• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

‘Vua cá bống bớp’ Nghĩa Hưng

Nguồn tin: Báo Nam Định, 07/09/2020
Ngày cập nhật: 8/9/2020

Về huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định), nhắc đến anh Sơn “bống bớp” là không ai không biết. Không chỉ là một trong những người tiên phong đưa con cá bống bớp từ tự nhiên về ao nuôi thương phẩm thành công, anh Nguyễn Văn Sơn, tổ dân phố số 6, thị trấn Rạng Đông còn là “đầu tàu” kéo ngành nuôi cá bống bớp phát triển bền vững khi “bắt” cá đẻ theo ý muốn để chủ động nguồn cá giống và tổ chức thu mua cho các hộ nuôi trong vùng tạo chuỗi liên kết khép kín. Làm giàu cho gia đình, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương và tích cực tham gia đóng góp xây dựng quê hương, anh Sơn là một trong những điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước.

Bình quân mỗi năm anh Nguyễn Văn Sơn, thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) lãi 1,5 tỷ đồng từ nuôi cá bống bớp.

Vốn sinh ra từ vùng quê ven biển, từ bé anh Sơn đã quen với đầm, bãi. Đến khi lập gia đình riêng và có đến 5 người con, kinh tế khó khăn, thu nhập không ổn định, năm 1997, anh đã mạnh dạn thuê 1,5ha đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển đổi của Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Rạng Đông để ương cua biển giống bán cho bà con quanh vùng. Công sức, tiền bạc bỏ ra nhiều nhưng việc ương cua giống liên tiếp gặp thất bại, anh Sơn đã phải bán căn nhà ở trung tâm chợ để trả nợ. Thất bại không làm lung lay ý chí quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, năm 2000, anh Sơn chuyển sang nuôi cá bống bớp - vốn là loài cá đặc sản của địa phương. “Được thiên nhiên ưu đãi với vùng bãi triều rộng lớn, thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản. Từ xưa vẫn nói “rừng vàng biển bạc” nhưng sao cái nghèo vẫn đeo bám người dân nơi đây. Sau nhiều ngày tính toán, suy nghĩ, tôi quyết định đầu tư nuôi cá bống bớp - loài cá nước mặn được đánh bắt từ tự nhiên” - anh Sơn nhớ lại. Rút kinh nghiệm từ thất bại lần trước, anh Sơn quy hoạch ao nuôi một cách bài bản. Để có cá giống nuôi vỗ thành thương phẩm, anh Sơn phải thu gom cá bé của ngư dân sau mỗi chuyến ra khơi về thuần hóa thành cá nước lợ. Môi trường nuôi sạch, thức ăn là moi, cá tạp xay nhỏ có sẵn tại địa phương đã giúp cho cá bống bớp phát triển tốt, chất lượng thịt cá thơm ngọt tự nhiên được thị trường ưa chuộng, có bao nhiêu anh xuất bán hết đến đó. Ngay năm đầu tiên, anh Sơn đã thu về một khoản tiền đáng kể.

Chứng kiến thành công từ mô hình của anh Sơn, nhiều hộ dân trong vùng cũng chuyển sang nuôi cá bống bớp thương phẩm. Người nuôi nhiều, nhu cầu về con giống ngày càng tăng, trong khi chưa chủ động cho cá sinh sản được mà phụ thuộc vào đánh bắt tự nhiên nên cá giống càng ngày càng khan hiếm hơn. Nhận thức nhanh vấn đề phải đảm bảo chủ động được con giống thì sản xuất mới hiệu quả anh Sơn nảy ý tưởng nghiên cứu cho cá đẻ nhân tạo để đảm bảo việc nuôi cá thương phẩm. Nghĩ là làm, năm 2012, anh Sơn đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng trại sản xuất giống và mời kỹ sư thủy sản từ Hải Phòng về trực tiếp chuyển giao kỹ thuật nhân giống cá bống bớp. “Mặc dù có kỹ sư hướng dẫn nhưng giữa lý thuyết và thực tế phát sinh rất nhiều vấn đề do vậy tôi vẫn phải chủ động là chính. Thời gian đầu tỷ lệ cá đậu chỉ đạt 30%. Tôi tiếp tục tự mày mò quan sát, nghiên cứu đặc điểm sinh sản của cá bống bớp không kể ngày đêm, từ đó dần điều chỉnh phương pháp cho phù hợp. Tỷ lệ cá đậu cũng tăng dần”. Hiện tỷ lệ cá đậu đã đạt trên 60% - anh Sơn cho biết. Sau thành công khi “bắt” cá bống bớp đẻ, anh Sơn tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô và chuyển sang sản xuất giống cá bống bớp là chủ yếu. Từ 1,5ha nuôi thương phẩm ban đầu, đến nay trang trại của anh Sơn được mở rộng lên tới 10ha với công nghệ hiện đại; trong đó có 2ha ao nuôi thương phẩm được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, 8ha còn lại được chia thành hơn 100 bể ương giống với mỗi bể có thể tích 6m3.

Nhằm gia tăng giá trị cá bống bớp, anh Sơn đã liên kết với gần 300 hộ nuôi ở địa phương và các xã lân cận xây dựng chuỗi sản xuất an toàn khép kín theo tiêu chuẩn VietGAP từ khâu sản xuất, cung ứng con giống đến nuôi thương phẩm, thu mua, sơ chế và tiêu thụ cá bống bớp. Trong chuỗi liên kết này, anh Sơn là người cung ứng con giống, thức ăn thủy sản, hỗ trợ về kỹ thuật… và tổ chức bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm của các hộ nuôi. Mỗi năm, anh Sơn xuất bán 5 tấn cá thương phẩm, cung ứng hơn 10 triệu con giống và tổ chức thu mua 500-600 tấn cá cho bà con, thu lãi bình quân mỗi năm 1,5 tỷ đồng. Tham gia chuỗi liên kết của anh Sơn, các hộ nuôi cũng lãi bình quân 200-300 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, anh Sơn còn tạo điều kiện giúp đỡ cho 24 lao động có công ăn việc làm thường xuyên tại trại với thu nhập từ 6-10 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ đi đầu trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, anh Sơn còn là hạt nhân tiêu biểu trong các phong trào của địa phương, đặc biệt là trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng như xây dựng NTM bền vững và phát triển. Anh đã ủng hộ làm đường giao thông tại xã Nghĩa Thành và tổ dân phố 6, thị trấn Rạng Đông với số tiền 330 triệu đồng; ủng hộ xây dựng công trình tín ngưỡng, tôn giáo địa phương với số tiền 120 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn ủng hộ nông dân nghèo gặp rủi ro, quỹ vì người nghèo, quỹ tặng sổ tiết kiệm cho tân binh và các phong trào thể thao, văn hóa tại địa phương… Với vai trò Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh và Hội Nông dân huyện Nghĩa Hưng nhiệm kỳ 2018-2023, anh Sơn luôn tích cực tuyên truyền, vận động các thành viên trong gia đình, người dân ở tổ dân phố và các hộ nuôi trong CLB sản xuất kinh doanh giỏi, tổ hợp tác nuôi cá bống bớp chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và chung tay cùng với chính quyền địa phương thực hiện chương trình xây dựng NTM. Anh đã vận động người dân tự nguyện đóng góp, ủng hộ bằng tinh thần, vật chất, ngày công lao động để trồng cây, trồng hoa, quét vôi, giữ vệ sinh môi trường theo tiêu chí “Sáng - xanh - sạch - đẹp”; tham gia mua bảo hiểm y tế và công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình… Bằng tinh thần và trách nhiệm, anh Sơn đã góp phần cùng chính quyền thị trấn Rạng Đông xây dựng thành công chương trình NTM trong năm 2016 và đang từng bước tiến tới NTM kiểu mẫu, nâng cao.

2018, anh Nguyễn Văn Sơn được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng Cúp Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu 3 năm 2015, 2016, 2017 và biểu dương “Tấm lòng vàng vì nông dân Việt”. Với những thành tích đạt được, anh Sơn được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen tôn vinh điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020./.

và ảnh: Ngọc Ánh

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang