Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 27/01/2020
Ngày cập nhật:
29/1/2020
Năm 2019, nhìn chung hoạt động nuôi trồng thủy sản tại huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) phát triển tương đối ổn định, hầu hết nông dân có lợi nhuận khá. Trên địa bàn huyện ngày càng xuất hiện nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản cho giá trị kinh tế cao.
Nuôi ngao tại vùng biển Kim Sơn.
Nghề nuôi ngao, hàu giống bắt đầu xuất hiện ở huyện Kim Sơn từ năm 2016 nhưng đến nay đã phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê của Trạm Thủy sản Kim Sơn - Yên Khánh, trên địa bàn vùng nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ Kim Sơn hiện có 108 cơ sở sản xuất giống thủy sản nhuyễn thể, trong đó có 60 cơ sở sản xuất hàu giống, gần 40 cơ sở sản xuất ngao giống. Là một trong những người đầu tiên đưa nghề nuôi ngao, hàu giống về vùng quê Kim Trung, đến nay gia đình ông Đinh Hữu Ước đã có thể thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.
Ông Ước cho biết: Mô hình sản xuất ngao, hàu giống đảm bảo về môi trường vì nuôi tảo tự nhiên, thời gian quay vòng nhanh, ít chịu ảnh hưởng về thời tiết do có nhà xưởng để điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng... Năm 2016, gia đình tôi được giao khoán thêm 1ha đất để đầu tư xây dựng nhà trại sản xuất hàu giống.
Với tổng diện tích 2ha, tôi đã tổ chức sản xuất ngao, hàu giống kết hợp nuôi 1 vụ tôm. Năm 2019, gia đình tôi đã xuất bán khoảng 50 triệu con giống, thu về hơn 1 tỷ đồng. Trong quá trình sản xuất hàu giống, tôi ký hợp đồng trực tiếp với Công ty thủy sản ở Quảng Ninh về tiêu thụ con giống, đảm bảo ổn định về đầu ra và có sự tương tác hỗ trợ giữa doanh nghiệp và cơ sở sản xuất.
Theo tổng hợp của các ngành chức năng, tổng số lượng giống thủy sản sản xuất trong năm tại huyện Kim Sơn đạt 36.600 triệu con, trong đó giống ngao là 34.000 triệu con, giống hàu là 2.650 triệu con, giống cua xanh là 3,1 triệu con.
Bên cạnh phát triển nuôi trồng các giống thủy sản mới, nhiều mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong nuôi tôm cũng xuất hiện và được nhân rộng. Trong đó nổi bật là mô hình nuôi tôm trái vụ. Ưu điểm của nuôi tôm trái vụ là hiệu quả kinh tế do giá thu mua cao, tuy nhiên trước đây ít hộ dám thử nghiệm do rủi ro về thời tiết cũng như yếu tố kỹ thuật về ao nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu.
Chính vì vậy, việc nghiên cứu và áp dụng thành công mái che cho ao nuôi đã mở ra hướng nuôi tôm trái vụ cho người nông dân. Gia đình anh Trần Văn Bộ (xóm 3, xã Kim Đông) là hộ nuôi nhỏ lẻ đã và đang áp dụng thành công phương pháp này. Anh Bộ cho biết: Tôm trái vụ cho hiệu quả kinh tế rất cao, giá từ 1,5-2 lần so với đúng vụ. Trong khi đó, nuôi đúng vụ vẫn phải chịu những rủi ro từ thời tiết và dịch bệnh.
Do đó, tôi đã tìm cách để chuyển hướng nuôi tôm trái vụ. Năm 2018, tôi đầu tư 150 triệu đồng để xây dựng ao nuôi có mái che, diện tích 1.500 m2. Mái che có tác dụng giữ được nhiệt bên trong ao, vào mùa đông khi nhiệt độ bên ngoài trời là 17- 22 độ C thì bên trong vẫn có mức nhiệt là 25-30 độ C, đảm bảo thích nghi cho tôm. Đặc biệt mái che còn có tác dụng ngăn cản dịch bệnh lây lan từ bên ngoài vào.
Nhờ thực hiện hiệu quả mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, cơ sở nuôi tôm của anh Trần Văn Bộ đã đạt được kết quả tốt. Con tôm hạn chế được dịch bệnh và lớn nhanh, mỗi năm có thể nuôi từ 3-4 vụ với sản lượng 6-8 tấn/năm, lợi nhuận đạt 50%.
Được biết năm 2019, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện Kim Sơn hiện là 4.370ha, trong đó, diện tích nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ là 3.350ha, diện tích nuôi thủy sản nước ngọt khoảng 1.020ha. Diện tích nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ tập trung tại khu vực từ đê Bình Minh 1 ra đến Cồn Nổi, tại địa phận các xã Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải với phương pháp nuôi quảng canh cải tiến tôm sú và cua xanh, nuôi công nghiệp và bán công nghiệp với giống tôm thẻ chân trắng.
Diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt nằm rải rác tại các địa phương khác, xen kẽ với diện tích trồng lúa. Trong đó diện tích ao hồ nuôi trồng thủy sản là 870ha và diện tích chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản là 150ha.
Trong năm 2019, tuy gặp nhiều khó khăn song ngành thủy sản huyện Kim Sơn vẫn thắng lợi toàn diện, cả về năng suất, sản lượng. Theo đó, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt hơn 28.300 tấn. Sản lượng thủy sản nước mặn, lợ là 24.700 tấn, trong đó: Ngao 17.800 tấn, tôm sú 365 tấn, tôm rảo 185 tấn, cua xanh 385 tấn, tôm thẻ chân trắng 760 tấn, rong câu 547 tấn, thuỷ sản khác 175 tấn, khai thác 4.447,5 tấn... Sản lượng thủy sản nước ngọt là 3.670 tấn, trong đó, cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép là 3.400 tấn, thủy sản nước ngọt khai thác: 164.4 tấn...
Ông Trần Anh Khiêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Sơn cho biết: Trong năm, ngành thủy sản Kim Sơn đã tập trung chuẩn bị tốt cho các điều kiện nuôi thả thủy sản. Từ công tác cải tạo ao đầm, khử trùng và vệ sinh đáy ao nuôi đến công tác kiểm soát môi trường ao nuôi, dịch bệnh giống thủy sản được các cơ quan chức năng quan tâm.
Bên cạnh đó, công tác quản lý giống được siết chặt, UBND huyện Kim Sơn đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, kiểm soát vận chuyển giống thuỷ sản lưu thông trên địa bàn huyện. Ngoài ra, việc tập huấn nâng cao kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cũng được quan tâm, nhiều lớp tập huấn kỹ thuật và đào tạo sơ cấp thủy sản được khai giảng, góp phần nâng cao chất lượng kỹ thuật canh tác, giảm thiểu dịch bệnh trong vụ sản xuất.
Bài, ảnh: Thái Học - Anh Tuấn
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.