• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Giấc mơ của ‘Vũ cá’

Nguồn tin: Báo Lai Châu, 28/07/2020
Ngày cập nhật: 29/7/2020

Anh Lê Văn Vũ (thị trấn Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) được biết đến là người đầu tiên nuôi thành công giống cá lăng chấm ở nơi thượng nguồn sông Đà. Chịu thương chịu khó, ham học hỏi, tìm tòi, anh Vũ là một trong những người đầu tiên thuần hóa thành công giống cá đặc hữu của sông Đà, mang lại giá trị cao, tạo việc làm cho người lao động và nhất là đem đến cho người dân trong vùng một hướng mới trong phát triển kinh tế đầy hứa hẹn.

Đến xã Mường Mô (huyện Nậm Nhùn), hỏi thăm những người nuôi trồng, đánh bắt tôm cá trên lòng hồ sông Đà ở đây về “Vũ cá” không ai là không biết. Trong cái chất giọng đầy hào sảng của những người quen lênh đênh sóng nước, họ sẽ kể cho chúng ta những mẩu chuyện như giai thoại về chàng thanh niên miền biển nhưng đang là người sở hữu nhiều cá lăng chấm nhất Việt Nam (loài cá đặc hữu của sông Đà). Trong những mẩu chuyện hồn hậu ấy, chẳng mấy khó khăn để nhận ra sự thán phục của người kể dành cho ý chí, nghị lực, tình yêu và cả một giấc mơ lớn lao xuất phát từ loài cá quý hiếm này.

Chúng tôi găp Vũ tại bến thuyền Mường Mô khi trời Tây Bắc trút mưa nặng hạt. Khác hẳn với những gì hình dung, Vũ xuất hiện với hai bàn chân đất dính bùn, bộ quần áo ngả màu lao động. Trông “ông vua cá lăng chấm” đúng là một nông dân thực thụ. Phút xã giao nhanh chóng nhường chỗ cho những mẩu chuyện chất phác, thật thà lúc chờ thuyền khiến chúng tôi thêm trân quý những dự định, khát vọng, giấc mơ của chàng trai trẻ này. Vũ là người mãi tận miền biển Tĩnh Gia (tỉnh Thanh Hóa). Con tạo xoay vần đưa Vũ tới “ven trời Tây Bắc” lập nghiệp. Ngày đầu lên miền thượng nguồn sông Đà, Vũ thử khá nhiều nghề, có lẽ do duyên tiền định đưa Vũ đến với nghề buôn cá. Mà cá Vũ buôn cũng phải là loại cá đặc biệt, loài được đồng bào nơi đây coi như loài thủy quái - cá lăng sông Đà.

“Những ngày buôn cá, tôi đã từng mua được những con nặng hơn 70kg, dài hơn cả cái thùng phi. Những con cá như thế được các nhà hàng coi là cực phẩm, nhưng tiếc là cá trong tự nhiên càng ngày càng hiếm…” - Vũ kể lại những ngày còn rong ruổi trên chiếc xe máy chạy dọc sông Đà tìm mua cá, chở sang tỉnh Lào Cai bán. Nhưng cá trong tự nhiên càng ngày càng cạn kiệt, Vũ phải bỏ nghề, chuyển sang làm lái xe thuê chở hàng lên cửa khẩu U Ma Tu Khoòng. Mỗi chuyến hàng từ Pắc Ma (xã Mường Tè) lên đến cửa khẩu có thể bỏ túi vài chục triệu đồng. Nhưng “Lái thuê cũng kiếm được, mà không đều. Hơn nữa sinh ra, lớn lên ở miền biển, con cá, con tôm nó ăn vào tâm trí rồi nên tôi lại quyết định quay lại với nghề thủy sản nhưng lần này là nuôi trồng”- Vũ kể khi chúng tôi lên thuyền ra bè cá của anh.

Một góc bè nuôi cá lồng của anh Lê Văn Vũ.

Chiếc thuyền lừ lừ đưa chúng tôi rời bến. Khi tiếng máy đã nổ giòn, con thuyền băng băng lao về phía thượng nguồn mênh mông, Vũ kể tôi nghe về hành trình có được cái danh xưng “vua cá”. Năm 2015, khi lòng hồ Thủy điện Lai Châu hình thành, Vũ là một trong những hộ đầu tiên ở huyện Mường Tè “bỏ nhà ra sông” để dựng bè nuôi cá ở khu vực cảng Pô Lếch. Lồng cá đầu tiên Vũ nuôi cũng chính là giống cá lăng sông Đà. Đây là những con cá nhỏ, mua gom được, Vũ không nỡ bán nên để nuôi dù lúc đó chưa biết gì về tập tính, thói quen, kỹ thuật nuôi loại cá này. “Cá lăng sông Đà có chấm hoa dọc thân và chỉ có ở sông Đà, những vùng khác cũng có cá lăng nhưng không phải loại này. Đây là loại có giá trị kinh tế cao nhưng rất ít người nuôi thành công nên ban đầu tôi cũng gặp nhiều khó khăn, thậm chí là thất bại…”. Vũ bỏ lửng câu nói như thể nó vừa chạm vào điều gì đấy nghẹn ngào trong quá khứ.

Những ngày đầu nuôi, Vũ chẳng biết gì về giống cá quý này. Thôi thì đủ thứ từ cá con, đến rau cỏ, có thứ gì là cho cá ăn thứ ấy. Vừa làm vừa học từ chính con cá của mình, nhìn cái tăm cá, xem cách cá đớp mồi, hay đơn giản là theo dõi cái rêu bám trong lưới… mỗi biểu hiện là một bài học đầy ấn tượng đối với Vũ. Gửi gắm hết tình yêu vào lòng nước, cùng với tính chịu khó chịu thương, cuối cùng thì số cá tự nhiên đó cũng lớn dần. Nhìn thấy tương lai, năm 2017, Vũ quyết định đánh lớn. Gom hết tiền bạc, vốn liếng, vay cả anh em, họ hàng được hơn 200 triệu đồng, anh đi tìm mua được một xe ôtô cá lăng giống đem về lồng bè thả. Nào ngờ do không biết nhiều về kỹ thuật, khi thả đúng thời điểm nước bị sục bùn, cá thả xuống cứ ngoi lên mặt nước ngớp khí. Tưởng rằng cá lạ nước, ai ngờ chỉ sáng hôm sau ra thăm, cả số cá mới thả và cá đã nuôi thuần chết nổi trắng bè. Nhìn những bè cá nổi trắng, Vũ bủn rủn tay chân, nước mắt ứa ra mà cổ họng thì nghẹn đắng…

Chúng tôi cập bè cá của Vũ sau gần nửa giờ đi thuyền máy. Giữa lòng hồ, hợp tác xã Long Vũ của Vũ hiện ra như một đảo nổi trên sông. Ở đây, Vũ còn khuyến khích, động viên được thêm 3 hộ khác neo bè nuôi cá cùng nhau, và họ cũng học Vũ mà nuôi cá lăng chấm vì Vũ cam kết nếu không bán được, anh sẽ mua lại toàn bộ số cá của các hộ. Bè cá của Vũ là lớn nhất. Ở đây Vũ dựng cả nhà nghỉ cho khách đến tham quan, lắp đặt hệ thống điện mặt trời để có thể kết nối tới mọi miền Tổ quốc qua internet, làm chuồng nổi nuôi thủy cầm, bè nổi trồng rau và trọng tâm là 20 lồng cá chiên, cá ngạnh nhưng nhiều nhất vẫn là cá lăng. Vũ nhẩm tính hiện nay, cá chiên, cá lăng đã đạt từ 2 - 3kg, với giá 600 nghìn đồng/kg thì dưới lòng thủy bạc này Vũ có khối tài sản hơn 2 tỷ đồng và sẽ còn lớn nữa. “Sau khi cá chết, vốn liếng mất hết, vợ tôi không dám nghĩ đến con đường này nữa. Nhưng tôi vẫn quyết tâm, theo đuổi bằng được mục tiêu mình đã chọn. Quyết “tất tay” cho “canh bạc” cuối cùng, tôi “cắm sổ đỏ” được hơn một tỷ để đầu tư vào giống cá lăng chấm” - Vũ kể lại quãng thời gian khó khăn của mình. Sau đó, Vũ đưa lồng bè ra khu vực hồ ở xã Kan Hồ, rồi sau đó kéo ra xã Mường Mô (huyện Nậm Nhùn) và anh đã thành công.

Để cá nhanh lớn và đảm bảo chất lượng, hàng ngày anh chỉ cho cá ăn bằng tôm tép đánh bắt được trên lòng hồ (mỗi ngày anh bắt được khoảng 300kg cá). Đến nay Vũ có đến vài tấn cá lăng chấm, trở thành một trong những người sở hữu loại cá đặc biệt này nhiều nhất Việt Nam. Khi hỏi về đầu ra cho sản phẩm, Vũ cười rất tươi: Chẳng có mà bán. Điều tôi mong muốn không phải là hỗ trợ đầu ra mà mong nhà nước hỗ trợ về vốn, kỹ thuật để mở rộng thêm quy mô lồng bè lên 100 lồng, để con cá đặc hữu của sông Đà có thương hiệu, tạo được nghề mới, tăng thu nhập cho người dân nơi đây…

Gặp chúng tôi khi đang đi thị sát lòng hồ, ông Trần Anh Đôn - Bí thư Đảng ủy xã Mường Mô khẳng định: Vũ là một thanh niên tâm huyết, dám nghĩ, dám làm. Sự quyết đoán và tình yêu với loài cá lăng sông Đà đã mang lại những thành công. Trại cá của anh Vũ là một điển hình trong chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, trở thành mô hình điểm để bà con nơi đây học tập.

Chia tay Vũ khi trời mưa nặng hạt, chúng tôi nhớ mãi cảnh Vũ bế một con cá lăng to, nâng niu như đứa trẻ. Vũ bảo: Làm thế cá mới không bị đứt ruột, đau bụng. Ra vậy, để thành công không phải chỉ cần cù chịu khó mà còn gửi cả tình yêu vào việc mình làm. Nhìn cảnh ấy tôi tin giấc mơ của Vũ rồi sẽ thành sự thật.

Khánh Kiên

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang