• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hành trình ‘tái sinh’ đào cổ

Nguồn tin: Báo Lào Cai, 20/04/2020
Ngày cập nhật: 21/4/2020

Tháng Ba âm lịch là thời điểm các chủ vườn đào tỏa về những thôn, bản vùng cao thu mua gốc đào già cỗi về ghép mắt, chăm sóc để chúng có thể tái sinh vào mùa xuân tới. Hành trình đi tìm đào cổ gian nan và đầy vất vả nhưng vì tình yêu, niềm đam mê mà người chơi cây cảnh không quản xa xôi “săn” bằng được những gốc đào cổ độc, lạ.

Những thân đào cổ thụ được tái sinh.

Hôm nay, sau bao ngày mù mịt, ướt nhẹp vì mưa phùn, trời Sa Pa đã hửng nắng. Anh Bùi Thanh Long, chủ một vườn đào cảnh nổi tiếng ở Lào Cai có hẹn với công nhân làm vườn tên là Châu A Dế để đến vài thôn của Sa Pa tìm đào cổ. Châu A Dế bảo mấy hộ trong thôn báo có cây muốn bán vì gốc đào già quá và không nở hoa đúng dịp Tết nên họ bán để trồng cây khác. Anh Long cùng Châu A Dế đeo khẩu trang, đội mũ bảo hiểm leo lên chiếc xe máy đi về phía cuối thôn Móng Sến, xã Trung Chải, thị xã Sa Pa. Nhà Châu A Thào - chủ của gốc đào cổ - nằm lưng chừng đồi, khá xa, con đường đến đó cũng đầy khúc cua tay áo.

Vừa đến nhà Châu A Thào, gốc đào cổ thụ rêu phong hiện ra trước mắt anh Long đúng như tưởng tượng. Cây đào có thế rồng tỏa nhánh 4 hướng, xét về tính phong thủy, nó vô cùng hoàn hảo. Chủ gốc đào là Châu A Thào thủ thỉ: Cây đào này có từ thời ông nội tôi nhưng chẳng năm nào ra hoa vào đúng dịp Tết cả, cứ tháng Ba mới thấy ra hoa. Quả của nó chua lắm, tôi muốn bán từ lâu rồi nhưng chưa tìm được người mua. Qua lời giới thiệu của A Dế, biết anh Long có vườn cây cảnh và rất thích những gốc đào cổ nên tôi gọi lên bán.

Chọn được gốc đào đẹp, anh Long thoáng tay trả Châu A Thào 1 triệu đồng và thuê chở xuống vườn cạnh chân cầu Móng Sến. Ngày hôm nay với anh Long như vậy là quá thuận lợi. Công việc tiếp theo của anh là cưa hết những cành không cần thiết, chỉ để lại gốc đào với độ cao thích hợp. Việc “tái sinh” những gốc đào già này khó hơn nhiều lần so với trồng một cây đào mới bởi rễ của cây đã già cỗi, khó phát triển. Thế nhưng, bằng kinh nghiệm của người làm nghề chăm sóc cây cảnh lâu năm, mọi chuyện được anh Bùi Thanh Long “hóa giải”. Theo anh Long, tái sinh đào cổ quan trọng nhất là tỷ lệ phân thích hợp. Giống đào rất ưa phân ủ gồm phân chuồng kết hợp với NPK. Lượng phân này được ủ trong 2 tháng, sau đó bón xuống đất trước khi trồng đào. Ở những thân đào cổ thụ, anh sẽ ghép mắt giống đào phai và đào bích cánh kép Nhật Tân, sau đó chăm sóc chúng tỉ mỉ với chế độ tưới nước và bón phân nghiêm ngặt. Sau ghép mắt 2 năm, cây đào sinh trưởng ổn định và cho ra hoa đẹp.

Trước đây, vườn đào cổ thụ của anh Nguyễn Thanh Long đặt tại Bắc Hà nhưng sau khi tìm được nguồn mua cây ở Sa Pa, anh đã chuyển vườn sang khu vực cầu Móng Sến để đỡ chi phí vận chuyển. Anh Long cho biết, vườn đào hiện có hơn 200 gốc cổ thụ đã ghép mắt thành công và chờ đến ngày ra hoa chơi Tết. Từ gốc đào già cỗi cho đến khi ra hoa đúng dịp Tết là cả quá trình chăm sóc công phu của chủ vườn. Cây đào hay bị bệnh thối rễ nên đòi hỏi người chăm sóc phải tinh mắt, kiên trì mới điều trị thành công. Mỗi năm, muốn đào ra hoa như mong muốn, chủ vườn phải biết xem thời tiết để định ngày tuốt lá cho phù hợp.

Cũng theo anh Long, mỗi gốc đào tái sinh thành công phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi người chăm sóc có kiến thức chuyên sâu. Việc đầu tư tái sinh đào cổ khá tốn chi phí, có lúc lên tới hàng tỷ đồng cho vườn đào mấy trăm gốc. Nhưng vì tình yêu và niềm đam mê chinh phục những gốc đào cổ, anh đã bỏ rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc.

Vườn đào của anh Long tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động ở xã Trung Chải với tiền công ổn định. Ngắm những gốc đào cổ vốn thiếu sức sống đang hồi sinh từng ngày, anh không khỏi vui mừng. Anh nhớ từng gốc đào được mua ở đâu và phải vất vả như thế nào mới đưa được về vườn, nâng niu chăm sóc chúng ra sao. Vườn đào chính là đứa con tinh thần khiến anh vui vẻ mỗi ngày. Đến dịp Tết, mỗi gốc đào lại về với chủ mới, giúp bừng sáng không gian cho mỗi gia đình, anh Long bảo đó mới là lúc công sức lao động của anh được định giá.

MỘC ANH

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang