• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thu về tiền tỉ nhờ trồng cam trên vùng đất vườn đồi

Nguồn tin: Lao Động, 22/11/2022
Ngày cập nhật: 25/11/2022

Cam là cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp đời sống được nâng lên rõ rệt cho người dân xã Thượng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).

Ông Dương bên vườn cam trĩu quả cho thu nhập hơn 100 triệu/năm của gia đình. Ảnh: Trần Tuấn

Ông bà già kiếm trăm triệu/năm nhờ trồng cam

Ngày 22.11, chúng tôi tìm về xã Thượng Lộc để ghi nhận cuộc sống đổi thay nhờ trồng cam của người dân nơi đây.

Theo giới thiệu của Hội Nông dân xã Thượng Lộc, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Trọng Dương (57 tuổi, trú thôn Thanh Mỹ, xã Thượng Lộc) - gia đình trồng hơn 500 gốc cam trên diện tích gần 1ha.

Theo ông Dương, thời điểm này, hầu hết cam đã vào cuối vụ thu hoạch. Thế nhưng, vườn cam của gia đình ông mới bắt đầu chín bói. Trong hơn 500 gốc cam, phần lớn là cam đã trồng 8 - 9 năm, gần một nửa là cam mới trồng được 4 năm đang vào độ tuổi cho quả tốt và nhiều nhất.

Cả vườn cam rộng lớn nhưng cây lớn, cây nhỏ nào cũng cho quả trĩu cành. Số quả nhiều quá sợ gãy cành nên chủ vườn phải dùng cọc chống để cành không bị gãy.

Giá cam ở thời điểm này với cam giòn ở mức 40.000 đồng - 45.000 đồng/kg. Cao hơn so với năm ngoài từ 10.000 đồng - 15.000 đồng/kg. Còn cam chanh giá thấp hơn, ở mức 30.000 đồng - 35.000 đồng/kg.

“Tình hình này, vườn cam của tôi sẽ giữ được để đến Tết bán. Khi đó, ước tính sẽ cho thu hoạch hơn 6 tấn quả. Lúc đó chắc chắn giá cam sẽ cao hơn nhiều bởi khi đó là hàng hiếm rồi” - ông Dương phấn khởi chia sẻ.

Về bí quyết để trì hoãn cho cam chín muộn, trở thành hàng hiếm, đắt giá dịp Tết, ông Dường cho biết, phải chăm sóc cho cây khỏe, cành cứng đầy sức sống để quả xanh được lâu đồng thời phải chăm xua đuổi loài ong châm vào quả để quả không bị nhanh rụng.

Cũng theo ông Dương, đầu vụ cam này đến nay, những quả cam chín bói sớm, xấu trong vườn thì gia đình ông đã thu hoạch tỉa bán với số lượng gần 2 tấn.

Mỗi năm, bình quân trừ chi phí phân bón, thuê nhân công cuốc cỏ, tỉa cành, gia đình ông Dương “bỏ túi” khoảng 100 triệu đồng. Số tiền đó dư dả để 2 ông bà già ở nông thôn chi tiêu.

Nhờ kinh tế vườn từ trồng cam mà ông Dương có tiền xây nhà khang trang và đầu tư nuôi con ăn học và cho con vốn liếng làm ăn, buôn bán.

Sở hữu vườn cam lớn, chất lượng nhất nhì xã Thượng Lộc vẫn là gia đình chị Phan Thị Hiền ở thôn Anh Hùng. Với hơn 1.000 gốc cam giòn và cam chanh, ước tính cho tổng sản lượng khoảng 40 tấn quả mỗi năm.

Với giá cam năm nay, ước tính gia đình chị sau khi trừ mọi chi phí cũng thu về hơn 1 tỉ đồng. Do có kinh nghiệm trồng lâu năm nên hiện vườn cam gia đình chị Hiền vẫn đang trĩu quả và mới bắt đầu vào vụ, trong khi hầu hết cam của các gia đình khác đã bán hết.

Do đạt sản phẩm cam OCOP nên cam của gia đình chị Hiền phần lớn bán vào siêu thị với giá cao, ngoài ra được nhiều người đặt hàng để làm quà biếu dịp Tết nên không phải lo đầu ra của sản phẩm.

Vùng đất thiên nhiên ưu ái

Ông Phạm Tịnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Lộc - cho biết, toàn xã có 370 hộ dân trồng cam với số lượng từ 50 gốc trở lên đến 2000 gốc, chiếm 30% số hộ toàn xã. Còn số hộ trồng dưới 50 gốc thì chiếm phần lớn trong xã.

Đến nay, đã có 13 mô hình trồng cam VietGap, 5 hộ trồng cam đạt sản phẩm OCOP. Những hộ trồng cam đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGap, OCOP thì giá bán cao hơn, có thể đạt 50.000 đồng - 60.000/kg.

Hiện giá cam ở mức 40.000 đồng/kg nhưng dự báo đến dịp Tết Nguyên đán sẽ cao hơn nhiều. Ảnh: Trần Tuấn

“Cam vẫn đang là cây trồng chủ lực mang lại kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân địa phương chúng tôi. Những năm qua, cam Thượng Lộc đã có thương hiệu, tên tuổi trên thị trường nhờ có lợi thế đất đai, thổ nhưỡng thuận lợi, thiên nhiên ưu đãi để trồng cam cho sai quả, quả ngọt, hàm lượng dinh dưỡng cao” - ông Tịnh nói.

Thực tế, Thượng Lộc là một vùng đất đồi thoải, thoát nước tốt nên trồng cam thuận lợi, cây ít khi bị chết bị ngập úng. Điều đó cũng là một thuận lợi so với nhiều địa phương khác.

TRẦN TUẤN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang