Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang, 27/07/2020
Ngày cập nhật:
28/7/2020
Tiền Giang nằm ở hạ lưu sông Cửu Long, có thế mạnh về phát triển nông nghiệp và cây ăn trái. Bên cạnh đó, với bờ biển dài 32km và diện tích hơn 16.000 ha cồn bãi nuôi tôm, cá, ngành thủy sản Tiền Giang được xác định là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Ứng dụng máy dò ngang trên tàu khai thác xa bờ.
Qua gần 5 năm qua thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhờ sự lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong và ngoài ngành nông nghiệp, với các địa phương, sự phấn đấu vươn lên của bà con nông ngư dân nên ngành thủy sản đã có những chuyển biến vượt bậc.
Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong giai đoạn 2011 - 2015 đối với mô hình nuôi tôm chủ yếu là nuôi trong ao đất, sử dụng dàn quạt để tạo oxy, diện tích ao nuôi lớn từ 3.000 - 4.000m2/ao nên việc quản lý ao nuôi gặp nhiều rủi ro, mật độ thả trung bình từ 100 - 120 con/m2, năng suất 7 - 10 tấn/ha (đối với tôm thẻ); giai đoạn 2016 - 2020, các mô hình nuôi tôm 02 - 03 giai đoạn, nuôi tôm bằng công nghệ vi sinh, công nghệ cao, có hệ thống sục khí đáy nano, với diện tích nuôi (ao nổi, bể tròn) nhỏ dưới 1.000m2 được khuyến khích áp dụng thay thế cho mô hình nuôi truyền thống đã hạn chế những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình nuôi, năng suất đạt từ 30 - 60 tấn/ha. Đến cuối năm 2020, diện tích nuôi tôm theo mô hình 02 hoặc 03 giai đoạn khoảng 290 ha/69 hộ.
Song song đó, hoạt động sản xuất giống thủy sản chủ yếu là sản xuất giống cá nước ngọt (cá rô phi, tai tượng, cá tra, cá trê, mè, trôi…), sản lượng sản xuất khá lớn, đáp ứng được nhu cầu ương, nuôi của tỉnh Tiền Giang và một số tỉnh trong khu vực. Đối với hoạt động sản xuất giống tôm và nghêu giảm nhiều so với giai đoạn 2011 - 2015 do không có những lợi thế về điều kiện tự nhiên và giá cả thị trường.
Lĩnh vực khai thác đã triển khai một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, ứng dụng các thiết bị hiện đại trên tàu khai thác hải sản xa bờ và dịch vụ khai thác hải sản nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế, gắn với việc đảm bảo an ninh trật tự, chủ quyền trên biển. Hiện nay, đội tàu khai thác thủy sản của tỉnh 1.469 chiếc với tổng công suất là 430.000 kW, tăng 264 chiếc/162.418 kW so với năm 2015, công suất trung bình của máy chính tăng từ 222 kW/chiếc năm 2015 lên 292 kW/chiếc năm 2020.
Ước năm 2020, diện tích thả nuôi 16.106 ha, tăng 1,3% so với năm 2015, tổng sản lượng nuôi và khai thác trên 329 ngàn tấn, tăng 31,7% so với năm 2015. Trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ là 4.295 ha, đạt 93,3% so mục tiêu (năm 2020 mục tiêu là 4.600 ha); sản lượng 19.120 tấn, đạt 109,9% so mục tiêu. Với các vùng nuôi chủ yếu: Nuôi cá tra có 32 ha, tăng 10 ha so với năm 2015; nuôi cá bè trên sông Tiền với 401 bè/170.731m3, tăng 65 bè/24.467m3 so với năm 2015; nuôi tôm với diện tích 4.141 ha, giảm 787 ha so với năm 2015, chủ yếu tại huyện Tân Phú Đông và Gò Công Đông; nuôi nghêu với diện tích trên 2,3 ngàn ha, sản lượng bình quân 20 ngàn tấn/năm, tập trung các xã ven biển huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông.
Sản phẩm thủy sản chủ yếu tiêu thụ nội địa khoảng 65%, còn về chế biến xuất khẩu, trừ sản phẩm cá tra là chính, một số ít được chế biến khô, đóng hộp xuất khẩu như cá nục, cá ngừ, tôm, mực khoảng 35%, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, Nhật và một số nước Châu Âu. Từ năm 2015 trở lại đây, việc tiêu thụ nghêu xuất khẩu gặp khó do dịch bệnh, rào cản kỹ thuật mới của nước nhập khẩu, giá cả cạnh tranh so với ngao nuôi tại các tỉnh phía Bắc.
Một hoạt động được xem là phát triển là dịch vụ hậu cần nghề cá, với đội tàu hành nghề dịch vụ khai thác hải sản có số lượng 330 tàu, phục vụ cho việc cung ứng nguyên liệu, các nhu yếu phẩm cũng như việc tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch cho các tàu cá khai thác trong và ngoài tỉnh. Đồng thời để giảm chi phí hoạt động khai thác, tăng thu nhập cho ngư dân, ngành đã vận động các tàu cá tổ chức khai thác theo nhóm, tổ đội trên biển như: Nhóm giã cào, nhóm lưới vây kết hợp ánh sáng, nhóm lưới cá đỏ… Các đội tàu này chọn phương án bán sản phẩm khai thác cho các tàu thu mua nhằm giảm chi phí chuyến biển và nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiệu quả khai thác theo tổ, đội giúp tàu tăng thời gian bám biển, sản phẩm gởi vào bờ bán giá cao, thường xuyên hỗ trợ nhau khi gặp nạn trên biển cũng như trong công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn,... Đến nay, toàn tỉnh đã vận động thành lập được 44 tổ hợp tác/405 tàu/3.544 thuyền viên; 01 hợp tác xã khai thác với 07 tàu/68 thuyền viên và 03 nghiệp đoàn khai thác với 98 tàu/745 thuyền viên.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 02 cảng cá đang hoạt động là Cảng cá Mỹ Tho (cảng cá loại I) với diện tích 20.000 m2, sức chứa tàu 1.200 lượt/tháng, loại tàu lớn nhất có thể cấp là 600 CV, hàng hóa qua cảng hàng năm khoảng 65.000 tấn. Cảng cá Vàm Láng (cảng cá loại II) với diện tích 7.832,9m2, sức chứa tàu 1.200 lượt/tháng, loại tàu lớn nhất có thể cập cảng là 300kW (≈ 400 CV), hàng hóa qua cảng hàng năm khoảng 30.000 tấn. Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa sông Soài Rạp: Sức chứa tàu cá tại vùng nước đậu 350 chiếc, loại tàu lớn nhất có thể vào là 450kW (≈ 600 CV); Khu neo đậu dài 2.400m, rộng 32m.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các chính sách như: Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 375/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã giúp ngư dân tăng cường vươn khơi, bám biển, ổn định sản xuất góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo nước ta trong thời gian qua.
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, ngành thủy sản tập trung việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đạt ít nhất 30% đối với thủy sản nuôi thâm canh, 40% đối với tàu khai thác xa bờ. Từng bước thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất thuần túy sang tư duy phát triển kinh tế thủy sản đa dạng, công nghệ cao, công nghệ thông minh, góp phần thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Mỹ Ngọc
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.