• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trái ngọt từ các mô hình nông nghiệp chuyển đổi

Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 27/01/2020
Ngày cập nhật: 28/1/2020

Trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư, giúp người nông dân mạnh dạn chuyển đổi những diện tích hiệu quả sử dụng thấp sang các mô hình sản xuất hàng hóa có giá trị cao hơn. Việc chuyển đổi sản xuất đã và đang tạo ra sự đa dạng về sản phẩm nông nghiệp, hình thành vùng sản xuất chuyên canh, tập trung gắn với chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích canh tác.

Mô hình trồng chuối cho năng suất cao tại xã Yên Hòa (Yên Mô).

Mô hình nuôi thâm canh cá trên “ao nổi” từ diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả của ông Vũ Đức Thiện, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô là một minh chứng rõ nét cho thấy sự thành công từ hình thức chuyển đổi sản xuất. Được biết, trước đây toàn bộ diện tích này được người dân cấy lúa nhưng hiệu quả thấp, đã có những vụ đất bị bỏ hoang, gây lãng phí.

Nhận thấy tiềm năng phát triển sản xuất lớn nếu có sự đầu tư và áp dụng khoa học kỹ thuật, năm 2017, được sự đồng ý của chính quyền địa phương ông Thiện đã vận động một số hộ nhượng đất để chuyển đổi sang mô hình nuôi thâm canh cá “ao nổi”.

Đến nay, ông Thiện đã chuyển đổi được hơn 15 ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang làm 19 ao nuôi cá. Mô hình của ông Thiện ứng dụng công nghệ cao, sử dụng thức ăn công nghiệp 100%, trang bị máy cho cá ăn, đầy đủ hệ thống quạt nước, sục khí. Nuôi theo quy trình khép kín, tức là cá được nuôi luân chuyển từ ao chuyên ương cá giống sang ao ương cá nhỡ và khi đạt trọng lượng yêu cầu sẽ chuyển sang ao nuôi cá thịt.

Không chỉ ứng dụng công nghệ cao trong các khâu sản xuất, mô hình còn đưa công nghệ men vi sinh vào xử lý nguồn nước, đảm bảo môi trường phù hợp cho cá phát triển. Với 13 ao cá thịt dự kiến năm 2019 mô hình cho thu hoạch trên 230 tấn cá và lợi nhuận thu được sau khi đã trừ chi phí đạt 260 triệu đồng/ha. “Chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình nuôi cá trên ao nổi có rất nhiều ưu điểm và lợi thế, không làm phá vỡ quy hoạch và vẫn đảm bảo theo quy định của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Bên cạnh đó, do mặt nước thông thoáng đón được nhiều gió và ánh sáng mặt trời, thoát khí tốt nên lượng mùn và bã phân hủy nhanh, lượng lắng đáy ít, môi trường nước ít ô nhiễm, cá lớn nhanh, chi phí đầu tư ít và hiệu quả cao hơn gấp rất nhiều lần so với trồng lúa”. Ông Thiện chia sẻ.

Ông Phạm Trọng Nguyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô cho biết: Để nâng cao hiệu quả trong công tác chuyển đổi cây trồng, nhất là trên đất lúa, thời gian qua huyện Yên Mô đã đẩy mạnh việc rà soát từng diện tích kém hiệu quả gắn với quy hoạch sản xuất.

Cùng với đó, huyện đã xây dựng và kịp thời sửa đổi Đề án 06/ĐA-UBND về “Chuyển đổi diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang cấy lúa kết hợp nuôi thủy sản” đảm bảo phù hợp với thực tế. Khuyến khích các xã tiếp tục mở rộng diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản kết hợp cấy lúa giai đoạn 2016 -2020 trong vùng quy hoạch, hỗ trợ 10 triệu đồng/ha để nâng cấp hệ thống điện hoặc nạo vét kênh mương phục vụ vùng chuyển đổi tập trung từ 5 ha trở lên.

Đến nay, phong trào chuyển đổi sản xuất nói chung, nhất là chuyển đổi từ diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất hàng hóa có giá trị cao hơn được triển khai rộng khắp ở các địa phương trên địa bàn huyện. Toàn huyện đã chuyển đổi 780 ha ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất lúa-cá, trồng cây ăn quả kết hợp với nuôi thủy sản và ao nổi.

Bình quân giá trị sản xuất 1 ha canh tác các mô hình ước đạt từ 250-500 triệu đồng/ha, cao gấp 3-5 lần so với trồng lúa. Riêng hình thức nuôi thâm canh cá trắm đen, cá quả, chạch sụn... trên ao nổi với quy mô 46 ha cho giá trị thu hoạch trên 1 tỷ đồng/ha đã phát triển ở nhiều xã. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng nuôi thủy sản thâm canh quy mô tập trung cho hiệu quả kinh tế cao ở các xã Yên Đồng, Yên Thắng, Yên Hòa, Yên Thành, Yên Mạc…góp phần quan trọng nâng cao giá trị thu nhập trên 1 đơn vị canh tác.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, trong những năm gần đây, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 26/10/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030” sản xuất nông nghiệp có bước chuyển mình mạnh mẽ với nhiều kết quả đáng khích lệ.

Một trong những kết quả nổi bật đó là các địa phương đã tích cực chuyển đổi theo quy định diện tích đất có hiệu quả sử dụng thấp sang sản xuất hàng hóa có hiệu quả cao hơn. Tổng diện tích chuyển đổi trên địa bàn toàn tỉnh đạt trên 6.600 ha sang các hình thức sản xuất: cây hàng năm; nuôi thủy sản; cây ăn quả kết hợp nuôi thủy sản; lúa - thủy sản; lúa - thủy cầm…

Trong đó, có nhiều địa phương thực hiện chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các hình thức sản xuất nông nghiệp có hiệu quả cao hơn như: trồng chuối - nuôi cá ở huyện Yên Mô, trồng ổi - nuôi cá ở xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh), trồng rau củ quả - nuôi cá ở Yên Khánh, Yên Mô… Cùng với đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, giá trị gia tăng từ diện tích chuyển đổi đã góp phần đưa giá trị sản xuất năm 2019 đạt 130 triệu đồng/ha, tăng 33 triệu đồng/ha so với năm 2015.

Đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất từ diện tích đất có hiệu quả sử dụng thấp sang sản xuất hàng hóa có hiệu quả cao hơn đã và đang khẳng định là hướng đi đúng của ngành nông nghiệp tỉnh nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, tăng nhanh giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, tăng khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản chủ lực, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Bài, ảnh: Giáng Hương - Anh Tuấn

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang