• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lào Cai: Si Ma Cai cải tạo cây ăn quả ôn đới

Nguồn tin: Báo Lào Cai, 25/3/2022
Ngày cập nhật: 27/3/2022

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh về phát triển cây ăn quả ôn đới, từ năm 2021, huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) đã thực hiện “chiến dịch” chăm sóc, cải tạo những loại cây này. “Chiến dịch” được phát động trên địa bàn tất cả các xã, thị trấn nhằm chăm sóc và cải tạo vườn tạp, vườn tập trung, xây dựng thành vườn du lịch sinh thái gắn với phát triển hàng hóa.

Hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả ôn đới cho người dân Si Ma Cai.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện, tổng diện tích cây mận, cây lê toàn huyện là hơn 927 ha (hơn 40 ha lê xanh, gần 456 ha lê Tai nung và hơn 432 ha mận). Diện tích cây ăn quả chủ yếu được trồng nhỏ lẻ, manh mún, còn nhiều hộ chưa cải tạo, chăm sóc, quy hoạch được vùng sản xuất tập trung, chuyên canh. Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, chủ yếu làm thủ công nên năng suất lao động còn thấp. Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, việc đầu tư thâm canh của người dân chưa được quan tâm, dẫn đến thu nhập trên 1 ha canh tác chưa cao.

Trước thực tế đó, việc cải tạo theo nhóm hộ được địa phương chú trọng triển khai. Việc phát triển hộ có quy mô liên vùng từ 3 ha trở lên, mỗi khu vực sẽ tập trung vào 1 cây trồng chính, tạo điểm du lịch đặc trưng riêng. Mục tiêu đến năm 2025, diện tích cây ăn quả ôn đới toàn huyện là 1.500 ha.

Cùng với việc mở rộng diện tích trồng, chủ trương của huyện là quy hoạch vùng trồng quy mô liền vùng, liền khoảnh, nâng cao năng suất, chất lượng và gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Cuối năm 2021, huyện Si Ma Cai đã phát động ra quân chăm sóc, cải tạo cây ăn quả ôn đới. Tại mỗi xã, thị trấn, chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức các buổi hướng dẫn tại các vườn theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, thực hành trực tiếp tại vườn để người dân nắm được quy trình kỹ thuật, áp dụng lên vườn của gia đình.

Gia đình ông Ly Seo Vu, thôn Lao Chải, xã Quan Hồ Thẩn có hơn 300 gốc lê, mận, trong đó hơn 100 cây đang cho thu hoạch, còn lại là diện tích trồng mới. Ông Vu cho biết: Nhà tôi trồng lê, mận khoảng 10 năm nay, cây ra được quả nào thì biết quả đó chứ không chăm sóc hoặc đốn tỉa. Những năm gần đây, được hướng dẫn nên tôi mới biết tỉa bớt cành, vin cành để tạo tán, tỉa thưa và bọc quả. Lúc đầu, tôi thấy chặt cành, tỉa quả thì rất tiếc nên chỉ áp dụng thử lên một số cây. Kết quả cho thấy những cây được chăm sóc tốt quả to, đẹp, giá bán cao hơn. Tính ra 10 quả lê ở cây được chăm tốt giá còn tốt hơn 30 quả lê ở những cây khác. Thấy vậy nên cuối năm 2021, tôi tỉa cành, vin cành cho toàn bộ vườn lê, mận của gia đình.

Suy nghĩ của ông Vu cũng là tâm lý chung của người dân vùng cao Si Ma Cai. Việc ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất không thể “một sớm, một chiều” nên các xã, thị trấn tổ chức quán triệt đến tận thôn, đặc biệt là cán bộ chủ chốt của xã; thông qua các buổi tiếp xúc cử tri, họp thôn, sinh hoạt chi bộ thôn.

Ông Vũ Văn Khanh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai cho biết: Từ khi triển khai đến nay, có 2.800 hộ đã cải tạo vườn cây ăn quả ôn đới, với hơn 573 ha, đạt 61,79% kế hoạch. Việc triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo tính đồng bộ. Một số xã, thị trấn có nhiều cách làm hay, xuất hiện một số mô hình điển hình về chỉnh trang khuôn viên vườn nhà, góp phần thay đổi nhận thức của người dân về giá trị diện tích đất canh tác sau khi được cải tạo. Ví dụ như xã Quan Hồ Thẩn, xã Lùng Thẩn đã có một số hộ đầu tư cải tạo vườn thành vườn du lịch sinh thái gắn với phát triển hàng hóa tại địa phương.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo cải tạo vườn tạp. Chú trọng vào việc bồi dưỡng, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, cải tạo vườn cây ăn quả ôn đới. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn cử cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương” - ông Khanh nói.

Thúy Phượng

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang