Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Sóc Trăng, 12/8/2020
Ngày cập nhật:
14/8/2020
Trong những năm gần đây, việc khai hoang, phục hóa trong nhu cầu sản xuất nông nghiệp khiến diện tích đất hoang cũng như lung bàu ngày càng thu hẹp, một số loài sinh vật trong tự nhiên, trong đó có lươn ngày càng ít đi trong khi nhu cầu tiêu thụ lươn thương phẩm trên thị trường ngày càng cao. Từ thực tiễn trên, phong trào nuôi lươn, đặc biệt là hình thức nuôi lươn không bùn bắt đầu nở rộ tại các tỉnh miền Tây nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Tại Sóc Trăng, mô hình này cũng đang có xu hướng phát triển mạnh với diện tích lên đến vài nghìn mét vuông.
Sau nhiều năm cố gắng duy trì diện tích mía; đến nay, khi cây mía đã không còn mang đến “vị ngọt” như đã từng; ngành nông nghiệp huyện Cù Lao Dung đã hướng bà con nông dân chuyển sang các mô hình chuyển đổi sản xuất có hiệu quả kinh tế cao hơn. Bên cạnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi được triển khai rộng rãi như: Cây ăn trái, cá kèo hay con tôm thẻ, tôm sú, nuôi lươn thương phẩm là một trong những mô hình sinh kế được bà con xứ cồn phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây.
Lươn là một loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, chất lượng thịt thơm ngon, lành tính và giàu dinh dưỡng nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Điều kiện nuôi lươn cũng rất đơn giản, dễ phát triển với quy mô nhỏ hộ gia đình, người nuôi cũng có thể tận dụng lại chuồng chăn nuôi sẵn có để cải tạo thành bể nuôi lươn. Hiện nay, có 2 hình thức nuôi lươn chủ yếu là nuôi lươn trong bùn đất và nuôi lươn thâm canh trong bể xi măng hay còn gọi là nuôi lươn không bùn (với mật độ từ 60 đến 250 con/1 mét vuông). Anh Kiêm Sang - cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Cù Lao Dung thông tin thêm: “Nuôi lươn có bùn khuyết điểm của nó là mình không kiểm soát được thức ăn và tỉ lệ sống của con lươn, từ đó dẫn đến dư thừa thức ăn và mang đến dịch bệnh cho bầy lươn nuôi, hiệu quả kinh tế vì thế không cao. Cũng chính vì vậy mà đa số hộ trên địa bàn huyện lựa chọn nuôi theo hình thức không bùn, hình thức nuôi này mình có thể chủ động con giống từ đầu, quản lí được thức ăn và dịch bệnh cũng sẽ ít xảy ra vì có thể chủ động xử lí nguồn nước trước khi đưa vào bể nuôi”.
Là một trong những hộ tiên phong triển khai mô hình nuôi lươn thương phẩm, anh Trương Hoài Anh ở ấp Võ Thành Văn, xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung cho biết, do đây là mô hình còn khá mới mẻ đối với địa phương nên thời gian đầu thực hiện, gia đình gặp nhiều khó khăn từ cách chăm sóc đến khâu phòng trị bệnh. Nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi từ sách báo, gia đình mới có thể phát triển nghề hiệu quả như hiện nay. Tận dụng bể nuôi ếch sẵn có, anh mạnh dạn thả nuôi 6.000 con lươn giống, sau vài tháng thả nuôi đã có thể xuất bán đợt đầu tiên với số lượng 200 ký lươn thương phẩm, giá bán 195 nghìn đồng/1ký. Thành công bước đầu đã giúp gia đình yên tâm hơn khi tiếp cận mô hình, nhờ vậy hiện tại trại lươn của anh đã phát triển được 12 bể, với số lượng mỗi bể là 1.200 con. Anh Hoài Anh chia sẻ: “Chăm sóc con lươn càng kỹ càng tốt, phải giữ cho môi trường thật sạch, trước khi cho ăn phải thay nước. Trong quá trình thay nước nếu phát hiện dơ là phải xả bỏ liền để tránh tình trạng lươn bị bệnh đường ruột”.
Lươn thương phẩm được nuôi theo hình thức không bùn.
Hiện tại con giống nhân tạo được sản xuất khá phổ biến ở một số tỉnh lân cận như: Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh... Tại Sóc Trăng, hiện cũng có nhiều trại có khả năng cung cấp con giống sản xuất tại chỗ với giá bán dao động từ 5.000 - 6.000 đồng/1 con, trọng lượng dao động từ 500 - 1.000 con/1ký. Anh Trương Bửu Tính - chủ trại lươn giống tại xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú cho biết thêm: “Lúc mình phát triển mô hình thì các huyện lân cận hầu như là chưa có phong trào nuôi lươn này vì nhiều người chưa thấy được hiệu quả kinh tế của nó. Tuy nhiên trải qua 3 năm thì giá trị của con lươn đang đi đúng hướng, mô hình nuôi lươn thương phẩm phát triển thì nhu cầu nguồn giống càng tăng. Hiện rất vui vì đã có nhiều người đến đặt hàng con giống do trại sản xuất, thậm chí là đặt trước vài tháng”.
Do chi phí đầu tư mô hình nuôi lươn không bùn không cao, đầu ra lại ổn định và giá thành khá lí tưởng nên hiện nay mô hình này đang phát triển khá phổ biến tại một số địa phương trong tỉnh như: Ngã Năm, Mỹ Tú, Cù Lao Dung, TP. Sóc Trăng. Mặc dù lươn thương phẩm có khả năng tiêu thụ nội địa tốt, nhưng giá lươn sẽ không thể duy trì ổn định nếu xảy ra tình trạng “dội chợ”. Mặt khác, sự thiếu kết nối giữa người nuôi và người bán (kể cả lươn giống và lươn thịt) cũng là một trong những trở ngại khó có thể phát triển mô hình.
Bên cạnh đó, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm từ nguồn lươn nuôi luôn bị e ngại bởi người tiêu dùng do việc quản lí và quy trình nuôi chưa được kiểm soát chặt chẽ; phần lớn nghề nuôi phát triển mang tính tự phát, quy trình kĩ thuật theo kiểu truyền miệng, việc lạm dụng kháng sinh, hóa chất còn khá nhiều làm ảnh hưởng đến chất lượng lươn thịt khi ra thị trường. Theo Thạc sĩ Lâm Ánh Tiên - Phó trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, để mô hình nuôi lươn không bùn thật sự là một mô hình kinh tế có thể nhân rộng thì vấn đề liên kết sản xuất từ tổ hợp tác để hỗ trợ nhau về mặt kĩ thuật là một trong những vấn đề trước nhất cần phải tính đến. Bên cạnh đó, khi liên kết người nuôi cũng sẽ dễ dàng kiểm soát được sản lượng, đảm bảo có nguồn lươn thương phẩm liên tục để cung ứng khi thị trường cần. Đặc biệt, cần có sự thống nhất về quy trình nuôi, nuôi theo quy trình sạch, đảm bảo kiểm soát được kháng sinh, kí sinh, vi khuẩn hay chất lượng nước... để đảm bảo con lươn sạch, truy xuất được nguồn gốc.
Ngọc Thơ
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.