Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 08/10/2020
Ngày cập nhật:
12/10/2020
Trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng phát triển nhiều mô hình nuôi thủy sản nước ngọt cho hiệu quả kinh tế cao, trong đó có mô hình nuôi lươn được hộ dân lựa chọn nuôi theo hình thức là xây bể ximăng, cho bùn vào mới thả lươn nuôi, nhằm tạo môi trường nuôi gần với tự nhiên hoặc nuôi lươn trong bể có dây nilông thay thế bùn. Cả hai hình thức nuôi lươn trên đang được áp dụng nuôi hầu hết tại các hộ gia đình. Tuy nhiên, với anh Hồ Văn Nông, ấp Vĩnh Kim, xã Vĩnh Quới (TX. Ngã Năm) thì lại chọn nuôi lươn không bùn, kết hợp lót vỉ đáy bể nuôi, đem lại nguồn thu nhập ổn định.
Có dịp ghé tham quan mô hình nuôi lươn không bùn tại nhà anh Nông, đúng lúc anh đang thay nước cho bể nuôi lươn. Khi nước rút cạn, từng con lươn chen chúc nhau vào miếng vỉ lót dưới đáy bể nuôi, đưa cái miệng lên khỏi mặt nước, thân hình cứ lắc lư trong nước. Còn anh Nông thì dùng cái cây dài có gắn thêm miếng cước liên tục kỳ cọ đáy bể nuôi và đùa luôn cặn thức ăn thừa đáy ao theo dòng nước chảy ra bên ngoài. Có điều lạ là mực nước trong bể khá cạn nhưng những con lươn vẫn gom lại trong vỉ dưới đáy ao đu bám vào không hề túa ra bên ngoài.
Anh Nông vệ sinh bể nuôi lươn 3 lần/ngày nhằm đảm bảo nguồn nước trong bể nuôi lươn luôn sạch. Ảnh: THÚY LIỄU
Công việc cứ như thế hết ao này đến ao kia. “Tôi bắt đầu nuôi lươn tầm giữa năm 2016. Một số bể nuôi lươn hiện tại được tận dụng từ chuồng nuôi heo của gia đình. Vụ nuôi đầu tiên do chưa có kinh nghiệm nên tôi chỉ nuôi thử nghiệm 5.000 con lươn giống và được chia làm 2 bể nuôi (2.500 con/bể). Với số lượng lươn như trên nuôi trong vòng 12 tháng thì xuất bán, thu về lợi nhuận khá. Do đó, tôi quyết định xây thêm bể nuôi và áp dụng kỹ thuật nuôi mới. Lúc trước để làm chỗ trú ngụ cho lươn, tôi phải đóng vỉ bằng cây rồi thả vào đáy ao, nhưng qua thời gian, cây bị đóng rong kèm theo đó là gặp khó khăn khi mỗi lần vệ sinh bể nuôi phải mang cả vỉ cây ra chà rửa cho sạch rong, lươn đang trú ngụ trong đó phải túa ra bên ngoài nên bị sốc, thậm chí có con bị chết. Thấy việc dùng vỉ lót bằng cây cho lươn không ổn, tôi đã nghĩ cách làm chiếc vỉ gọn nhẹ hơn, dùng dây gân đan thành vỉ thay thế vỉ cây, bên trong vỉ dây gân có thêm lưới chài nhỏ, tùy theo kích cỡ lươn nuôi, sẽ cho lưới vào phía bên trong vỉ, xung quanh vỉ được bao quanh bằng chiếc ống nước bằng nhựa, ngăn thức ăn cho lươn khỏi trôi ra bên ngoài vỉ” - anh Nông bộc bạch.
Sau khâu vệ sinh bể nuôi lươn, anh Nông đi nhanh về phía mô tơ điện mở công tắc cho nước chảy vào bể nuôi, anh Nông chia sẻ tiếp: “Một trong những khâu quan trọng để nuôi lươn thành công là phải tạo được nơi cho lươn trú ngụ bên trong bể, nhiều người chọn cách bỏ bùn vào ao nuôi, có người chọn dây nilông kết thành chùm cho vào bể. Riêng tôi chọn vỉ nuôi bằng dây gân kết hợp lưới chài do nhẹ chi phí, đặc biệt là dễ quan sát được con lươn bên trong bể. Còn bùn hay dây nilông rất khó phát hiện khi lươn gặp vấn đề về dịch bệnh bởi chúng bám vào lớp bùn hay nilông và bị che lấp hết nên việc quản lý bệnh trên lươn nuôi gặp khó, khi lươn bệnh phát hiện được thì khó điều trị vì đã ở giai đoạn nặng. Bên cạnh đó, nuôi lươn cần phải đảm bảo môi trường nước luôn sạch, phải thay nước 3 lần/ngày cho bể nuôi theo một khung giờ nhất định, nước đưa vào bể phải là nước sạch và trong. Nếu như nuôi các loài thủy sản khác cứ việc thả thức ăn xuống bể nuôi là chúng tự đến ăn, thì nuôi lươn thức ăn phải trôi đến tận miệng chúng mới ăn nên chiếc vỉ nuôi là nơi lươn vào đó trú ngụ và ăn thức ăn, tránh trường hợp lươn bơi xuyên suốt bên ngoài”.
Bí quyết nuôi lươn thương phẩm thành công của anh Nông là anh tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm thông qua những người đi trước và tự tìm tòi thêm kiến thức mới thông qua các phương tiện truyền thông hay trên mạng xã hội, mỗi nơi anh góp nhặt một ít tạo thành kinh nghiệm riêng cho việc nuôi lươn của mình. Theo anh Nông, muốn lươn phát triển tốt trong suốt quá trình nuôi, trước khi thả giống cần phải cải tạo bể nuôi thật kỹ bằng các dung dịch sát khuẩn theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Sau thả nuôi, giai đoạn lươn con cần bổ sung thêm một số loại men vi sinh, phòng ngừa bệnh đường ruột và thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng của lươn cũng như phân loại theo kích cỡ lươn, tùy kích cỡ sẽ ra bể nuôi riêng nhằm tạo sự đồng đều trong bể nuôi, tiện khâu chăm sóc.
Hiện tại anh Nông có tổng cộng 8 bể nuôi lươn được cải tạo, mỗi bể là 5m2, thả nuôi 2.000 con lươn/bể. Với số lượng bể nuôi như trên, mỗi năm anh thu hoạch khoảng 3 tấn lươn thương phẩm, giá bán dao động 180.000 đồng - 220.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận tầm 500 triệu đồng/năm. Đồng thời, để tăng lợi nhuận cũng như chủ động con giống nuôi lươn thương phẩm, anh Nông tự tuyển chọn giống lươn nuôi bố mẹ thông qua lươn nuôi thương phẩm. Qua đó, anh Nông sẽ chọn 50 cặp lươn bố mẹ nuôi dưới ao đất cho chúng đẻ lươn con, sau đó lấy số lươn con đem lên bể nuôi, số lượng lươn con đủ để nuôi lươn thương phẩm trong 1 năm.
Theo anh Nông, tới đây anh sẽ mở rộng diện tích nuôi lươn lên 20 bể nuôi và tăng đàn lươn bố mẹ lên 100 cặp, số lượng lươn bố mẹ sinh sản như trên đủ cung ứng nuôi lươn thương phẩm, không phải mua bên ngoài, góp phần tăng lợi nhuận hơn nữa.
THÚY LIỄU
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.