Nguồn tin: Báo Thái Bình, 31/08/2020
Ngày cập nhật:
1/9/2020
Từ bỏ công việc ổn định với mức lương cao, anh Đoàn Trọng Nghĩa ở xóm 9, xã Bình Minh (Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) quyết định trở về quê hương lập nghiệp trên mảnh đất mình sinh ra. Sức trẻ và niềm đam mê với nông nghiệp chính là những yếu tố giúp anh thành công với mô hình nuôi cá thương phẩm.
Anh Đoàn Trọng Nghĩa ở xóm 9, xã Bình Minh (Kiến Xương) nuôi cá thương phẩm theo quy trình khép kín cho năng suất cao.
Sinh năm 1993, sau khi tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam chuyên ngành thủy sản, Đoàn Trọng Nghĩa xin được một công việc ổn định tại Hà Nội với mức lương cao mà nhiều người mơ ước. Tuy nhiên, năm 2017, anh quyết định xin nghỉ việc, trở về quê hương để lập nghiệp bằng nghề nông - nuôi cá thương phẩm. Chia sẻ lý do vì sao có quyết định táo bạo này, Đoàn Trọng Nghĩa cho biết: Bố mẹ tôi ở quê đã gắn bó với nghề nuôi cá từ nhiều năm nay nhưng nuôi theo phương pháp thủ công, thiếu kinh nghiệm cũng như không áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản nên công việc vất vả, trong khi năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Bản thân tôi từng được đào tạo qua chuyên ngành thủy sản nên nhận thấy cần phải thay đổi tư duy và có cách làm phù hợp thì mới có thể khai thác tiềm năng của mảnh đất này. Từ suy nghĩ đó, tôi quyết tâm về quê, áp dụng kiến thức có được để cải tạo khu nuôi trồng thủy sản của gia đình.
Khu nuôi cá của gia đình anh Nghĩa rộng 2ha, đây là diện tích đất chiêm trũng tại địa phương để hoang hóa được gia đình anh thuê lại, cải tạo, chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản. Sau khi tiếp quản công việc của gia đình, anh Nghĩa bỏ vốn đầu tư trang bị hệ thống đường dây dẫn sục khí, máy quạt nước, máy cho cá ăn tự động với mục đích xây dựng mô hình nuôi cá công nghiệp theo quy trình khép kín cho năng suất cao. Với 7 ao nuôi, anh dùng 5 ao để nuôi cá thương phẩm với các giống cá truyền thống như cá trắm, cá chép, cá rô phi và kết hợp nuôi thêm giống cá Koi của Nhật để cung cấp cho những người có nhu cầu chơi cá cảnh; 2 ao còn lại nuôi cá giống phục vụ hoạt động sản xuất của gia đình. Để chủ động trong sản xuất, anh Nghĩa còn đầu tư mua máy móc, nguyên liệu về tự xay xát, phối trộn, ép thành viên làm thức ăn cho cá, nhờ vậy tiết kiệm được đáng kể chi phí thức ăn, đồng thời kiểm soát được chất lượng thức ăn, không sử dụng kháng sinh, chất tăng trọng, bảo đảm nguồn thức ăn sạch cho cá. Đoàn Trọng Nghĩa cho biết: Tôi không nuôi những giống cá đặc sản, chỉ nuôi những loại cá truyền thống bởi đây là mặt hàng thực phẩm phổ thông, xuất hiện nhiều trong các bữa cơm gia đình, nhà hàng, quán ăn nên rất dễ bán, giá cả lại ổn định. Mặt khác, đây là các loại cá dễ nuôi, sinh trưởng nhanh, năng suất cao nên tôi bắt đầu khởi nghiệp với những giống cá này. Tôi không sử dụng cám công nghiệp làm thức ăn cho cá mà tìm mua những nguyên liệu tự nhiên có sẵn tại địa phương như ngô, đậu tương, cám gạo, tỏi, bột tôm, bột cá... để tự làm thức ăn cho cá. Những nguyên liệu này được phối trộn theo tỷ lệ nhất định tạo thành loại cám cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cá.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khu nuôi cá thương phẩm của gia đình anh Nghĩa luôn phát triển ổn định, cá sinh trưởng, phát triển nhanh, không mắc dịch bệnh.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khu nuôi cá thương phẩm của gia đình anh Nghĩa luôn phát triển ổn định, cá sinh trưởng, phát triển nhanh, không mắc dịch bệnh. Mỗi năm gia đình anh thu hoạch hai lứa cá và xuất bán ra thị trường khoảng 80 - 100 tấn cá các loại, sau khi trừ chi phí cho thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng. Ông Bùi Danh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết: Trên địa bàn xã hiện có hơn 10 hộ phát triển kinh tế bằng mô hình nuôi trồng thủy sản. Cơ sở nuôi cá của gia đình anh Nghĩa là một điển hình trong áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực học hỏi, áp dụng, nhân rộng mô hình sản xuất của gia đình anh Nghĩa để phát triển lĩnh vực nuôi trồng thủy sản bền vững, nâng cao thu nhập.
Với tinh thần dám nghĩ dám làm và tư duy sáng tạo, Đoàn Trọng Nghĩa đã thành công với mô hình nuôi cá thương phẩm truyền thống và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, quê hương, anh còn tích cực hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, lắp đặt máy móc giúp những hộ nuôi trồng thủy sản tại nhiều địa phương.
Thanh Huyền
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.