• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phù Cát, An Lão (Bình Định): Giá dưa hấu xuống thấp, nông dân lao đao

Nguồn tin: Báo Bình Định, 22/03/2022
Ngày cập nhật: 25/3/2022

Hiện nay, 2 huyện Phù Cát, An Lão (tỉnh Bình Định) bước vào thu hoạch dưa hấu vụ Ðông Xuân. Tuy nhiên, giá dưa xuống quá thấp, người trồng dưa đang lao đao.

Vụ dưa này, nông dân huyện Phù Cát xuống giống 267 ha dưa hấu - đã giảm gần 180 ha so với năm trước, tập trung ở các xã: Cát Lâm, Cát Sơn, Cát Hiệp, Cát Tài, Cát Tường, Cát Hanh, Cát Nhơn. Nhờ đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đủ nước tưới và thời tiết tương đối thuận lợi nên cây dưa phát triển tốt, năng suất bình quân đạt 35 tấn/ha. Tuy nhiên, giá dưa năm nay xuống thấp, phổ biến chỉ từ 800 - 1.500 đồng/kg, nên người trồng dưa lỗ nặng.

Đã mất mùa lại còn mất giá, nhiều người trồng dưa ở huyện An Lão bị lỗ nặng trong vụ dưa hấu Đông Xuân. Ảnh: DIỆP THỊ DIỆU

Với 75 ha dưa, xã Cát Lâm là địa phương có diện tích dưa hấu nhiều nhất Phù Cát. Những ngày này, trồng dưa không vui vì tiền bán dưa không đủ bù chi phí. Ước tính mỗi sào (500 m2) dưa hấu phải đầu tư chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc, thu hoạch… khoảng 5 triệu đồng, nếu hộ nào thuê đất để trồng thì chi phí còn tăng thêm 1 triệu đồng nữa; nhưng với giá dưa hiện tại, người trồng dưa chỉ thu được chừng 2,5 triệu đồng/sào, lỗ gần 2,5 triệu đồng.

Bà Đặng Thị Đào, ở thôn Đại Khoan, xã Cát Lâm kể: Tôi cùng 2 người thân nữa hùn tổng cộng 350 triệu đồng đầu tư vào 3,5 ha dưa hấu. Nhưng cuối cùng chỉ thu lại được hơn 100 triệu đồng. Tôi trồng dưa đã nhiều năm nhưng chưa có năm nào dưa rớt giá như năm nay.

Ông Võ Văn Tiếng, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Lâm, cho biết: Hồi đầu vụ trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, dự báo do phụ thuộc thị trường Trung Quốc nữa dưa hấu sẽ khó tiêu thụ nên chúng tôi đã ráo riết vận động bà con chuyển sang các loại cây trồng khác. Và thực tế diện tích dưa đã giảm hơn 95 ha so với con số mà chúng tôi đã khảo sát trước khi tổ chức vận động. Tuy nhiên do thói quen sản xuất và do nhiều người vốn đã xem việc trồng dưa hấu là “đánh bạc” với thời tiết và thị trường nên chấp nhận “được ăn cả ngã về không”… Quả thật với năng suất dưa như vậy, nếu giữ giá khoảng 6.000 - 8.000 đồng/kg như mọi năm thì họ thắng lớn đấy! Đáng tiếc là thị trường Trung Quốc ngày càng khó đoán định.

So với người trồng dưa ở Phù Cát, tình cảnh của người trồng dưa ở huyện An Lão còn bi đát hơn. Với lợi thế có vùng đất bãi bồi ven sông nên nhiều năm qua, nông dân An Lão rất thuận lợi trong việc canh tác dưa hấu. Tuy nhiên, năm nay người trồng dưa nơi đây gặp rất nhiều khó khăn do trời mưa lạnh kéo dài ảnh hưởng nặng đến quá trình sinh trưởng của cây dưa; bên cạnh đó, sâu rầy phá hoại dưa cũng nặng hơn, hệ quả là nhiều ruộng dưa không đạt năng suất như mọi năm.

Từ đầu tháng Giêng đến nay ở huyện An Lão, gần như không có chuyện thương lái tìm đến hỏi mua dưa như mọi năm. Nếu như năm ngoái tư thương mua tại ruộng dưa với giá 6.000 - 8.000 đồng/kg thì nay nếu có điện thoại hỏi mua, giá cũng chỉ còn tầm 1.000 đồng/kg. Dưa chín không có người hỏi mua, không đành lòng bỏ dưa lăn lóc ngoài ruộng, người trồng dưa phải chở đi bán lẻ khắp nơi rất vất vả.

Tại ruộng dưa rộng hơn 3 ha sắp chín, ông Võ Xuân Cầm, ở thôn Long Hòa, xã An Hòa, than thở: Năm nay, dưa đã mất mùa mà giá cả còn rớt thê thảm như vầy, thật tôi rầu rĩ quá. Ngay cả những thương lái đã đặt cọc tiền mua dưa nay thấy thị trường Trung Quốc đóng cửa họ hủy luôn hợp đồng, bỏ tiền cọc, chấp nhận mất ít còn hơn là mua dưa rồi mất nặng nề hơn. Vụ dưa này chỉ tính sơ sơ tôi cũng lỗ gần 200 triệu đồng.

Ông Đỗ Đình Biểu, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện An Lão, cho biết: Nhiều năm nay nhờ mang lại lợi nhuận cao, dưa hấu là loại cây trồng cạn được nông dân ưu tiên sản xuất trong vụ Đông Xuân. Nhận thấy nguy cơ khó khăn từ phía Trung Quốc, chúng tôi có cảnh báo bà con nên năm nay toàn huyện cũng chỉ có hơn 30 ha dưa hấu. Chỉ chừng đó thôi mà hiện nhiều gia đình đã bị thua lỗ và gặp nhiều khó khăn. Từ thực tế này, chúng tôi tổ chức rút kinh nghiệm để trước những bối cảnh như vậy mình sẽ tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng, tăng cường hướng dẫn, động viên để bà con linh hoạt chuyển đổi cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp.

TRƯỜNG GIANG - DIỆP THỊ DIỆU

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang