Nguồn tin: Báo Hà Giang, 22/12/2022
Ngày cập nhật:
27/12/2022
Trong tiết trời se lạnh, chúng tôi về thăm những xã trồng cam trọng điểm của huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang). Thời điểm này, những vườn cam Vàng đã chín mọng, cam Sành đang bắt đầu vào mùa thu hoạch. Trong dòng chảy chuyển đổi số, những chủ nhà vườn, hợp tác xã trồng cam đã “chốt đơn” thành công trên sàn thương mại điện tử (TMĐT), đưa những trái cam ngọt tiến xa trên thị trường.
Người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm cam của Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Việt Tiến, xã Hương Sơn (Quang Bình).
Cây cam là cây trồng truyền thống, chủ lực và làm giàu của người dân xã Hương Sơn. Đều đặn vào vụ cam chín, thương lái từ khắp mọi nơi nhộn nhịp đổ về thu mua và tiêu thụ. Dẫu vậy, giá thu mua không ổn định, câu chuyện được mùa, mất giá đến hẹn lại lên. Thêm vào đó, 2 năm gần đây, do tác động không nhỏ của dịch bệnh Covid-19, thị trường tiêu thụ theo hình thức truyền thống cũng hẹp lại. Từ thực tế này, đòi hỏi các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), người nông dân cần phải thay đổi cách quảng bá, tiếp cận khách hàng trong bối cảnh công nghệ thông tin 4.0 bùng nổ, đi vào từng ngõ ngách, lĩnh vực của đời sống xã hội, đến với từng hộ dân.
Nắm bắt cơ hội của thị trường TMĐT cùng sự hỗ trợ của các sở, ngành cấp tỉnh, huyện, ngoài việc đưa cam vào các siêu thị, trung tâm thương mại các tỉnh, thành phố miền Bắc và miền Trung, HTX nông nghiệp tổng hợp Việt Tiến, thôn Sơn Nam, xã Hương Sơn đã sớm đưa sản phẩm cam lên sàn TMĐT Vỏ Sò của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel. Vượt qua những khó khăn, trở ngại ban đầu, từ những người nông dân trình độ tiếp cận thông tin còn hạn chế, nay chính các thành viên của HTX nông nghiệp tổng hợp Việt Tiến đã sử dụng thành thạo chiếc điện thoại thông minh để đăng chi tiết sản phẩm lên sàn TMĐT, tạo gian hàng, trả lời tin nhắn, giao dịch thành công các đơn hàng trên sàn TMĐT. Đầu vụ cam năm 2022 đến nay, HTX bán được hơn 10 tấn cam Vàng trên sàn TMĐT và đang bắt đầu tiêu thụ những chuyến cam Sành, đưa quả cam đặc sản tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước.
Bên cạnh việc bán hàng trên sàn TMĐT, nhận thấy bán hàng trên nền tảng công nghệ số hiện nay khá phù hợp với mọi lứa tuổi, hầu như ai cũng có điện thoại kết nối mạng internet để tìm kiếm thông tin, mua hàng. Tận dụng điều đó, anh Bàn Văn Tình và một số thành viên HTX nông nghiệp tổng hợp Việt Tiến cũng đã nhanh chóng bắt nhịp mạng xã hội zalo, facebook, tiktok, xây dựng kênh youtube để chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc, bón phân, cắt tỉa cây cam và bán cam. Đồng thời, thực hiện livetream 2 buổi/tuần trên facebook để giới thiệu trực tiếp vườn cam đến khách hàng. Lúc đầu mọi người chưa tương tác nhiều, nhưng khi có những đơn hàng đầu tiên, các thành viên trong HTX lại có thêm động lực để làm đa dạng hơn nội dung, hình thức livetream, hiện tại mỗi buổi livetream có 300 - 1.000 người xem, chốt được 30 - 40 đơn hàng.
Toàn huyện Quang Bình có 2.212 ha cây cam, diện tích cam Sành là chủ yếu, năng suất cam niên vụ năm 2022 - 2023 ước đạt 98 tạ/ha, sản lượng ước đạt trên 20 nghìn tấn. Diện tích cam được chứng nhận vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 1.058 ha, thuộc 15 tổ, 3 HTX và 542 hộ, tập trung tại 6 xã, gồm: Hương Sơn, Yên Hà, Tiên Yên, Vĩ Thượng, Bằng Lang, Tân Trịnh. Ngoài ra, có 16 ha cam của 5 hộ dân được huyện lựa chọn thực hiện xây dựng vườn cam mẫu gắn với du lịch nhà vườn. Cây cam là cây trồng mũi nhọn của địa phương, những năm qua, tỉnh và huyện đều có các cơ chế, chính sách để người trồng cam được tiếp cận các nguồn vốn đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm.
Đồng chí Mai Thị Niệm, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Quang Bình cho biết: “Cùng với việc giữ vững các thị trường tiêu thụ sẵn có trong hệ thống siêu thị Vimart, phòng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, ngành chuyên môn đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ cam cũng như kiểm tra chất lượng sản phẩm cam trước khi thu hoạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đối với thị trường TMĐT, chúng tôi mong muốn các đơn vị, doanh nghiệp luôn chủ động hỗ trợ, hướng dẫn HTX, người dân tiếp cận TMĐT một cách chuyên nghiệp, khoa học, tạo sự gắn kết chặt chẽ để cùng phát triển bền vững”.
Bài, ảnh: MỘC LAN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.