Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 26/01/2020
Ngày cập nhật:
27/1/2020
Khi dòng người đang tấp nập du xuân, khi những mâm cỗ ngày tết được bày biện trang trọng, nhang khói nghi ngút thì họ - cả chủ lẫn người làm công ban ngày đứng ngồi không yên, ban đêm căng mắt theo ánh đèn mờ tỏ.
Nhiều diện tích tôm thẻ chân trắng ở xã Phong Hải vẫn đang được nuôi xuyên tết
Ăn ngủ cùng… tôm
Phố hồ tôm – tôi thường đùa như vậy khi có dịp ghé qua những con đường ngang dọc khắp các vuông tôm thẻ chân trắng ven biển vùng Ngũ Điền (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Tết - đêm ở khu vực này đèn điện sáng trưng và không vắng tiếng cười nói lao xao của những chủ hồ lẫn người làm thuê.
Gặp Hoàng (thôn 11, xã Điền Hòa, huyện Phong Điền) dịp đầu năm mới, tôi nhã ý mời bạn chén rượu nhưng lập tức bị khước từ ngay ngày Mùng 1 tết. Để đỡ mất lòng, bạn mời vào trại tôm uống trà, cắn hạt dưa. Đầu năm ngoái, sau nhiều năm tích cóp làm thuê, làm mướn, Hoàng liều dốc hết vốn liếng cùng ông anh đầu tư nuôi tôm. Hơn 300 triệu đồng với Hoàng là cả một số tiền khổng lồ, trong số đó gần phân nửa anh phải chạy vay khắp nơi. Vụ hè năm 2019, hồ của anh lỗ gần 100 triệu đồng, anh tiếp tục vay mượn để “chơi canh bạc” tất tay vào vụ đông. Thời điểm này, tôm của anh đã đạt đến đầu 7 (70 con/kg) và tết năm nay, Hoàng phó mặc việc nhà cho vợ con để ăn ngủ cùng tôm. “Nếu con tôm có mệnh hệ chi thì chắc vợ con ra đường mà ở”, Hoàng nửa đùa nửa thật.
Theo tính toán của người từng có nhiều năm nuôi tôm thuê cho các chủ hồ, Hoàng bảo rằng, vụ đông rơi vào dịp tết, cơ hội của người nuôi tôm thắng lợi lên đến 80%, nhưng nhìn sâu vào mắt anh, không khó để nhận ra lắm nỗi âu lo. Đôi mắt thâm quầng qua nhiều đêm không ngủ. Hoàng thú thật: “Từ ngày 20 tết đến nay, chưa có đêm mô tui chợp mắt. Những người khác nuôi tôm rủng rỉnh vốn liếng họ thuê người canh giữ và nếu có lỗ cũng có vốn tái đầu tư. Còn tui, vụ ni mà lỗ thì trắng tay. Nuôi con tôm cũng như chăm đứa trẻ, nó “thức” thì mình cũng thức. Từ khâu cho ăn, vệ sinh hồ, kiểm tra điện nước, giàn quạt, tất cả phải kỹ lưỡng. Hàng ngày, vợ thường cơm nước mang ra hồ cho tui chứ rất hiếm khi tui vào nhà”.
Cuối năm Kỷ Hợi 2019, nhiều hồ tôm thẻ chân trắng ở khắp các địa phương bội thu, song trong số đó vẫn còn nhiều diện tích nuôi đang duy trì, chỉ thu hoạch sau dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Bởi số tiền đầu tư quá lớn nên chuyện chơi tết đối với các chủ hồ dường như chỉ là ước mơ. Gần 10 năm theo đuôi con tôm trên cát, ông Nguyễn Xuân Qúy (xã Điền Hương, huyện Phong Điền) nếm trải biết bao ngọt bùi. Trong ký ức, ông đã đánh rơi “chiến thắng” vào phút chót. “Đa số người nuôi tôm dốc hết vốn liếng vào vụ đông. Cách đây 3 năm, tui từng thất bại trong vụ đông khi tưởng chừng sẽ có một mùa vụ bội thu. Năm đó, tôm đạt đạt đầu 8 (80 con/kg), ngang cỡ này đã cầm chắc lợi nhuận nhưng ngày tết nhiều cúng cấp, lỡ quá chén, trời mưa to, gió lớn khiến quạt tạo ô xy trong hồ gãy gần hết; hồ bị nứt khiến tôm thất thoát, số còn lại cũng bị sự cố (chết) dẫn đến thua lỗ. Rút kinh nghiệm từ vụ đó nên những vụ sau này, nếu tôm thu hoạch sau tết thì nhất quyết phải ở lại hồ. Không chỉ tui mà nhiều chủ hồ khác đều không dám đánh liều, phó mặc tôm cho trời đất để vui xuân đón tết”, ông Qúy chia sẻ.
Người nuôi tôm thuê vẫn ngày đêm chăm sóc tôm, không có một cái tết trọn vẹn
“Ai cũng họ… Hồ”
Phong trào nuôi tôm trên cát nở rộ đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở các vùng quê ven biển. Nhờ con tôm, nhiều lao động có của ăn, của để. Vụ đông này, anh Phan Văn Châu (thôn 10, Điền Hòa) nhận nuôi khoán tôm thuê cho một chủ hồ với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Vụ tôm vừa thu hoạch những ngày giáp tết, hồ anh Châu nuôi đạt sản lượng cao, lợi nhuận hơn 1 tỉ đồng. Điều này không chỉ mang lại niềm vui cho chủ hồ mà anh Châu còn có một khoản thu nhập đáng kể để trang trải trong những ngày tết.
“Một vụ tôm vào mùa đông kéo dài khoảng 6 tháng, như rứa tui kiếm được 36 triệu đồng tiền lương. Với người nuôi tôm thuê sẽ có thêm giao ước phụ với chủ hồ, nếu hồ tôm có lãi, người nuôi sẽ nhận được khoảng 5-6% tiền thưởng từ tổng lợi nhuận thu được. Vụ đông vừa rồi, hồ nuôi lãi to nên ngoài tiền lương, tui được chủ thưởng thêm hơn 50 triệu đồng. Với số tiền đó, gia đình tui có một cái tết đủ đầy, ấm cúng”, anh Châu tâm sự.
Đời nuôi tôm thuê không phải ai cũng được may mắn như anh Châu. Đi theo những chủ hồ, dịp tết này, nhiều lao động nghèo cũng đang lo âu, vật vờ, không có một cái tết trọn vẹn bên người thân, gia đình. Anh Nguyễn Thạnh (thôn Hải Thế, xã Phong Hải, huyện Phong Điền) đùa rằng, dân nuôi hồ tôm thuê dù mang họ Nguyễn, Lê, Trần, Phan, Võ khi nhận khoán nuôi cho những người chủ thì đều đổi thành họ… Hồ. “Về vùng nuôi tôm, để dễ hỏi thăm thì anh nên hỏi họ Hồ. Ví dụ: Hồ Thạnh, Hồ Thuận, Hồ Vãng... Đời nuôi tôm thuê phần lớn thời gian ở hồ tôm nên tụi tui thường trêu đùa nhau ai nuôi tôm là đổi thành họ Hồ hết. Và đã quen gọi nhau như rứa. Ví dụ như, nếu hỏi thăm tui thì cứ hỏi Hồ Thạnh (hồ của anh Thạnh – PV) ở mô thì sẽ có người chỉ ngay”, anh Thạnh cười, vỗ đùi kêu bốp.
Tết này, anh Thạnh cùng nhiều lao động khác không có nhiều lần đoàn viên cùng gia đình bên mâm cỗ ngày tết. Bởi, hồ tôm mà anh nhận nuôi vẫn chưa thu hoạch. “Nhận khoán nuôi tôm phải làm việc có trách nhiệm, bởi chủ hồ bỏ ra số tiền rất lớn. Nếu có công việc nhà ngày tết thì chủ cũng cho về để giải quyết trong thời gian ngắn. Tết ni không chỉ tui mà nhiều người nuôi tôm thuê đón giao thừa cùng tôm. Dù vất vả nhưng mong răng sẽ có vụ tôm bội thu, chủ vui và mình cũng có thêm khoản thu nhập khá lớn”, anh Thạnh bày tỏ.
Bài, ảnh: L. Thọ
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.