• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bến Tre: Phòng trị sâu đầu đen theo hướng sinh học an toàn

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 28/12/2022
Ngày cập nhật: 30/12/2022

Sau 2 năm phòng trị sâu đầu đen (SĐĐ) gây hại trên cây dừa, kết quả cho thấy giải pháp quản lý, phòng trị theo hướng sinh học an toàn mang lại hiệu quả cao nhất. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bến Tre đã xác định giải pháp trong thời gian tới là tăng cường công tác quản lý, nhân rộng mô hình nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh (OKS).

Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre thăm vườn dừa của nông hộ liên kết tại xã Phước Long, huyện Giồng Trôm. Ảnh: C. Trúc

Đề tài “Nghiên cứu đánh giá xác định mức độ gây hại của sâu ăn lá dừa và xây dựng mô hình, đề xuất các giải pháp quản lý và phòng trị theo hướng sinh học an toàn trên địa bàn tỉnh Bến Tre”, do Sở NN&PTNT phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh thực hiện đã đạt kết quả quan trọng.

Nhóm nghiên cứu đề tài đã xác định được vòng đời của SĐĐ tại Bến Tre là 43 - 52 ngày; thu được 10 loài OKS SĐĐ hại dừa, trong đó, có 3 loài ong đã được nghiên cứu nhân nuôi và phóng thích thành công trên các vườn dừa huyện Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Thạnh Phú và TP. Bến Tre. Hai loài ong Trichospilus pupivorus và Habrobacon hebetor đang được nhân nuôi và phóng thích rộng rãi tại các vườn dừa nhiễm SĐĐ.

Đến nay, đề tài đã thực hiện 9 mô hình phóng thích OKS SĐĐ hại dừa tại các huyện Thạnh Phú, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành và TP. Bến Tre. Kết quả cho thấy, tại các vườn dừa có mức độ gây hại của SĐĐ từ 20 - 40%, khi phóng thích 5 ngàn con OKS ấu trùng và 10 ngàn ong ký sinh nhộng/ha/tháng có hiệu quả kiểm soát SĐĐ hại dừa từ tháng thứ 3 sau phóng thích. Tại các mô hình này, Sở NN&PTNT đang tiếp tục phóng thích bổ sung để duy trì hiệu quả kiểm soát trong điều kiện SĐĐ đã phát tán gây hại trên địa bàn toàn tỉnh.

Giới thiệu các loại OKS để phóng thích nhân nuôi trong vườn dừa. Ảnh: C. Trúc

Vườn dừa của ông Nguyễn Văn Nhựt, xã Hòa Lợi (Thạnh Phú) có khoảng 8 công (trên 10 năm). Tháng 10-2021, vườn có xuất hiện triệu chứng các lá dừa bị cháy khô. Được sự tư vấn, hướng dẫn của ngành chức năng, ông thực hiện các biện pháp phòng trị tạm thời theo khuyến cáo. Sau đó, được sự hỗ trợ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh thực hiện thả OKS để phòng trị, ông Nhựt nhận thấy đây là giải pháp mới để tiêu diệt sâu hại. Đợt đầu tiên phóng thích hơn 50 ngàn con OKS trên khu vực vườn nhà ông và các vườn dừa lân cận. Sau khi thả ong khoảng 1 tháng kiểm tra thấy mức độ gây hại giảm rõ rệt. Đợt 2 phóng thích 50 ngàn con OKS trên khu vực dừa bị gây hại. Ông Nhựt theo dõi và từ 3 - 5 tháng sau, cây dừa đã khôi phục và cho trái bình thường.

Theo Sở NN&PTNT, đến nay, ngành đã tổng hợp được quy trình kiểm soát SĐĐ hại dừa thông qua các kết quả thực hiện như: Xác định được vòng đời SĐĐ tại tỉnh; xác định được 5 hoạt chất và 7 tên thuốc thương phẩm có hiệu quả trong phòng trừ SĐĐ và khuyến cáo đến người nông dân; nhân nuôi và phóng thích thành công 3 loài OKS SĐĐ hại dừa.

Phó giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Quang Đức cho biết: Từ tháng 7-2020 đến nay, diện tích nhiễm SĐĐ tăng dần từ 2,4ha nhiễm lên 42,5ha vào tháng 12-2020 và tăng nhanh đến 458ha vào tháng 6-2021. Sau khi thực hiện các công tác phòng trừ bằng biện pháp canh tác và hóa học kết hợp phóng thích thiên địch trên địa bàn toàn tỉnh, quá trình sử dụng thuốc làm tăng khả năng lây lan dẫn đến diện tích nhiễm tăng, nhưng diện tích phục hồi cũng dần tăng. Đến tháng 12-2022, diện tích phục hồi đã vượt xa so với diện tích hiện nhiễm. Trong đó, huyện Mỏ Cày Bắc sau khi thực hiện phóng thích trên 35 triệu OKS trong năm 2022, đã có 80% diện tích nhiễm SĐĐ phục hồi, với 320ha (lũy kế diện tích nhiễm 400ha), diện tích còn nhiễm là 80ha.

Theo Phó giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Quang Đức, bài học kinh nghiệm quan trọng 2 năm qua là: Phát huy sức mạnh cộng đồng người trồng dừa và tuyên truyền vận động người dân tham gia quyết liệt phòng trừ SĐĐ bằng các giải pháp sinh học…

“Để giải quyết vấn đề lựa chọn loại thuốc bảo vệ thực vật cũng như nồng độ và liều lượng sử dụng trong khi trên thị trường chưa có thuốc đăng ký phòng trừ trên đối tượng sâu đầu đen, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với một số công ty sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trong và ngoài tỉnh thực hiện khảo nghiệm thuốc để tìm ra loại thuốc và nồng độ có tác dụng hiệu quả trong phòng trừ sâu đầu đen. Đồng thời, hình thành 10 đơn vị nhân nuôi OKS trên địa bàn tỉnh đã hoạt động hiệu quả, mật số OKS tăng nhanh trong 3 tháng cuối năm 2022 và sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2023”. (Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức)

Cẩm Trúc

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang