm - lúa ở huyện Hồng Dân (thu hoạch tôm trên đất lúa ở xã Vĩnh Lộc).
CƠ HỘI CHO BẠC LIÊU
Nhằm chủ động sản xuất hàng hóa chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng nông, thủy sản xuất khẩu, từ năm 2019, Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch “Phát triển mô hình tôm sạch, lúa an toàn theo quy trình hữu cơ áp dụng trên hệ thống canh tác tôm - lúa vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”. Do vậy, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 885 phê duyệt “Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030” đã mở ra cơ hội cho mô hình sản xuất tôm - lúa phát triển và hứa hẹn tạo nên những đột phá mới, nhất là các chính sách hỗ trợ dành cho mô hình sản xuất này.
Nông dân huyện Phước Long cấy lúa ST 24 trên đất nuôi tôm.
Thực tiễn trong những năm qua đã chứng minh, mô hình tôm - lúa được đánh giá là mô hình sản xuất thông minh. Đó là mô hình sản xuất khép kín, có tính hỗ trợ lẫn nhau và phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.
Qua 10 năm triển khai và áp dụng trên đồng đất của Bạc Liêu, mô hình tôm - lúa được đánh giá là hiệu quả và bền vững. Đây là một trong những mô hình sản xuất ít tác động xấu tới môi trường xung quanh, chi phí đầu tư thấp, phù hợp với năng lực tài chính của phần lớn nông dân. Đặc biệt, việc áp dụng mô hình này đã làm giảm các áp lực cho môi trường sản xuất, nhất là việc lạm dụng các loại hóa chất cấm, thuốc thú y thủy sản gây ô nhiễm môi trường như các mô hình nuôi tôm khác.
Thực tế cho thấy, sau vụ nuôi tôm, đất trở nên ổn định hơn (giảm được phèn) và đến vụ sản xuất lúa thì cây lúa phát triển mạnh, giảm được chi phí phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) do xác tảo chết, mùn bã hữu cơ, vi sinh vật và thức ăn dư thừa của vụ nuôi tôm trước làm nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cây lúa... Ngược lại, đất được canh tác qua một vụ lúa thì cách ly được mầm bệnh, khi cải tạo nuôi tôm, rơm rạ phân hủy lại là nguồn dinh dưỡng kích thích động - thực vật phù du phát triển trở thành nguồn thức ăn tự nhiên giàu dinh dưỡng cho con tôm. Mặt khác, trồng lúa trên ruộng sau vụ tôm chi phí chỉ bằng 60 - 70% vùng chuyên lúa, đặc biệt với giống chất lượng cao sẽ cho lợi nhuận cao và góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn ở các địa phương…
Nông dân huyện Hồng Dân thu hoạch lúa Một bụi đỏ trên đất nuôi tôm. Ảnh: L.D
ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT
Mô hình sản xuất lúa - tôm tuy chứng minh được tính hiệu quả và bền vững, nhưng muốn phát huy tiềm năng, thế mạnh từ mô hình này thì bản thân người nông dân không thể “tự bơi”! Do vậy, việc phát huy vai trò của doanh nghiệp trong việc liên kết sản xuất với nông dân được xem là một trong những giải pháp quan trọng và mang tính quyết định. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, từ năm 2019, Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Bồ Đề Bạc Liêu đã phối - kết hợp với Hội Nông dân, Liên minh HTX tỉnh triển khai Đề án chuyên nghiệp hóa người nông dân. Trong đó có việc ký kết hợp tác với 5.000 hộ nông dân và các HTX sản xuất mô hình lúa - tôm trên địa bàn tỉnh, nhằm sản xuất ra “tôm sạch, lúa an toàn” phục vụ thị trường xuất khẩu. Đồng thời, hướng đến xây dựng thương hiệu cho con tôm sạch xuất khẩu mang thương hiệu Bạc Liêu. Đây được xem là doanh nghiệp tiên phong trong liên kết sản xuất với nông dân thông qua mô hình liên kết chuỗi khép kín, trong đó Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Bồ Đề Bạc Liêu đầu tư, hỗ trợ toàn bộ quy trình nuôi gắn với bao tiêu sản phẩm và “xóa trắng” nợ cho nông dân nếu quá trình nuôi gặp phải rủi ro.
Xuất phát từ sự đồng hành và chia khó với người nông dân, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ đầu tư vốn cho tỉnh Bạc Liêu phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất lúa - tôm, với tổng kinh phí 4 tỷ đồng. Trong đó, mời Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Bồ Đề Bạc Liêu hợp tác với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trong việc liên kết với nông sản xuất ra tôm sạch gắn với bao tiêu sản phẩm theo quy trình của Bồ Đề. Đồng thời, phát triển và nhân rộng mô hình này ở các tỉnh của khu vực ĐBSCL.
Những năm qua, mô hình sản xuất tôm sạch ứng dụng công nghệ của Bồ Đề thông qua việc sử dụng sản phẩm Bồ Đề - Mother Water ở HTX Quyết Tâm, HTX Thiên Phú (huyện Phước Long), HTX Phong Thạnh, HTX Thành Công 1 (TX. Giá Rai), HTX Ngô Kim, HTX Hưng Thịnh, HTX Chiến Thắng (huyện Hồng Dân) và hàng trăm nông dân sản xuất mô hình lúa - tôm khác ở vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A đều trúng tôm. Nông dân Nguyễn Văn Bạn (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) cho biết: “Với 2ha sản xuất mô hình lúa - tôm, năm qua tôi sử dụng sản phẩm Bồ Đề - Mother Water nên mang lại hiệu quả rất cao. Nếu như trước đây, sử dụng các sản phẩm khác, chi phí đầu tư phải tốn thêm gần 8 triệu đồng, nhưng môi trường nuôi lại bị ô nhiễm, tôm chết. Thế nhưng từ khi sử dụng sản phẩm Bồ Đề - Mother Water, môi trường nuôi đã được cải thiện đáng kể, lượng thức ăn tự nhiên trong nước nhiều, tôm lớn nhanh, thịt chắc và bán được giá khá cao. Hiện nay, tôi tiếp tục sử dụng sản phẩm của Bồ Đề và tôm đang phát triển tốt”.
Có thể nói, với những thành công mang lại từ mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân đã tạo nên sức bật và nguồn lực mới cho mô hình lúa - tôm phát triển. Sự liên kết này sẽ góp phần đưa Bạc Liêu thực hiện thắng lợi Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ mà Chính phủ ban hành, đặc biệt là kế hoạch phát triển mô hình lúa - tôm theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh với mục tiêu: sau năm 2020 diện tích lúa - tôm đạt khoảng 1.200ha và năm 2025 đạt 41.000ha, cho tổng sản lượng 20.500 tấn. Qua đó, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A đạt 400 triệu USD vào năm 2020 và đạt 500 triệu USD vào năm 2025 (chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh).
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Khoa, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Bạc Liêu: Tạo điều kiện cho nông dân liên kết với doanh nghiệp
Từ nhu cầu sử dụng nông sản an toàn và đảm bảo sản xuất nông nghiệp một cách bền vững, nhiều quốc gia đã và đang quay trở lại sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Để phát triển mạnh nông nghiệp hữu cơ, trước hết là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sản xuất và người tiêu dùng về nông sản an toàn, chất lượng cao. Trong đó, các cơ quan chuyên môn cần hướng dẫn cho nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ và tận dụng nguồn phân hữu cơ tại địa phương để bón cho cây trồng, vừa giảm chi phí sản xuất, vừa nâng cao chất lượng nông sản và bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và người tiêu dùng. Tạo điều kiện cho nông dân liên kết với doanh nghiệp thông qua các mô hình kinh tế hợp tác để thuận lợi trong sản xuất như: chuyển giao kỹ thuật, vay vốn, mua vật tư đầu vào, bao tiêu đầu ra…
Cùng với đó, các doanh nghiệp tham gia thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân cần thường xuyên tổ chức hội nghị khách hàng để giao lưu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu của cả người sản xuất và người tiêu dùng để gắn kết họ với nhau thì sản xuất mới đáp ứng được nhu cầu thị trường ngày càng tốt hơn; không lặp lại điệp khúc “được mùa, rớt giá”. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, chắc chắn sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ phát huy hiệu quả và bền vững hơn.
Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất tôm - lúa
Nhằm giúp mô hình sản xuất lúa - tôm vùng phía Bắc Quốc lộ 1A phát triển bền vững và hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi “Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030” theo chỉ đạo của Chính phủ, Bạc Liêu cần nhiều giải pháp để thực hiện. Xung quanh vấn đề này, ông Huỳnh quốc Khởi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết:
Để phát triển mô hình lúa - tôm và thực hiện tốt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, Bạc Liêu cần đẩy mạnh đầu tư và có chính sách hỗ trợ cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi cho vùng tôm - lúa theo hướng các ô đê bao khép kín, ưu tiên các khu vực đê bao vừa và nhỏ, kết hợp tu sửa, nâng cấp các kênh mương nội đồng và trạm bơm để đảm bảo cấp, thoát nước và trữ nước mặn, ngọt một cách linh hoạt, kịp thời cho nuôi tôm và trồng lúa trong hoàn cảnh nguồn lực chưa đủ mạnh; thiết lập cơ chế quản lý tài nguyên nước dựa trên cộng đồng để sản xuất tôm - lúa bền vững.
Bên cạnh đó, quy hoạch, quản lý và hỗ trợ cơ sở sản xuất - kinh doanh tôm giống, lúa giống tập trung để đảm bảo cung cấp giống đạt tiêu chuẩn chất lượng. Tiếp tục hỗ trợ phục tráng giống lúa mùa bản địa (Một bụi đỏ Hồng Dân). Đồng thời, thử nghiệm, nhân rộng các giống lúa chất lượng cao, chịu phèn mặn tốt như ST 24, ST 25 trên vùng chuyển đổi của địa phương.
Song song đó, hỗ trợ thành lập, củng cố, nâng cấp các tổ hợp tác, HTX để có đủ năng lực tổ chức quản lý sản xuất tôm - lúa bền vững, hiệu quả; nâng cao năng lực tài chính của các tổ hợp tác, HTX thông qua chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tại địa phương.
PV: Mô hình sản xuất lúa - tôm tuy được triển khai áp dụng từ lâu, nhưng trên thực tế nông dân vẫn áp dụng các quy trình và làm theo kinh nghiệm cá nhân. Theo ông, cần làm gì để tháo gỡ khó khăn này và thay đổi tập quán canh tác của nông dân?
Ông Huỳnh Quốc Khởi: Mặc dù hiện nay trình độ sản xuất của nông dân đã được nâng lên đáng kể, song trước diễn biến phức tạp của thời tiết do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây ra, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, bệnh dịch, sâu hại đã và đang ảnh hưởng ngày càng phức tạp đến sản xuất nông nghiệp. Do đó, cần có chính sách ưu tiên để phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật tại chỗ như: đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực, kể cả cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi trong tình hình mới, góp phần từng bước “trí thức hóa nông dân”.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động nông thôn, phát huy vai trò nông dân nòng cốt nhưng không chỉ dừng lại ở kỹ năng, kỹ thuật sản xuất mà còn mở rộng ra các kỹ năng phối hợp tiêu thụ sản phẩm, nhằm tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề, các cuộc hội thảo để nông dân có cơ hội trao đổi, truyền đạt kinh nghiệm với nhau và các nhà khoa học giải đáp, bổ sung thêm kiến thức sản xuất cho họ. Hỗ trợ tư vấn, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị tôm - lúa thông qua việc cụ thể hóa Nghị định số 98 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp, tổ hợp tác, HTX và người dân hợp tác phát triển một cách hiệu quả, bền vững.
Cùng với đó là chỉ đạo các đoàn thể phân công cán bộ cơ sở giám sát, vận động, hướng dẫn nông dân tích cực tham gia xây dựng mô hình theo hướng dẫn của ngành chuyên môn; tổng kết, đánh giá hiệu quả của mô hình và tiếp tục chỉ đạo nhân rộng mô hình cho các năm tiếp theo, từng bước hình thành vùng nguyên liệu có thương hiệu chất lượng cao “tôm sạch, lúa an toàn” phục vụ nhu cầu người tiêu dùng và xuất khẩu.
PV: Xin cảm ơn ông!
LƯ TRUNG - TÚ ANH (thực hiện)
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.