Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 14/06/2022
Ngày cập nhật:
15/6/2022
Huyện Kế Sách (Sóc Trăng) được xem là “thủ phủ” cây ăn trái đặc sản của tỉnh. Sở dĩ địa phương này có nhiều tiềm năng phát triển cây ăn trái là do địa hình hơn 20km tiếp giáp sông Hậu nên lượng phù sa được bồi đắp quanh năm, thích hợp trồng được các loại cây ăn trái. Nếu như trước đây hầu hết người dân trồng cây ăn trái theo tập quán truyền thống thì hiện tại, nhiều hộ đã sản xuất theo chuỗi giá trị bằng cách tập hợp sản xuất và liên kết đầu vào, đầu ra cho các loại trái cây.
Sản xuất theo chuỗi liên kết
Theo thống kê của ngành chuyên môn, diện tích cây ăn trái toàn tỉnh Sóc Trăng hơn 29.000ha, trong đó, diện tích trồng cây ăn trái của huyện Kế Sách là 17.773ha, với các loại trái cây chủ lực như: bưởi Năm roi, bưởi da xanh, xoài, vú sữa, sầu riêng, nhãn, cam, chanh, mít... Với lợi thế có nhiều loại trái cây đặc sản nhưng thu nhập của nhà vườn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, nguyên nhân là do việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sản lượng, chất lượng và hình thức bên ngoài của các loại trái cây chưa ổn định và trái cây tiêu thụ chủ yếu trong nước thông qua hệ thống các vựa, thương lái.
Huyện Kế Sách (Sóc Trăng) được xem là “thủ phủ” cây ăn trái đặc sản của tỉnh. Ảnh: TL
Để khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, chỉ cung ứng thị trường trong nước thông qua sự hỗ trợ của Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản của tỉnh, huyện Kế Sách chuyển đổi cây ăn trái theo chuỗi giá trị, phát triển thương hiệu và đạt tiêu chuẩn VietGAP, nhằm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và cung cấp các loại trái cây chất lượng cao vào thị trường cao cấp trong nước. Chính vì vậy, huyện đã tập hợp nhà vườn thành lập nên các hợp tác xã (HTX) để sản xuất ra số lượng trái cây lớn, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, phục vụ thị trường xuất khẩu. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 20 HTX cây ăn trái, trong đó có 13 HTX được cấp 38 mã vùng trồng, diện tích hơn 306ha, có 8 HTX được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP, diện tích gần 230ha, trên các loại cây ăn trái là nhãn, xoài, bưởi, vú sữa, cam.
Đồng thời, có 8 HTX được cấp nhãn hiệu đối với các loại cây ăn trái chủ lực; có 8 HTX đã tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị (chuỗi giá trị, liên kết trái cây gồm các khâu là: cung cấp - đầu vào - sản xuất - thu gom - thương mại - tiêu dùng) và có 2 HTX được hỗ trợ nhà lưới để sản xuất cây giống cung ứng thị trường, các loại cây giống đạt tiêu chuẩn là tiền đề để tạo ra sản phẩm trái cây đồng đều về mẫu mã, chất lượng.
Thông tin cùng chúng tôi, ông Trần Văn Phương - Giám đốc HTX Nông nghiệp Xóm Đồng 2, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách chia sẻ: “HTX chúng tôi chuyên sản xuất trái vú sữa bơ hồng, diện tích 21ha. HTX bắt đầu khâu liên kết chuỗi trái cây theo giá trị vào năm 2021, đã giúp cho HTX sản xuất giảm chi phí đáng kể, chẳng hạn giá phân bón giảm từ 15 - 20%; tạo việc làm cho hầu hết thành viên HTX. Khi tiến hành công việc thu gom trái vú sữa cung cấp đến công ty, đặc biệt là khâu tiêu thụ được công ty hợp đồng thu mua với giá 42.000 đồng/kg trong vụ tới (năm 2022), đẩy giá trái vú sữa bơ hồng tăng lên 5.000 - 10.000 đồng/kg so với trước…”.
Sản phẩm trái cây xuất khẩu
Đến nay, các HTX nông nghiệp chuyên sản xuất vú sữa tím, vú sữa bơ hồng, vú sữa tứ quý… đã liên kết các công ty, doanh nghiệp thu mua xuất khẩu với sản lượng cung ứng 420 tấn trái, giá bán tại vườn được các công ty, doanh nghiệp thu mua xuất khẩu là 30.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường 16.000 đồng - 18.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, trái bưởi da xanh của HTX Bưởi Thành Công đã được công ty liên kết thu mua, cung ứng thị trường xuất khẩu hơn 60 tấn và tiêu thụ thị trường trong nước hơn 1.000 tấn…
Với lợi thế là địa phương có nhiều loại trái cây đặc sản, cung cấp thị trường trong nước, nhất là thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng, nhằm tăng lợi nhuận cho nhà vườn và phát triển kinh tế - xã hội huyện nhà, đồng chí Lê Hoàng Phong - Phó Chủ tịch UBND huyện Kế Sách cho biết: “Trong thời gian tới, huyện sẽ phối hợp các ngành chuyên môn hỗ trợ HTX tiêu thụ trái cây trên nhiều kênh, nhiều phân khúc thị trường; chỉ đạo đơn vị chuyên môn huyện tiếp tục chuyển giao đồng bộ các quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng trái cây theo yêu cầu của nhà nhập khẩu; nhân rộng trái vú sữa tím đào, vú sữa tứ quý và hình thành vùng nguyên liệu trái cây lớn để cung ứng doanh nghiệp xuất khẩu; xây dựng và quảng bá thương hiệu cho trái cây huyện nhà…”.
Tin rằng với lợi thế của vùng sông nước, có phù sa bồi đắp quanh năm cùng với các loại trái cây đặc sản có giá trị kinh tế cao thì trong tương lai, huyện Kế Sách sẽ tiếp tục là điểm thu hút nhiều hơn các công ty, doanh nghiệp đến liên kết với HTX thu mua các loại trái đặc sản xuất khẩu cũng như đầu tư các nhà máy chế biến sâu về trái cây, góp phần tạo đầu ra ổn định cho các loại trái cây và tăng thu nhập cho nhà vườn, tạo việc làm cho lao động nông thôn.
THÚY LIỄU
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.