Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 18/09/2020
Ngày cập nhật:
21/9/2020
Trên mặt hồ trong mát, núi rừng xanh thẳm bao quanh, lồng bè cá với 40 ô trải rộng cả ngàn mét vuông như một nét chấm phá cho bức tranh thủy mặc sống động. Đưa đôi tay trần kéo lưới, ông Nguyễn Hữu Tình (thôn Tiến Thắng, xã Gia Viễn, Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) khéo léo đưa vợt chụp lấy con cá lăng to khỏe vừa tầm trọng lượng theo đơn đặt hàng của khách sành ăn, ông kể về hành trình tạo dựng nghề nuôi cá trên hồ Đắc Lô.
Ông Nguyễn Hữu Tình làm giàu từ nghề nuôi cá lồng bè
Hướng đến chất lượng
Ông Nguyễn Hữu Tình (SN 1957) là con trai út trong gia đình đông anh em. Cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt, các anh lần lượt lên đường rồi hy sinh, ông chưa đến tuổi nên ở nhà chăm sóc cha mẹ (sau này mẹ ông được phong tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng). Quân bành trướng kéo sang, ông Tình nhận nhiệm vụ lên biên giới phía Bắc bảo vệ Tổ quốc, đến năm 1981 ông mới trở về phụng dưỡng cha mẹ già, con nhỏ. Năm 1985, một trận vỡ đê lớn, cửa nhà ông trôi hết, tài sản, giấy tờ tùy thân không còn gì, chỉ còn mỗi con người. Cái nghèo thôi thúc đi tìm miền đất mới, năm 1988 ông đưa cha mẹ, vợ con vào Gia Viễn, Cát Tiên.
Đặt chân đến vùng đất lúa gạo, vợ chồng ông Tình vừa mua đất vừa cùng nhau khai hoang được hơn 2 ha ruộng, mỗi năm trồng cấy 2 vụ. Vốn sinh ra trong gia đình có nghề đánh bắt thủy sản từ thời cha ông, thuở nhỏ ông Tình đã quen với sông nước luồng lạch, rong ruổi bắt cá trên nhiều dòng sông quê như sông Bôi, sông Bến Đang, sông Hoàng Long. Chỉ cần nghe tiếng cá quẫy thôi đã biết nó là loại cá gì. Đến quê mới, ông vẫn luôn nhớ nghề, thấy ở thị trấn Cát Tiên có nhiều bàu nước (vùng đất trũng), hàng năm, tháng 5 - 6 khi mưa xuống, nước ngập đầy bàu, ông lại đánh bắt cá; qua mùa khô, gần tết nước cạn, ông quay về trồng lúa. Với truyền thống gia đình và từng là người lính, ông không cam chịu đói nghèo, ngày đêm làm lụng vừa đánh cá vừa làm ruộng, cuộc sống của gia đình ông Tình từ ổn định đi đến đủ đầy.
Cá thiên nhiên đánh bắt mãi cũng dần cạn kiệt; đồng ruộng sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học làm cho nguồn thủy sản không còn sinh sôi nhiều như xưa. Cách nhà ông không xa, mặt hồ Đắc Lô rộng lớn khiến ông trăn trở phải phát triển nghề nuôi cá. Nghĩ là làm, năm 2014 khi đã ở tuổi 57, ông hợp đồng với Trung tâm Khai thác thủy lợi Lâm Đồng thuê mặt nước rồi gây dựng những lồng bè đầu tiên. Mới đầu vài lồng bè chỉ làm tạm từ cây lồ ô chặt ở rừng về, ít bữa là hư, dần mở rộng quy mô, ông thay thế bằng khung sắt chắc chắn. Đến nay, ông Tình đã phát triển lên 40 ô lồng nuôi theo từng lứa, cứ 2 - 3 tháng thả cá giống 1 lần, bán hết cá lớn, lại đến lứa khác, lúc nào cũng có cá bán “gối đầu”. Ông tính toán mật độ thả để cá nuôi từng ô có không gian vẫy vùng. Trong 5 năm, từ 2014 - 2018, ông nuôi “cuốn chiếu” các loại cá như diêu hồng, cá đơn tính ưa nguồn nước sạch, thời gian nuôi chỉ 6 - 7 tháng.
Thấy cá bán trên thị trường mập mạp, khỏe đẹp, giá rẻ, ông Tình đã đi tìm hiểu tham quan nhiều mô hình nuôi cá lồng bè ở Trị An, Long An, La Ngà. Được chứng kiến: ngoài cho ăn cám tổng hợp, họ còn tận dụng nguồn mỡ, nội tạng động vật từ các lò mổ lớn quanh các khu công nghiệp như mỡ heo, trâu, bò, nội tạng của vịt, gà, ngan ngỗng… nên cá ăn mau lớn, to đẹp, nặng ký, giá thành rẻ, nhưng chất lượng thịt bở hơn cá của ông. Trở về, ông Tình không muốn học theo họ, mà quyết định nuôi theo cách của riêng mình. Cá ông nuôi không mập mạp, bóng bẩy mà thon dài, bụng lép, thân chắc, ăn rất ngon, được người dân ưa chuộng lựa chọn.
Để cá đạt chất lượng, ông Tình quan tâm từ nguồn thức ăn cho đến môi trường sống cho cá. Thức ăn là nguồn cám từ các cơ sở xay xát lúa gạo Cát Tiên được phối trộn, vo viên kết hợp với cho ăn cám tổng hợp. Ông quan tâm đến bảo vệ môi trường nước, bảo vệ rừng đầu nguồn quanh hồ, không gây tác động xấu để phát triển nghề nuôi cá bền vững.
Khi mới nuôi thí điểm vào năm 2014, ông Tình thu 30 - 40 tấn cá/năm, lượng cá thịt tăng dần lên, năm 2016 - 2017 đạt cao điểm bán 100 tấn cá/năm, thu lợi cả tỷ đồng. Cá của ông cũng chỉ đủ cung ứng cho vùng Cát Tiên, một ít qua 2 huyện phía Nam (Đạ Huoai, Đạ Tẻh) và một ít qua huyện Bù Đăng (Bình Phước). Từ mô hình lồng bè của ông Tình, đến nay trên hồ Đắc Lô đã có 4 hộ nuôi cá, trong đó có 2 lồng bè của các con ông. Ông Tình đã truyền kinh nghiệm và khai mở một hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở một huyện có diện tích mặt nước lớn như Cát Tiên, phá thế độc canh cây lúa.
Làm du lịch từ nghề cá
Mấy năm đầu thiên nhiên ưu đãi, khí hậu mát mẻ, trong lành, cá phát triển mạnh đem lại nguồn thu nhập lớn, gia đình ông có cuộc sống khá giả. 2 năm trở lại đây, việc nuôi cá không được như mong muốn, do vào mùa khô nước hồ bị nhiễm phèn. Lượng phèn rửa trôi từ khe núi theo mưa đổ về tích tụ ở đáy hồ; khi mực nước sâu (13 m), nước trong xanh, cá không ảnh hưởng gì, nhưng vào mùa gió chướng (tháng 11) và cuối mùa khô (tháng 4 - 6) là lúc xả máng dẫn vào đồng ruộng, mực nước cạn (3 m), phèn từ đáy hồ sục lên, đỏ ngầu, hăng nồng khiến con người còn khó chịu, cá chết làm cho ông Tình mất ăn, mất ngủ. Ông đã tìm cách xử lý phèn ở khu nuôi, nhưng mặt nước rộng vài trăm ha, việc xử lý là không xuể. Trước khó khăn, ông liền tìm cho mình hướng phát triển mới bằng cách rút bớt không nuôi một số loại cá ngắn ngày không chịu được phèn, chuyển qua nuôi các loại cá cao cấp như cá lăng, cá koi Nhật chất lượng thịt ngon đang được ưa chuộng, có hiệu quả kinh tế cao; cá diêu hồng chỉ là nuôi kèm để lấy ngắn nuôi dài. Riêng cá lăng là loài rất thích hợp với môi trường sống tại đây, dù thời gian nuôi kéo dài từ 18 - 24 tháng, nhưng sức chống chịu tốt, giá bán tại bè đến 200 ngàn đồng/kg. Đồng thời kết hợp nghề nuôi cá với làm du lịch.
Ở tuổi 64, ông Tình vẫn đi về giữa nhà và bè, một ngày không nghe tiếng quẫy đuôi, rào rào đớp mồi của đàn cá là thấy nhớ. Cứ có khách đứng trên bờ đập gọi vọng ra, ông lại chèo thuyền vào bờ, chở khách ra tận lồng bè của mình. Thi thoảng có đoàn khách đến du lịch ngắm cảnh hồ, ông trở thành “hướng dẫn viên” đưa đi tham quan quanh hồ. Trước đây, chiếc thuyền nhỏ gắn máy chỉ chở được 10 khách, thì giờ đây, ông vừa đầu tư đóng một chiếc du thuyền lớn chắc chắn, có mái che mưa nắng, sức chứa đến 30 - 40 người. Thường mỗi ngày ông chỉ cho cá ăn no một bữa chính, khi có khách tham quan, khách sẽ được tự tay múc cám cho cá ăn để có cơ hội chiêm ngưỡng đàn cá đông đúc. Khách có nhu cầu thưởng thức cá, ông sẽ làm các món ăn từ cá thuần thục như một đầu bếp. Vừa thưởng thức các món ăn từ cá lăng đặc sản vùng sông nước Đồng Nai và hồ Đắc Lô kèm ly rượu đậm được chưng cất từ lúa gạo Cát Tiên giữa trời nước mênh mông, vừa ngắm cá đua nhau đớp mồi, nghe tiếng quẫy đuôi trong làn nước trong mát, giữa bốn bề núi rừng ngát xanh, cùng sự nồng hậu của ông Tình khiến du khách chưa xa đã thấy nhớ.
QUỲNH UYỂN
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.