Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 21/08/2020
Ngày cập nhật:
25/8/2020
Những ngày này, do bị ảnh hưởng của COVID-19 nên người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói chung và xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong nói riêng gặp khá nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ chậm. Tuy vậy, đây không phải là điều làm cho người nuôi tôm ở xã Triệu Lăng nản chí, bỏ cuộc. Ông Trần Thanh Mùi, xã Triệu Lăng cho biết, hiện giá 1 kg tôm (khoảng 50- 60 con/kg) chỉ bán được 110.000 đồng, bằng một nửa giá bán so với thời điểm không xảy ra COVID-19. Nguyên nhân của tình trạng này là do các nhà hàng, khách sạn ít thu mua, việc cưới hỏi không tổ chức, du lịch tạm thời không hoạt động nên sức tiêu thụ tôm bị ảnh hưởng.
Hồ nuôi tôm của gia đình ông Trần Thanh Mùi, xã Triệu Lăng luôn cho hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: N.V
Ông Mùi chia sẻ: “10 năm nay, gia đình tôi nuôi tôm trên 4.000 m2 ao nhưng chưa có năm nào gặp nhiều khó khăn cho đầu ra như hiện nay. Hy vọng khó khăn chỉ tạm thời vì dịch bệnh sẽ được khống chế, cuộc sống sớm trở lại bình thường. Mô hình nuôi tôm trên cát có lãi cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng, vật nuôi khác hiện nay trên địa bàn xã. Các năm trước, với diện tích ao nuôi này trừ chi phí, gia đình tôi lãi 500 triệu đồng/vụ”.
Bà Võ Thị Hoa, xã Triệu Lăng cho biết: “Việc nuôi tôm là cơ hội thoát nghèo cho rất nhiều hộ dân trên địa bàn xã. Thời gian qua, người nuôi tôm được chính quyền, đoàn thể trong xã thường xuyên tổ chức tập huấn hướng dẫn cách nuôi nên không gặp khó khăn như trước. Tuy vậy, do xã Triệu Lăng chưa có doanh nghiệp sản xuất con giống, người nuôi phải nhập về từ các doanh nghiệp ngoài tỉnh nên giá tôm giống cao”.
Bí thư Đảng ủy xã Triệu Lăng Lê Xuân Lộc cho biết: “Triệu Lăng là xã bãi ngang nằm phía Đông Nam huyện Triệu Phong, có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 1.206 ha, có chiều dài ven biển hơn 7 km. Đây là điều kiện thuận lợi để xã phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, nhất là việc nuôi tôm. Để thực hiện Nghị quyết số 03 ngày 23/5/2017 của HĐND tỉnh “Về hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, định hướng 2025”, Nghị quyết 05 ngày 5/5/2017 của Huyện ủy “Về khai thác tiềm năng, lợi thế vùng ven biển giai đoạn 2017-2020”, Đảng ủy xã Triệu Lăng tập trung chỉ đạo đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trong đó sản phẩm chủ lực là tôm và dịch vụ hậu cần nghề cá. Trên cơ sở nghị quyết của Đảng ủy, UBND xã quy hoạch vùng nuôi tôm. Đặc biệt, năm 2018, được sự hỗ trợ theo Quyết định số 23 của UBND tỉnh, xã đã triển khai thành công dự án ương, nuôi tôm 2 giai đoạn sử dụng chế phẩm sinh học. Với cách làm này, hộ nuôi đã hạn chế thấp nhất rủi ro, đồng thời nâng cao sản lượng lên 40 tấn/ha/vụ, cao gấp 2 lần so với cách nuôi truyền thống.Từ hiệu quả đó, đến nay xã đã nhân rộng được 5 mô hình trên địa bàn và đã khẳng định sự thành công của giải pháp công nghệ nuôi này. Trong 5 năm gần đây, toàn xã đã phát triển được hơn 60 ha tôm đạt 3.864 tấn, tổng giá trị đạt 240 tỉ đồng, chiếm 22,5 % tổng giá trị các ngành sản xuất của xã”.
Ông Lê Xuân Lộc lý giải: “Để đạt được kết quả đó là nhờ cấp ủy, chính quyền xã vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào nuôi tôm. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là việc ương nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi tôm công nghệ cao vốn đầu tư lớn, quy trình nuôi nghiêm ngặt nên ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình nhân rộng trên địa bàn xã. Mặt khác, vùng nuôi tôm đã có quy hoạch, tuy nhiên trong quá trình thực hiện chưa đạt theo yêu cầu dẫn đến nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, khó khăn trong quản lý vùng nuôi tôm. Giống tôm phải nhập về từ các tỉnh Nam Trung Bộ nên quá trình vận chuyển bị hao hụt nhiều rất tốn kém. Bên cạnh đó, người dân khó kiểm soát việc các doanh nghiệp có hay không sử dụng thuốc kháng sinh và các hóa chất cấm sử dụng trong việc nuôi tôm mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định”.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05 ngày 5/5/2017 của Huyện ủy “Về khai thác tiềm năng, lợi thế vùng ven biển giai đoạn 2017- 2020” và nghị quyết đại hội đảng các cấp, Đảng ủy xã Triệu Lăng đề ra một số giải pháp nuôi tôm công nghệ cao như đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng nuôi tôm gắn với bảo vệ môi trường, thực hiện đồng bộ các khâu trong quy trình nuôi như đầu tư hệ thống điện, hệ thống thiết bị ao nuôi, ao xử lý chất thải.Tạo điều kiện, hỗ trợ người dân sử dụng đất ổn định lâu dài để yên tâm sản xuất.Tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất chứa các chất cấm theo danh mục các chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan để kiểm soát, kiểm tra chất lượng nguồn giống, thuốc thủy sản.Thành lập các tổ cộng đồng nuôi tôm công nghệ nhằm tạo mối liên kết, hỗ trợ nhau trong kỹ thuật nuôi, kiểm soát dịch bệnh và tìm kiếm thị trường đầu ra. Đồng thời đề nghị cấp trên sớm quan tâm hỗ trợ xây dựng các mô hình, dự án nuôi tôm công nghệ cao; đầu tư cơ sở hạ tầng như kênh thoát nước thải, ao lắng xử lý nước thải, hệ thống điện nuôi tôm. Hỗ trợ người dân hệ thống máy test tôm giống, hệ thống quan trắc chất lượng nước, đặc biệt hỗ trợ người nuôi tôm trong khâu tiêu thụ sản phẩm.
Nguyễn Vinh
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.