• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Quảng Ninh: Phát triển bền vững nghề nuôi biển

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh, 22/09/2020
Ngày cập nhật: 25/9/2020

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh, tổng diện tích nuôi trồng thủy hải sản trên địa bàn tỉnh đến nay đạt 21.123ha, đạt trên 102% kế hoạch đã đề ra, nằm chủ yếu ở các địa phương Vân Đồn, Tiên Yên, Móng Cái, Hải Hà, Cẩm Phả, Quảng Yên. Trong đó, diện tích nuôi biển đạt khoảng 18.141ha, bao gồm các đối tượng nuôi chủ lực, như: Tôm, nhuyễn thể, cá các loại, cua.

Nuôi cá biển trong ô lồng của người dân huyện Vân Đồn.

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản trên biển, có thể khẳng định, nuôi nhuyễn thể được phát triển mạnh mẽ nhất, bởi hầu hết các địa phương ven biển đều có diện tích các bãi triều và mặt nước biển kín gió; phương pháp và hình thức nuôi đơn giản, chủ yếu là giàn bè, lồng treo hoặc thả nuôi dọc các bãi triều, với các đối tượng nuôi chủ yếu là: Hàu, ốc, tu hài, ngao các loại. Hiện diện tích nuôi nhuyễn thể trên địa bàn tỉnh đạt 4.457ha, tăng trên 1.000ha so với năm 2017, tập trung ở các địa phương Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà, Quảng Yên và Móng Cái. Theo ước tính, sản lượng nuôi trồng nhuyễn thể trên địa bàn tỉnh mỗi năm đạt trên 31.500 tấn, năng suất bình quân đạt trên 7,5 tấn/ha, chiếm gần 23% tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh.

Huyện Vân Đồn được coi là địa phương đi đầu cả tỉnh về nuôi trồng nhuyễn thể, với sản lượng năm sau cao hơn năm trước và cho thu nhập ổn định. Ông Nguyễn Quang Ninh, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn, cho biết: Trước đây khi chưa có dịch Covid-19, trung bình mỗi ngày tại Vân Đồn có từ 200-300 tấn nhuyễn thể được người dân thu hoạch, bán ra thị trường với giá cả ổn định. Rất nhiều gia đình đã trở thành triệu phú, với thu nhập bình quân mỗi năm trên dưới 1 tỷ đồng. Năm 2020, do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ nhuyễn thể tạm lắng, nhưng sẽ sôi động trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Mô hình nuôi tôm, cua kết hợp của ông Bùi Huy Minh (xã Tiền Phong, TX Quảng Yên).

Ngoài nuôi trồng nhuyễn thể, tỉnh đang tiếp tục duy trì, phát triển bền vững nuôi cá biển. Đây được coi là nghề truyền thống của người dân, tuy nhiên, do vùng nuôi ngày một bó hẹp nên diện tích nuôi chỉ còn chiếm trên 1.300ha, với khoảng 14.506 ô lồng, tập trung ở các địa phương: Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà, Cẩm Phả. Đối tượng nuôi chủ yếu vẫn là cá song, vược, giò, hồng mỹ. Sản lượng hàng năm đạt trên 5.400 tấn, năng suất bình quân đạt 4,1 tấn/ha; hiệu quả kinh tế trung bình đạt trên 230 triệu đồng/ha.

Để thúc đẩy nghề nuôi cá biển phát triển mạnh mẽ và bền vững, tỉnh đang phối hợp với Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam xây dựng kế hoạch phát triển nuôi công nghiệp, công nghệ cao đến năm 2025. Trong đó, sẽ tập trung mở rộng diện tích nuôi ra các vùng biển mở, vịnh hở và vùng biển xa bờ, nơi có độ sâu lớn. Được biết, hiện nay Công ty Phúc Quảng đang thực hiện dự án nuôi cá biển công nghiệp tại Cẩm Phả theo công nghệ tiên tiến của Na Uy, với quy mô 60ha, năng suất có thể đạt đến 20 tấn/ha, sản lượng hàng năm có thể đạt đến 1.000 tấn cá biển.

Cùng với 2 loài chủ lực nói trên, tỉnh ưu tiên phát triển nuôi tôm, trong đó đã chuyển dần từ nuôi quảng canh sang nuôi công nghiệp, quy mô tập trung. Hiện diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh có 6.979ha, trong đó có 3.812ha nuôi tôm công nghiệp, bao gồm: Tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Sản lượng tôm đến nay của Quảng Ninh đạt 15.737 tấn, tăng trên 4.100 tấn so với năm 2017; năng suất bình quân về nuôi tôm đạt 2,25 tấn/ha, đứng đầu các tỉnh phía Bắc. Nhiều mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của tỉnh áp dụng công nghệ tiên tiến, cho năng suất đạt 20 tấn/ha/năm, lợi nhuận mang lại đến 900 triệu đồng/ha/năm, điển hình như tại Móng Cái, Đầm Hà, Tiên Yên. Tỉnh đang tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực về công nghệ, vốn đầu tư vào lĩnh vực nuôi tôm, phấn đấu đến năm 2025 Quảng Ninh trở thành trung tâm sản xuất tôm của toàn miền Bắc.

Người dân nuôi trồng nhuyễn thể tại vùng biển Vân Đồn.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, để phát triển bền vững nghề nuôi biển, đơn vị đã phối hợp với các địa phương lập quy hoạch chi tiết các vùng nuôi; khuyến khích các doanh nghiệp hình thành nên 19 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Các cơ sở này đang sản xuất, cung ứng được 1,5 tỷ con giống thủy sản, đáp ứng cho khoảng 62,5% nhu cầu của người nuôi.

Với những kết quả đạt được trong nuôi thủy sản trên biển đã góp phần nâng tổng sản lượng thủy sản của tỉnh đến năm 2020 đạt 137.200 tấn (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra 135.000 tấn); giá trị sản xuất thủy sản năm 2020 ước đạt gần 13.000 tỷ đồng. Theo định hướng trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh Quảng Ninh sẽ siết chặt công tác quản lý, cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển; loại dần những địa điểm, vùng nuôi không đúng quy hoạch; khuyến khích các cơ sở, người nuôi sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, phát triển công nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Mạnh Trường

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang