Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 16/10/2020
Ngày cập nhật:
18/10/2020
Mưa lũ xảy ra nhiều ngày qua và bây giờ vẫn còn tiếp diễn khiến đê bao của nhiều diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh đứng trước nguy cơ bị vỡ. Người nuôi tôm đang thấp thỏm và tăng cường gia cố.
Người dân Phong Hải tập trung gia cố đê bao hồ tôm khi bị xói lở ngày 12/10
Xói lở, ngập nước
Lượng mưa quá lớn khiến dòng nước các con khe tại khu vực nuôi tôm xã Phong Hải (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) những ngày qua chảy xiết. Điều đáng lo là các con khe này phần lớn chảy song song, ngay dưới chân đê bao các vuông tôm. Nguy cơ xói lở dẫn đến vỡ đê luôn hiển hiện trước mắt.
Ngày 12/10, người nuôi tôm thôn Hải Phú (xã Phong Hải) một phen hú vía khi mưa lớn, dòng nước ngoại lai xâm nhập đê bao khiến 3ha tôm chân trắng tại đây xói lở. Chính quyền địa phương đã huy động nhiều lực lượng để hỗ trợ người dân. Hàng trăm bao cát được tập kết để gia cố tạm thời, góp phần hạn chế thất thoát, thiệt hại.
Anh Phan Văn Thoại (một người nuôi tôm tại xã Phong Hải) bảo rằng, nuôi tôm mùa lũ, người nuôi hồi hộp theo dõi thời tiết, mưa lớn dài ngày nguy cơ đất cát tạo nên hệ thống đê bao bị sụt lún, nếu người nuôi không kiểm tra kịp thời sẽ chảy theo dòng nước đi về phía biển. “Người dân thường chọn những vị trí gần biển để đầu tư nuôi tôm, song đây cũng là vị trí rất dễ dẫn đến tình trạng sạt lở đê bao, vỡ hồ bởi nước biển rất dễ xâm nhập”, anh Thoại nói.
Khi đợt mưa lớn tạm ngưng vào hôm qua (15/10), nhiều người nuôi tôm tại xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang) tiến hành gia cố đê bao, kiểm tra hệ thống quạt sục khí oxy sau một thời gian bị chìm trong nước lũ. Ông Nguyễn Thanh An (xã Vinh Thanh) cho biết, sau đợt lũ vừa rồi, tôm nuôi của gia đình ông bị thất thoát rất nhiều. Nước triều dâng cao cộng với nước từ thượng nguồn đổ về khiến toàn bộ diện tích nuôi tôm của ông An chìm trong biển nước. “Vợ chồng tôi tìm cách cứu tôm nhưng không kịp. Không chỉ tôi mà nhiều hộ dân khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự”, ông An cho biết.
Ngoài diện tích nuôi tôm, đợt lũ vừa qua khiến hơn 1.400 ha nuôi trồng thủy sản cao triều, thấp triều tại huyện phú Vang bị ngập, gây thiệt hại lớn.
Hiện nay, khi người nuôi tôm chưa kịp khắc phục hậu quả đợt lũ vừa qua, mưa lớn tiếp tục diễn ra, sẽ tiếp tục đối mặt với đợt nguy cơ ngập hồ nuôi. “Đối với những hộ nuôi tôm ven biển như tôi, nếu mưa lớn nước sẽ chảy từ khu vực nuôi về phía biển. Tuy vậy, nguy cơ nước “xiết” chân đập là rất lớn, đó là nỗi lo lắng lớn nhất”, anh Hồ Hữu Châu (người nuôi tôm xã Điền Hòa, huyện Phong Điền) chia sẻ.
Bộ đội giúp dân gia cố đê, bảo vệ hồ nuôi
Hạn chế thấp nhất thiệt hại
Theo Chủ tịch UBND xã Phong Hải - Hoàng Văn Sửu, vụ tôm này, tại địa phương có gần 25ha đưa vào thả nuôi. Đây là vụ chính trong năm nên người nuôi kỳ vọng sẽ có mùa bội thu, song trải qua cơn bão số 5 và đợt lũ vừa qua, người nuôi đang gặp nhều khó khăn. Ngoài yếu kỹ thuật, chuyên môn, thiên tai khiến cơ sở vật chất bị thiệt hại đáng kể. “Chúng tôi phải điều động lực lượng phối hợp với bộ đội biên phòng ứng cứu, hỗ trợ người dân gia cố đê bao. Những năm trước, tại địa phương đã xảy ra tình trạng vỡ hồ do mưa lớn nên đây là nhiệm vụ quan trọng đối với người nuôi tôm bây giờ”, ông Sửu cho hay.
Khắp các địa phương trải dài trên vùng biển địa bàn tỉnh, tình trạng xâm thực đang diễn ra, kè bị nước biển “nuốt” trôi; nước triều dâng cao khiến đê bao thủy sản dường như không có tác dụng. Lãnh đạo xã Vinh Thanh cho rằng, theo dõi diễn biến thời tiết, thường xuyên kiểm tra cơ cở sở vật chất tại những vùng nuôi là cách hạn chế chế thấp nhất thiệt hại. Những vùng nuôi không bị ngập úng, người nuôi cần có phương án bảo vệ cơ sở vật chất hồ nuôi.
Không phải bây giờ mà nhiều năm qua, biến đổi khí hậu trở thành thách thức đối với không chỉ người nuôi tôm. Từng bước thích nghi và sống chung với thiên tai dường như là phương án khả dĩ nhất. Đối với người nuôi tôm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phan Thị Thu Hồng bảo rằng, họ cần phải trở thành người nuôi chuyên nghiệp, nghĩa là trong mọi hoàn cảnh phải biết ứng phó. “Sự cố mất điện, xói lở đê bao đã xuất hiện nhiều năm trước. Người nuôi tôm cần lường trước điều đó. Ngoài yếu tố chuyên môn, đầu tư máy phát điện và hình thành một đê thủy sản vững chắc sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại. Với những vùng nuôi có nguy cơ ngập úng, cần thu hồi vốn trước khi thả nuôi vụ mới ngay trong mùa bão lũ, điều đó sẽ tạo nên sự an toàn cho quá trình tái đầu tư”, bà Hồng nói.
Bài, ảnh: L. Thọ
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.