Nguồn tin: Báo Phú Yên, 22/09/2020
Ngày cập nhật:
23/9/2020
Người nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu đang thu hoạch tôm nuôi. Ảnh: ANH NGOC
Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên tôm hùm nuôi không xuất khẩu được, giá tôm ở mức thấp khiến người nuôi gặp khó khăn. Trước tình hình này, UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo các sở, ngành và địa phương liên quan khẩn trương tìm giải pháp “giải cứu” tôm hùm nuôi và tăng cường công tác quản lý để nghề nuôi thủy sản lồng bè phát triển bền vững hơn.
Phá vỡ quy hoạch
Theo Sở NN-PTNT, thực trạng những năm gần đây cho thấy, số lượng lồng bè nuôi tôm hùm tại các vùng nuôi trên địa bàn tỉnh gia tăng, vượt hơn nhiều so với quy hoạch. Đến tháng 9/2020, toàn tỉnh có hơn 90.690 lồng (tăng gần gấp đôi so với quy hoạch), trong đó tôm hùm thương phẩm 76.025 lồng, tôm hùm ương hơn 11.680 lồng, cá biển 2.985 lồng.
Việc gia tăng số lượng lồng nuôi phá vỡ quy hoạch sẽ mang đến một số hệ lụy như vùng nuôi bị ô nhiễm, dịch bệnh bùng phát khó kiểm soát, nuôi không theo quy hoạch nên việc truy xuất nguồn gốc tôm nuôi gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc xuất khẩu không thể thông qua đường chính ngạch...
Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, tôm hùm nuôi không xuất khẩu được, chủ yếu tiêu thụ nội địa nên người nuôi đang gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ hạn chế, giá tôm thương phẩm rất thấp… Hiện sản lượng tôm hùm nuôi trên địa bàn tỉnh đã đến thời kỳ thu hoạch còn khoảng 500 tấn, Sở NN-PTNT và các địa phương đã có nhiều giải pháp, trong đó có làm việc và khuyến khích doanh nghiệp thu mua tôm hùm trên địa bàn tăng cường tìm kiếm thêm một số thị trường nội địa nhằm tiêu thụ sản phẩm tôm nuôi với mức giá ổn định, giúp ngư dân nuôi tôm vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, do việc kết nối thị trường nội địa còn hạn chế nên lượng tôm hùm nuôi tiêu thụ chưa mạnh, giá tôm vẫn còn ở mức thấp.
Ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, cho biết: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TX Sông Cầu đã thu hoạch khoảng 30.680 lồng tôm hùm nuôi, với sản lượng khoảng 460 tấn. Hiện ở địa phương còn khoảng 57.800 lồng, trong đó ương tôm hùm giống khoảng 5.800 lồng, tôm hùm thương phẩm khoảng 52.000 lồng. Trong số tôm hùm nuôi thương phẩm, hiện ở Sông Cầu có khoảng 20.000 lồng tôm nuôi đã đến thời kỳ thu hoạch, sản lượng khoảng 300-350 tấn.
Mặc dù thời gian gần đây, giá tôm thương phẩm có tăng lên nhưng vẫn còn thấp (tôm hùm bông loại 1 từ 800.000-1 triệu đồng/kg; tôm hùm xanh loại 1 từ 500.000-700.000 đồng/kg), người nuôi xuất bán số lượng không nhiều.
Còn theo ông Đỗ Tấn Thành, cán bộ Phòng Kinh tế TX Đông Hòa, ở địa phương, tôm hùm được nuôi chủ yếu tại khu vực vịnh Vũng Rô. Khu vực nuôi này có khoảng 13.700 lồng tôm hùm, đến nay đã thu hoạch hơn một nửa với sản lượng khoảng 120 tấn, sản lượng tôm còn lại khoảng 80-90 tấn.
Do khu vực vịnh Vũng Rô tỉnh chỉ quy hoạch tạm thời và cho phép tồn tại đến tháng 10/2021 nên địa phương đang vận động người nuôi không phát sinh lồng bè, không tiếp tục thả nuôi mới và kết thúc nuôi trồng thủy sản ở khu vực này trong thời hạn tỉnh cho phép.
Gỡ khó cho ngư dân
Theo Sở NN-PTNT, diện tích nuôi trồng thủy sản lồng bè ở Phú Yên đã được tỉnh quy hoạch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là 1.650ha, trong đó huyện Tuy An 650ha, TX Sông Cầu 1.000ha (đầm Cù Mông 253ha, vịnh Xuân Đài 747ha), riêng TX Đông Hòa (vịnh Vũng Rô) được quy hoạch tạm thời đến tháng 10/2021.
Theo đó, tổng số lồng bè nuôi theo quy hoạch trên là 49.000 lồng, trong đó huyện Tuy An 16.100 lồng (nuôi tôm hùm thương phẩm 11.000 lồng, ương tôm hùm giống 4.000 lồng, nuôi cá 1.100 lồng); TX Sông Cầu 32.900 lồng (16.000 lồng nuôi tôm hùm thương phẩm, 14.000 lồng ương tôm hùm giống, 2.900 lồng nuôi cá các loại).
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Do số lượng lồng bè nuôi tôm hùm tại các vùng nuôi trên địa bàn tỉnh tăng cao, nhu cầu con giống ngày càng lớn, hoạt động kinh doanh tôm hùm giống trên địa bàn tỉnh diễn ra phức tạp, khó kiểm soát.
Sở NN-PTNT đã kiến nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo Cục Thú y tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tôm hùm giống nhập khẩu về địa phương chặt chẽ hơn. Các địa phương sớm quy hoạch chi tiết các vùng nuôi và giao, cho thuê mặt nước để ổn định vùng nuôi; đồng thời tăng cường công tác quản lý theo quy hoạch, không để tình trạng phát sinh phá vỡ quy hoạch tại các vùng nuôi trồng thủy sản.
Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo và Sở Công thương đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan bàn giải pháp tiêu thụ sản phẩm tôm hùm nuôi trên địa bàn. Sở Công thương chuẩn bị tổ chức kết nối cung cầu đối với sản phẩm tôm hùm nuôi tại địa phương đến một số tỉnh, thành phố trong cả nước, trước mắt sẽ tổ chức kết nối tại TP Hồ Chí Minh (dự kiến từ ngày 24-27/9) và tại TP Đà Nẵng.
Để việc kết nối này thành công, Sở Công thương đề nghị Sở NN-PTNT và các địa phương chọn giúp một số doanh nghiệp chuyên thu mua tôm hùm trên địa bàn, cùng tham gia với Sở Công thương để tiến hành xúc tiến và kết nối, giới thiệu sản phẩm tôm hùm. Ngoài ra, để quảng bá tôm hùm nuôi tại Phú Yên, Sở Công thương đã kiến nghị UBND tỉnh đưa hình ảnh đối tượng nuôi này lên trang thông tin điện tử của UBND tỉnh để các địa phương và người tiêu dùng trong cả nước biết.
ANH NGỌC
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.