Nguồn tin: Báo Bình Thuận, 21/01/2022
Ngày cập nhật:
22/1/2022
Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) là địa phương có diện tích trồng cây thanh long lớn nhất tỉnh, với diện tích khoảng 14.785 ha thanh long; trong đó, diện tích sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP là 7.640 ha (chiếm 51,8 % diện tích thanh long toàn huyện), diện tích sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 452 ha. Sản lượng thanh long trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam năm 2021 đạt khoảng 360.000 tấn, năng suất bình quân 24,2 tấn/ha/năm; sản lượng thanh long trong Quý I/2022 dự kiến khoảng 105.000 tấn. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 140 cơ sở lớn, nhỏ thu mua, tiêu thụ thanh long, sản phẩm tiêu thụ là thanh long tươi, tổng số kho lạnh trên địa bàn huyện đáp ứng lưu trữ, bảo quản 167 kho lạnh, có sức chứa trên 25.000 tấn thanh long.
Do tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ thanh long trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam gặp rất nhiều khó khăn như giá cả bấp bênh, chi phí vận chuyển tăng cao…. Từ ngày 01/01/2022 đến nay, một số cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc đã kết nối thông quan trở lại, nhưng chỉ ưu tiên thông quan đối với các xe Container chở hàng nông sản đã ùn tắc trước đó, do đó đã gây ra tình trạng tồn đọng thanh long, dẫn đến giá giảm mạnh chỉ còn 1.500 - 2.500 đồng/kg thanh long ruột trắng và không thu mua thanh long ruột đỏ; hiện nay, toàn huyện có 110 cơ sở thu mua thanh long đã tạm ngừng hoạt động, 30 cơ sở thu mua hoạt động để lưu trữ hàng trong kho lạnh và một số cở sở hoạt động để đóng hàng đi xuất khẩu tại cảng biển. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng khuyến cáo các doanh nghiệp Bình Thuận không đưa hàng hóa lên khu vực cửa khẩu biên giới trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm dần năm 2022. Do vậy mà các hoạt động giao thương mặt hàng thanh long trên địa bàn huyện hiện nay vẫn tiếp tục trầm lắng, chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Anh Lê Huỳnh Đức - Chủ cơ sở thu mua thanh long Thủy Đại, huyện Hàm Thuận Nam cho biết, từ khi các cửa khẩu đường bộ bị tắc nghẽn, những ngày này, cơ sở thu mua thanh long Thủy Đại đã phải thuê xe Container vận chuyển thanh long vào cảng Cát Lái, thành phố Hồ Chí Minh xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường biển. Do số lượng chuyến tàu xuất bến rất hạn chế, hai ngày cơ sở mới xuất khẩu được 01 công tương đương khoảng 20 tấn, trong khi đó, lượng hàng dự trữ trong kho lạnh vẫn còn gần chục công. Không còn kho lạnh trống, nên cơ sở tạm ngừng thu mua thanh long.
Nhiều hộ nông dân có thanh long chuẩn bị thu hoạch ở thời điểm này như ngồi trên đóng lửa, giá bán đã rẻ mà thương lái chẳng có nhiều. Bà Nguyễn Thị Hằng - Thôn Ba Bàu, xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Nam cho biết, vườn thanh long hơn bảy tấn của gia đình đang bắt đầu chín, khoảng một tuần nữa sẽ thu hoạch. Thế nhưng, giá bán thanh long lúc này đang rất thấp, ít doanh nghiệp thu mua, bà lo lắng vô cùng. Biết chắc sẽ thua lỗ, nhưng vẫn phải thuê công vuốt tai chăm chút hình thức bên ngoài trước khi xuất bán với hy vọng mời gọi được thương lái thu mua, thu hồi vốn được đồng nào hay đồng ấy.
Ông Đào Tấn Khương - Thôn Dân Bình, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam cho biết, vườn thanh long của gia đình ông hiện nay đã đến thời kỳ xuất bán, nhưng ông lại mang xe rùa đi từng trụ tỉa bỏ bớt những trái chín dưới 300 gram. Chấp nhận giảm sản lượng, bù lại nông sản dễ bán hơn và khi thương lái thu mua sẽ ít khấu hao. Hiện tại, giá bán thanh long ở vườn dao động từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng/kg, tùy kích cỡ trái và mức khấu hao 70 kg đến 100 kg cho mỗi tấn. Thế nhưng, thương lái thu mua rất hạn chế, chỉ 10% đến 20% so với trước, trong khi đó, nguồn cung thanh long ở các nhà vườn còn khá dồi dào.
Từ nay đến Tết Nguyên đán năm 2022, huyện Hàm Thuận Nam ước còn trên 40 ngàn tấn thanh long chín trên cây cần tiêu thụ. Nông dân có thanh long thu hoạch ở khung thời điểm này như ngồi trên đóng lửa vì lo ngại không có đầu ra. Ngày 10/01/2022, tỉnh Quảng Ninh thông báo vẫn còn khoảng 1.200 Container chờ làm thủ tục thông quan xuất khẩu qua Trung Quốc, đồng thời khuyến cáo đến các doanh nghiệp tạm dừng đưa hàng hóa đến khu vực cửa khẩu biên giới thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2022 vì Trung Quốc sẽ sớm đóng cửa khẩu, cảng biển để doanh nghiệp và người làm việc ở đây thực hiện cách ly bắt buộc 21 ngày trước khi về quê đón tết. Đây là thông tin bất lợi đối với doanh nghiệp và nông dân có thanh long thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán năm nay.
Ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện tại các ngành có liên quan của tỉnh đang vận động doanh nghiệp có kho lạnh thu mua lưu trữ nông sản hỗ trợ nông dân; tăng cường xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển. Cùng với đó, làm đầu mối kêu gọi kết nối tiêu thụ thanh long thị trường nội địa. Ông Phan Văn Tấn cũng cho biết thêm, tỉnh đã kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương sớm đàm phám ngoại giao với Trung Quốc nhằm kết nối lại cửa khẩu để xuất khẩu nông sản của Việt Nam, trong đó có thanh long Bình Thuận; về lâu dài, hỗ trợ tỉnh mời gọi các tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm từ trái thanh long tươi để làm cơ sở đầu tàu dẫn dắt, định hướng và phát triển thị trường tiêu thụ nông sản địa phương.
Nguyễn Phương
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.